[Sách hay] Nhật Bản duy tân 30 năm: Gương cũ nên soi
Thông tin sách:
Tên sách: Nhật Bản duy tân 30 năm
Tác giả : Đào Trinh Nhất
Giá bìa: 109.000 đồng
Bối cảnh
Cuộc Cải cách Minh Trị ở Nhật Bản năm 1868 là sự kiện có tính bước ngoặt cho việc xây dựng một nhà nước Nhật Bản hiện đại và là chủ đề hấp dẫn đối với giới nghiên cứu Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu sự mở đầu cho một tiến trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa kéo dài 30 năm, đưa Nhật Bản từng bước trở thành một quốc gia phát triển độc lập, hiện đại và hùng cường trong khu vực.
Khi xét về thời kỳ này người ta thường nhắc đến Thiên hoàng Minh Trị, người đặt nền móng cho sự "thần kỳ Nhật Bản". Tuy nhiên, phía sau vai trò của Thiên hoàng có hay không những căn nguyên, những đóng góp của các nhân vật khác? Và tại sao trong rất nhiều quốc gia khu vực có chung hoàn cảnh lịch sử, điều kiện xã hội như Nhật Bản lại không có được bước phát triển thần kỳ đó?
Thật bất ngờ là lời đáp cho các câu hỏi khiến giới nghiên cứu hiện nay vẫn còn đang trăn trở lại đã được giải đáp một cách đầy đủ và chính xác từ cách đây 80 năm bởi công trình tầm vóc của nhà khảo cứu lịch sử Đào Trinh Nhất, cuốn sách “Nước Nhật Bổn 30 năm duy tân”.
Nội dung
Bằng ngòi bút phê bình sắc sảo pha chất ký sự lịch sử và cách làm việc nghiêm túc, thận trọng, tác giả đã thu thập được những thông tin chính xác, hệ thống về điều kiện địa lý tự nhiên, đặc điểm chủng tộc, các sự kiện lịch sử cùng những nhân vật quan trọng trong giai đoạn này của Nhật Bản; phân tích rõ lý do tại sao Nhật Bản có thể bắt kịp các nước phương Tây chỉ trong vòng 30 năm, trong khi phương Tây phải mất 300-400 năm để đạt được trình độ như vậy.
Một điều thú vị là trong quá trình lý giải các nguyên nhân đó, bằng cái nhìn thận trọng dựa trên những căn cứ xác thực, không vu vơ, không tưởng tượng, tác giả đã đặt quốc gia này trong hệ quy chiếu với các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Nam Dương,... trong đó có Việt Nam, để thấy rõ căn nguyên tại sao chúng ta đã không thể chuyển mình ngoạn mục như Nhật Bản.
Lý giải sự thành công của Nhật Bản, tác giả đưa ra mấy nguyên do chính.
Thứ nhất, từ xa xưa người Nhật Bản đã có nhiều tính cách đặc biệt: kính thần, tự tôn, coi trọng danh dự, thượng võ, hiếu chiến, coi cái chết như không và đặc biệt là biết dung hòa tốt. Đây chính là nền móng tạo nên quyết tâm duy tân không gì lay chuyển nổi của người Nhật.
Thứ hai về văn hóa, tuy cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, theo đạo Khổng Mạnh, nhưng người Nhật không theo khoa cử, kinh nghĩa, thi phú; sĩ phu không bị bả vinh hoa của cử nhân, tiến sĩ làm cho mê muội đi. Họ cũng không chịu theo sự mê tín của người Tàu, không tin phong thủy, bói toán, không đốt vàng mã, không tin quỷ thần. Đầu óc của họ không vướng víu những thứ tối tăm, cho nên khi thấy có Tây học văn minh thì họ không chần chừ, nghi ngại mà theo ngay.
Thứ ba, tầng lớp tinh hoa của Nhật Bản, ngay từ tiến hành cuộc cải cách đã biết mấu chốt của công cuộc cải cách phải bắt đầu từ học thuật tư tưởng trở đi, bởi lấy tinh thần cũ thì không thể nào làm ra sự nghiệp mới. Người Nhật ngày nay đã cường thịnh, bèn nêu cao tinh thần bảo tồn quốc túy; nhưng trong nhiều cuốn sách người Nhật vẫn công nhận bốn tư tưởng ấy là điểu tiên quyết tạo nên cuộc duy tân thành công của họ.
