Người lao động Mỹ đang chán làm việc?
Theo Financial Times, ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng họ không kiếm đủ thu nhập để chu cấp cho gia đình và có nhiều phụ nữ cảm thấy vấn đề sinh con khiến họ bị tách khỏi lực lượng lao động.
Năm 2014, có khoảng 12% nam giới Mỹ trong độ tuổi 25-54 không có việc làm và cũng không muốn tìm việc làm. Tỷ lệ này gần tương đương với Italia và cao hơn nhiều so với các thành viên khác trong nhóm G7. Tại Anh, tỷ lệ này đạt 8%, tại Pháp và Đức là 7% và Nhật Bản là gần 4%.
Trong cùng năm, tỷ lệ nữ giới Mỹ không có việc làm và cũng không đi tìm việc làm là 26%. Rõ ràng, thị trường lao động Mỹ đang có diễn biến không lạc quan khi nhiều người trong độ tuổi lao động không có việc làm.
Sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, tỷ lệ lao động trên 16 tuổi tại Mỹ giảm từ 65,7% năm 2009 xuống 62,8% vào tháng 7/2015. Theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ (CEA), khoảng 1,6 phần trăm suy giảm là do dân số già đi, khoảng 0,3 phần trăm là do suy giảm theo chu kỳ. Như vậy, khoảng 1 phần trăm suy giảm chưa được các chuyên gia giải thích rõ ràng.
Vào năm 1991, tỷ lệ nam giới tại Mỹ không có việc làm và cũng không tìm việc chỉ đạt 7%, như vậy chỉ trong hơn 20 năm, tỷ lệ này đã tăng 5%. Trong khi đó, tỷ lệ nam giới Anh không có và cũng không tìm việc làm chỉ tăng từ 6% lên 8% cùng thời kỳ, còn tỷ lệ này tại Pháp chỉ tăng từ 5% lên 7%.
Đối với nữ giới, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tại Mỹ luôn tăng trưởng cho đến năm 2000, sau đó quay đầu đi xuống.
Điều gì đang thực sự diễn ra đối với lực lượng lao động Mỹ khi quốc gia này có nền kinh tế hàng đầu thế giới và hiện là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu? Mặc dù chi phí lao động tại Mỹ khá cao nhưng đây không phải là lý do khiến các công ty ngừng tuyển dụng cũng như khiến các lao động có trình độ thấp từ bỏ tìm kiếm việc làm.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương tối thiểu tại Mỹ thấp hơn 20% so với Anh và thấp hơn rất nhiều so với Pháp vào năm 2014. Hơn nữa, thị trường Mỹ có ít quy định về tuyển dụng lao động nhất trong các nước thuộc OECD.
Vậy lý do thực sự ở đây là gì? Đối với nữ giới, việc phải chăm sóc con cái cũng như các quy định ngày càng chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi cho phái nữ có thể được coi là một lời giải thích cho tỷ lệ lao động nữ giới suy giảm tại Mỹ.
Đối với nam giới, một giải thích hợp lý nhất là khả năng ngày càng dễ bị thay thế trong công việc tại Mỹ khi độ tuổi lao động bị nới rộng. Trong khi tỷ lệ lao động độ tuổi 15-24 tại Mỹ khá cao thì tỷ lệ lao động cho độ tuổi trên 65 cũng tăng trưởng không kém, từ 13% năm 2009 lên 19% năm 2014. Như vậy, với mức lương tối thiểu không cao, chi phí đi lại tốn kém và khả năng mất việc không thấp, ngày càng nhiều lao động Mỹ từ bỏ các công việc có thù lao thấp.
Theo Financial Times, đây là một vấn đề khá nghiêm trọng trong xã hội Mỹ khi ngày càng nhiều người cho rằng họ không kiếm đủ thu nhập để chu cấp cho gia đình và có nhiều phụ nữ cảm thấy vấn đề sinh con khiến họ bị tách khỏi lực lượng lao động.
Sự suy giảm không ngừng trong tỷ lệ người thuộc độ tuổi lao động chính (25-54 tuổi) tại Mỹ đang có hoặc tìm việc làm cho thấy dấu hiệu rủi ro tiềm tàng đối với kinh tế quốc gia này. Nhiều khả năng vấn đề mức lương và lao động sẽ trở thành vấn đề nóng trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 tới đây.