Người Mỹ đã buộc người Nhật phải mở cửa đất nước như thế nào?
Khi người Mỹ mang vào Nhật súng ống và tàu tối tân, Mạc phủ Togukawa đứng giữa 2 lựa chọn, hoặc tiếp tục đóng cửa nước Nhật và chịu đương đầu với sức mạnh quân sự từ phía Mỹ, hoặc mở cửa nước Nhật, hòa hữu với phương Tây.
250 năm đóng cửa đất nước với phương Tây, khi châu Âu và Mỹ có cách mạng công nghiệp, có tàu chiến, có đầu máy xe lửa thì Nhật Bản tụt lại phía sau. Đao kiếm Nhật chẳng thể nào thắng được vũ khí hạng nặng phương Tây.
Tokyo ngày nay là một trong 3 trung tâm kinh tế lớn nhất toàn cầu, nơi tập trung của hàng trăm tập đoàn và công ty đa quốc gia. Với tổng dân số 35,2 triệu người, đây còn được là PWC bình chọn là khu vực đô thị có GDP lớn nhất thế giới.
Đối với châu Á, Tokyo được coi như trung tâm ánh sáng, văn minh, nơi mà hàng triệu triệu thanh niên châu Á mơ ước được đặt chân đến. Mỗi năm ít nhất khoảng 20 triệu khách nước ngoài đến Nhật và cũng tương đương con số đó người Nhật ra nước ngoài.
Nước Nhật hiện đại chấp nhận và dung hòa mọi tôn giáo, Thần Đạo, Đạo Phật, Đạo Hồi, Đạo Thiên Chúa Giáo. Thế nhưng cũng đã từng có thời, bất kỳ người nước ngoài nào cố gắng nhập cảnh vào Nhật hoặc người Nhật cố gắng ra nước ngoài đều bị xử tử. Hàng nghìn người bị xử tử chỉ vì quyết trung thành với đạo Thiên chúa, nhẹ nhàng hơn, để chứng minh rằng mình không có đức tin với Đạo Thiên chúa, họ phải chấp nhận dẫm qua dẫm lại nhiều lần lên hình Đức Mẹ Maria.
Cách đây 162 năm, ngày 08/07/1853, Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Matthew Perry cho hạm đội của mình dừng chân tại khu vực vùng biển ngay gần Edo (thủ đô Tokyo ngày nay) và hướng súng thẳng vào thị trấn Uraga.
Lòng tự tôn của người Nhật bị tổn thương ghê gớm bởi hai lý do. Thứ nhất, họ không thể chấp nhận hành vi ngang ngược của hạm đội Mỹ. Thứ hai, họ quá sợ hãi trước những con tàu với súng ống hiện đại mà nước Nhật chưa từng được biết đến trước đó.
Mạc phủ Togukawa lập tức yêu cầu tàu thuyền của Nhật phải bao vây và yêu cầu hạm đội Mỹ rời khỏi vùng biển Nhật. Với trọng trách được giao là phải mở cửa được nước Nhật bằng mọi giá, Matthew Perry đâu dễ chấp nhận.
Matthew Perry cử người gửi đến Mạc chúa một lá cờ trắng (với hàm ý buộc người Nhật đầu hàng) và một bức thư với nội dung nếu Nhật không tuân thủ các điều kiện mà Mỹ đưa ra, Mỹ sẽ tiêu diệt toàn bộ tàu thuyền Nhật bao vây quanh hạm đội Mỹ. Matthew Perry chấp nhận ra đi nhưng tuyên bố sẽ trở lại trong thời gian sớm nhất.
Ở thời điểm đó, những chiếc tàu màu đen dài hơn 70 mét với làn khói đen và vũ khí tối tân có sức công phá lớn với mỗi làn đạn khai hỏa của người Mỹ đủ để khiến những samurai Nhật vốn chỉ quen với kiếm, cung tên và ngựa chiến khiếp sợ.
