Nghịch lý siêu xe ở Ấn Độ
Ở Ấn Độ, đường sá quá đông đúc và gập ghềnh nên chẳng có nơi nào để những người giàu khoe đẳng cấp.
“Xế sang” phải đi đêm
Năm 2014, Parveen Agarwal, nhà phát triển bất động sản Ấn Độ mua một chiếc Lamborghini Gallardo màu cam, động cơ 550 mã lực, có hệ thống phanh hiệu suất cao và bộ điều chỉnh hướng gió bằng điện tử. Vấn đề duy nhất đó là: chẳng có nơi nào để lái chiếc xe này.
Những chiếc xe loại này được thiết kế để chạy trên các cung đường rộng nhưng đường ở Kolkata rất tệ. Kolkata là thành phố đông dân. Người ta biết đến thành phố này nhờ Mẹ Teresa và sự nghèo đói cùng cực.
Những chiếc xe sang phải chia sẻ mặt bằng đường phố với những chiếc xe kéo tay, xe ngựa kéo và thậm chí là cả những đàn gia súc. Đường thì đông, các loại xe di chuyển từ mọi hướng mà xe sang thì tầm nhìn thấp, nên trong xe không thể nhìn thấy toàn bộ các phương tiện.
Parveen Agarwal và một số người bạn thành lập "hội siêu xe" ở Kolkata, hàng tuần tổ chức lái xe vào đêm khuya và sáng sớm để tránh tắc đường và đi tìm đường rộng. Thứ năm hàng tuần, sau 10 giờ đêm, họ lại đi ra ngoài lái xe, bắt đầu từ sân bóng gậy Eden Gardens, qua các con phố của thủ đô thời Anh còn chiếm đóng.
Một buổi tối gần đây, khoảng một chục người tập trung lại cùng những chiếc "xế hộp", trong đó có những chiếc như Aston Martin Virage màu xanh thẫm, Ferrari 458 Spider trắng và Bentley Continental GT có mui. Họ đi lượn vòng quanh, đi qua cây cầu qua sông Hooghly.
Không đủ cơ sở hạ tầng
Rishi Raj Lohia, 26 tuổi, chủ cửa hàng kinh doanh trà, chuyên bán các sản phẩm trà sang các cửa hàng hạng sang của Anh (ví dụ như Harrods). Anh đi chiếc xe Jaguar F-Type V6 màu cam mui trần. Tăng tốc lên 60 dặm/giờ trên cầu vượt, anh vượt qua được những chiếc xe tải. Xe bắt đầu di chuyển chậm vì vướng phải đống cát giữa đường do đơn vị thi công để lại. Anh bảo: "Đây là khoá học vượt chướng ngại vật".
Vượt qua một cột đèn giao thông, anh tiếp tục: "Người ta vẫn nghĩ về Kolkata với hình ảnh một thành phố đang phát triển. Không phải như vậy".
Rishi Raj Lohia cùng những thành viên của "hội siêu xe" đang sống trong đất nước có đến hàng trăm triệu người có thu nhập chỉ 2 USD/ngày (số liệu của Ngân hàng Thế giới) và các doanh nghiệp phải gặp khó khăn vì cơ sở hạ tầng không đầy đủ.
Theo Hurun Report của Trung Quốc, Ấn Độ có 97 tỷ phú, nhiều thứ ba trên toàn thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Những hội siêu xe không chỉ có ở Kolkata mà còn có ở Mumbai, Bangalore, Hyderabad, Chandigarh và New Delhi.
Các nhà phân tích ngành ô tô ước tính,mỗi năm tại Ấn Độ, có khoảng 100-125 siêu xe động cơ trên 400 mã lực với giá trên 200.000 USD được mua. Một phần vì đường sá không thuận tiện. Chỉ trong vòng 2-3 năm qua, thị trường ô tô đã tăng 20 - 25%. Theo ông Abdul Majeed, đối tác và là nhà phân tích thị trường ô tô tại Pricewaterhouse Ấn Độ, cơ sở hạ tầng ở đây vẫn chưa phát triển.
Mức thuế nhập khẩu lên đến 140%, vấn đề hậu mãi, khó tìm phụ tùng thay thế và thiếu an toàn đường bộ là những lý do khiến không có nhiều siêu xe tại Ấn Độ.
Ferrari SpA vừa khai trương showroom mới trong tháng 11, bên một con đường đầy ổ gà ở Delhi. Showroom này được trang bị đầy đủ để giải quyết các vấn đề mà người lá xe gặp phải. Theo ông Enrico Galliera, phó chủ tịch của Ferrari, một nhóm hỗ trợ từ UAE luôn sẵn sàng lên máy bay để đến Ấn Độ trong vòng 4 giờ trong trường hợp khẩn cấp.
Ông Enrico Galliera cho biết: những chiếc Ferrari bây giờ có thể chạy trong tình trạng tắc đường hay gặp ổ gà. Khoảng 25 năm trước, rất khó để ngồi ô tô ở Ấn Độ vì thời tiết nóng nực. Vào mùa hè, nhiệt độ ở Delhi thường vượt quá 43 độ C.
Paritosh Gupta là người sáng lập nhóm Cannonball của New Delhi. Các thành viên của Cannonball đều là chủ xe có động cơ ít nhất 400 mã lực. Một số người trong nhóm cho biết: lái xe ra đường chỉ để gây ấn tượng với khách tại các bữa tiệc.
Đối với một số người, tìm nơi đậu xe cũng là một vấn đề.
Kabir Talwar, 36 tuổi, cho biết: anh để tạm chiếc Lamborghini Gallardo 560 ở một nơi giữ xe cũ ở New Delhi. Đương nhiên, anh chàng phải giấu bố mẹ chuyện để xe sang giữa đường.
Arijit Saha 28 tuổi, kinh doanh sắt cho rằng: tại Kolkata, làn đường hẹp và quanh nhà toàn ổ gà nên anh chẳng thể mang chiếc Jaguar XFR đỏ trị giá 75.000 USD về nhà. Thay vào đó, anh mang nó ra một bãi đất trống không có vỉa hè. Đây là chỗ để xe đạp và cũng là chỗ người vô gia cư tập trung. "Tôi che chắn kỹ càng nên người ta cũng không biết đó là xe gì", anh cho hay.