Cũng theo tác giả Đào Trinh Nhất, mô hình cai trị ở Nhật Bản lúc bấy giờ có phần giống với thời vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam. Suốt mấy trăm năm, Thiên hoàng ở ngôi chỉ như phỗng đá, làm vua hư danh vậy thôi, bao nhiêu đại quyền trong nước đều bị các Tướng quân thay nhau nắm giữ. Mặc dầu vậy, đời Mạc phủ nào cũng vẫn dốc lòng tôn kính hộ vệ Thiên hoàng, luôn tỏ ra tuân thủ các nguyên tắc của đạo lý truyền thống, bởi trên danh nghĩa Thiên hoàng vẫn là người có quyền uy cao, đồng thời là biểu tượng cho sự trường tồn và thống nhất dân tộc.
Những khảo cứu của Đào Trinh Nhất về thời kỳ khai quốc và công cuộc duy tân đã cho thấy các triều Mạc phủ cũng có công khai hóa, nhất là triều Đức Xuyên (Tokugawa) đã công phu lo sắp đặt giáo dục, mở mang văn hóa. Nhờ họ Đức Xuyên mà cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX nước Nhật đã biết cái lợi giao thiệp, buôn bán với Hòa Lan và biết học tập tri thức của Thái Tây, nhất là y học.
Và kể từ thời Minh Trị (Meiji) Nhật Bản luôn thể hiện một tinh thần quốc dân được khích lệ bởi nhà tư tưởng hàng đầu Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi). Tư tưởng công lợi của người Anh, người Mỹ được Phúc Trạch Dụ Cát ra sức truyền bá, làm cho sĩ phu hướng về thực học, quốc dân được bồi dưỡng về tự do độc lập. Song song với đó, các tác phẩm khai sáng phương Tây đã được giới thiệu, người ta đọc và sôi nổi thảo luận những Voltaire, Rousseau, Adam Smith, Hebert Spencer, Charles Darwin...
Ngoài Thiên hoàng Minh Trị (Fukuzawa Yukichi) tác giả Đào Trinh Nhất còn giúp chúng ta biết đến vai trò của Đức Xuyên Khánh Hỷ (Tokugawa Yoshinobu), vị Tướng quân cuối cùng đã đóng vai trò quan trọng trong việc nhanh chóng kết thúc chế độ Mạc phủ, trao lại chính quyền cho Thiên hoàng, cũng như tầng lớp tinh hoa của Nhật Bản, những người ngay từ khi tiến hành cuộc duy tân đã biết mấu chốt của cải cách phải bắt đầu từ học thuật tư tưởng.
Đánh giá
Giới nghiên cứu ngày nay cũng đồng quan điểm với tác giả “Nhật bản duy tân 30 năm” khi cho rằng, một những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của cuộc cải cách Minh Trị là vai trò của những nhà lãnh đạo mà nổi bật nhất là vai trò của “Duy tân tam kiệt”, bao gồm ba tay chí sỹ Saigo Takamori (Tây Hương Long Thịnh), Okubo Toshimichi (Đại Cửu Bảo Lợi Thông), Kido Takayoshi (Mộc Hộ Hiếu Doãn). Đây được xem là nhóm lãnh đạo đầu tiên đã có công lèo lái đất nước trong những năm đầu sau cuộc cải cách. Các nội dung này cũng được tác giả khảo cứu kỹ lưỡng trong các chương sau chót của cuốn sách.
Cũng cần nói thêm rằng, dẫu đã gần 80 năm trôi qua nhưng “Nhật Bản duy tân 30 năm” vẫn còn nguyên giá trị thời sự để chúng ta hoàn toàn có thể tự tin mà xếp cạnh những công cuộc kiến tạo quốc gia của cả phương Đông lẫn phương Tây như “Quốc gia khởi nghiệp”, “Đài Loan – Tiến trình hóa rồng” hay “30 năm sóng gió”...
Về tác giả
Đào Trinh Nhất (1900-1951) tự Quán Chi, được mệnh danh là người viết sử kỳ tài. Sau 30 năm cầm bút ông đã để lại khá nhiều tác phẩm, tiêu biểu: Thế lực khách trú và vấn đề di dân Nam Kỳ (1920), Việt sử giai thoại (1934), Nhật bản duy tân 30 năm (1936), Phan Đình Phùng- một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời (1936), Việt Nam Tây thuộc sử (1937), Đông Kinh nghĩa thục (1938)…
Bạch Dương