Mạc phủ Togukawa đứng giữa 2 lựa chọn, hoặc tiếp tục đóng cửa nước Nhật và chịu đương đầu với sức mạnh quân sự từ phía Mỹ, hoặc mở cửa nước Nhật, hòa hữu với phương Tây nhưng hành động này lại bị coi như mất thể diện vì đã không bảo vệ được nước Nhật khỏi áp lực từ ngoại bang. Và lựa chọn hòa hữu với phương Tây đã được lựa chọn bởi người Nhật hiểu quá rõ đối đầu quân sự với phương Tây quá bất lợi cho Nhật vốn đã tụt hậu quá xa so với phương Tây.
7 tháng sau, Matthew Perry quay lại, người Nhật đã chịu lùi bước. Hiệp định Kanagawa được ký kết, theo đó người Mỹ sẽ có lãnh sự quán tại Nhật, Nhật buộc phải mở cửa hai cảng Shimoda và Hakodate đón tàu thuyền Mỹ. Ngoài ra Nhật phải mở cửa đón hàng nhập khẩu với thuế quan ưu đãi. Sau đó người Nhật còn ký thêm nhiều hiệp định khác với Anh, Nga, Pháp với những điều khoản chủ yếu có lợi cho các nước bên ngoài.
Matthew Perry đã mở ra chương mới cho nước Nhật, khoảng thời gian nước Nhật bế quan tỏa cảng kéo dài 250 năm chấm dứt.
Đêm dài tụt hậu của hơn 2 thế kỷ đóng cửa đất nước
Cần phải làm rõ rằng trong khoảng thời gian 250 năm (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19) Nhật Bản được coi như một đất nước khép kín, không mở cửa với bên ngoài. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.
Nhật chỉ đóng cửa với các nước phương Tây nhưng vẫn giữ quan hệ nhất định với Trung Quốc, Hàn Quốc, hai nước đã từng có sự giao lưu, trao đổi, học hỏi về tôn giáo với Nhật suốt nhiều thế kỷ trước. Và cũng đã có khoảng thời gian Nhật mở cửa với phương Tây nhưng khi Mạc Phủ nắm quyền, đất nước đóng cửa trở lại. Nửa cuối thế kỷ 16, hoạt động giao thương, trao đổi văn hóa, tôn giáo giữa người phương Tây với Nhật trở nên rất sôi động.
Người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh đến Nhật, mang theo Đạo Thiên chúa và những kiến thức quý báu, mới mẻ với người Nhật trong các lĩnh vực đóng tàu, địa lý… Họ cũng mang đến cho người Nhật những thứ mà ngày nay người ta tưởng rằng nó bắt nguồn từ Nhật như tempura, thuốc lá, bánh mì, đường. Các nhà truyền đạo phương Tây đã làm rất giỏi công việc của mình, chỉ trong vài chục năm nửa cuối thế kỷ 16 họ đã cải đạo của cả triệu người Nhật, kể cả một số lãnh chúa.
Tất cả những hoạt động trao đổi trên chấm dứt khi nhà Mạc Phủ lên nắm quyền. Tất cả các nhà truyền đạo bị buộc phải rời khỏi nước Nhật. Việc theo đạo Thiên chúa giáo bị coi như vi phạm pháp luật nặng và hình phạt sẽ là cái chết. Hàng nghìn người phải chết vì quyết giữ đức tin của mình. Số người Nhật theo đạo Thiên chúa giảm từ cả triệu người xuống chỉ còn vài người và thậm chí chính họ cũng không dám công khai thực hiện các lễ nghi tôn giáo. Tất cả người Nhật bị buộc phải yêu cầu giẫm lên bức hình Đức mẹ Maria để thể hiện không theo Đạo Thiên chúa
Văn hóa Nhật từ bao nhiêu thế kỷ cho đến trước nhà Mạc Phủ luôn chấp nhận dung hòa mọi tôn giáo, Đạo Phật và Đạo Khổng Tử đã vào Nhật cả ngàn năm trước đó, vậy tại sao Mạc Phủ lại không chấp nhận Thiên Chúa giáo và quyết tâm đuổi tất cả người nước ngoài ra khỏi Nhật?
Có 2 lý do lý giải cho điều này. Thứ nhất đạo Thiên Chúa giáo quan niệm rằng có một quyền lực cao hơn Mạc Chúa, đó là điều không chấp nhận được.
Thứ hai, nhiều lãnh chúa đã xây dựng mối quan hệ thân thiết với các nhà kinh doanh và truyền đạo nước ngoài, tiềm ẩn nguy cơ Mạc Chúa mất kiểm soát hoạt động trao đổi giữa lãnh chúa và người nước ngoài. Nói cách khác, không phải nhà Mạc Phủ không muốn trao đổi với thế giới mà họ muốn tất cả các mối quan hệ với nước ngoài phải thuộc tầm kiểm soát của họ để tránh việc hệ tư tưởng hay tôn giáo mới tác động xấu đến vị thế cầm quyền.
Không thể phủ nhận những thành quả mà nhà Mạc Phủ đã mang đến cho nước Nhật, thế nhưng chính sách đóng cửa đã khiến nước Nhật lùi sâu hơn rất nhiều so với các nước phương Tây.
Trong khoảng thời gian 250 năm đóng cửa đất nước, Mỹ và phương Tây đã trải qua cuộc cách mạng công nghiệp để vươn lên vị trí hàng đầu thế giới. Họ đã tạo ra điện, tàu hỏa, điện tín, còn Nhật vẫn chỉ là một nước thuần nông nghiệp, vũ khí của samurai vẫn chỉ là kiếm và cung tên. Vì thế những chiếc tàu và súng trường của Perry thức tỉnh tầng lớp samurai và toàn thể trí thức Nhật, họ hiểu Nhật không thể và không nên tiếp tục đóng cửa trước đề nghị của người Mỹ nữa, nếu không muốn đi vào vết xe đổ của Trung Quốc với Chiến tranh Nha phiến trước đó.
Những tư tưởng đi trước thời đại
Trong chính quyền Mạc Phủ, không phải tất cả các nhà cầm quyền đều có tư tưởng chống phương Tây hay đóng cửa đất nước. Bằng chứng là việc có một số học giả người Nhật đã được cử đến đảo Dejima gần Nagasaki để học về dược và khoa học quân sự, thế nhưng vì những lý do đến giờ chưa được biết, tri thức quý giá này không được phổ biến rộng rãi ra công chúng.
Trong giới samurai bình dân, Yoshida Shōin được coi như người đi đầu trong tư tưởng cải cách. Nhưng ban đầu quan điểm của ông là học từ phương Tây để đuổi hết người ngoại quốc ra khỏi Nhật. Ngày phó đề đốc Perry trở lại Nhật vào năm 1854, ông đã rất cố gắng để trốn đi theo tàu của Perry, âm mưu bị lộ và ông bị bắt giam và rồi được thả ra, được cho phép hành nghề thầy giáo. Với cương vị của thầy giáo, ông hối thúc học trò mình tìm đường ra khỏi nước Nhật để rồi quay về xây dựng Nhật. Sau này ông đã muốn lật đổ Mạc Chủ nhưng không may mắn đã bị hành quyết khi âm mưu bị phát hiện.
Dù vậy ông để lại cho nước Nhật những thành quả không hề nhỏ. Nhiều học sinh của ông đã tìm đường ra khỏi Nhật, họ quay về với tri thức phương Tây, vũ khí phương Tây. Ngay lập tức, người Nhật nghiên cứu và học theo công nghệ vũ khí phương Tây để hiện đại hóa vũ khí Nhật. Chính những người học trò này cùng với sự ủng hộ của nhiều samurai khác đã khiến nhà Mạc Phủ sụp đổ, giai đoạn hơn 200 năm đất nước đóng cửa kết thúc, bắt đầu thời kỳ Thiên hoàng Minh Trị mang đến chương mới trong lịch sử phát triển Nhật Bản.
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)
Ngọc Diệp
Thạc sỹ Ngành Quan hệ Quốc tế tại đại học IUJ – Niigata – Nhật Bản