Tại sao bản kế hoạch của Chính phủ Ấn Độ lại khiến cộng đồng Startup mừng rỡ đến vậy?
Vào ngày 16/1 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch mới đầy tham vọng của mình với tên gọi “Startup India, Stand Up India” (tạm dịch: Các công ty khởi nghiệp tại Ấn, thời kỳ vùng lên của Ấn), nhằm cung cấp “đòn bẩy” để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước hiện nay.
Có khoảng 40 CEO hàng đầu và các nhà sáng lập Startup khác cũng như các nhà đầu tư đến từ thung lũng Silicon đã tham dự sự kiện này.
Một số trong những tên tuổi lớn đó là Masayoshi Son - CEO, và Nikesh Arora - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn truyền thông SoftBank; Travis Kalanick – ông chủ của Uber, và Adam Neumann - Giám đốc điều hành của WeWork. Cùng với rất nhiều nhà sáng lập có tên tuổi khác tại Ấn Độ.
Việc Chính phủ Ấn quyết định có kế hoạch cụ thể cho các Startup tại nước này là do đã nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng vô cùng ấn tượng, đặc biệt là trong những năm gần đây của các doanh nghiệp mới.
Những con số “biết nói”:
- Tính đến nay, với 4.200 Startup, Ấn Độ đang đứng vị trí thứ 3 trên thế giới về nước có tổng các Startup nhiều nhất
- Từ năm 2010 đến 2015, Startup Ấn Độ đã thu về được 18 tỷ USD. Một nửa trong số đó (9 tỷ) thu về chỉ riêng trong năm 2015.
- Hiện nay có 9 Startup tại nước này được định giá hơn 1 tỷ USD.
Điểm nổi bật của Kế hoạch “Startup India, Standup India”
Thủ tướng Ấn Độ - Ông Narendra Modi
Vào ngày 15/8 năm ngoái, Thủ tướng Modi lần đầu tiên nhắc tới kế hoạch cho Startup này, cho tới hôm 16/1 năm nay, Kế hoạch đã được Chính phủ thông qua và quyết định triển khai rộng rãi trong cộng đồng Startup.
Các chính sách trong kế hoạch nhằm cố gắng giải quyết hai mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong việc cải cách và sửa đổi hệ thống Startup của Ấn Độ.
Mối quan tâm đầu tiên là việc hơn 65% các Startup của Ấn chuyển trụ sở và phạm vi sang nước khác, chủ yếu là Singapore, do những khó khăn trong kinh doanh tại chính đất nước mình.
Mối quan tâm tiếp theo là việc 90% kinh phí cho Startup hiện nay đến từ Vốn đầu tư mạo hiểm nước ngoài và các quỹ đầu tư tư nhân.
Xác định mục tiêu 'Start-up đổi mới'
Họ sẽ là những doanh nghiệp với quy mô khác nhau, từ siêu nhỏ, nhỏ, cho tới quy mô vừa và lớn, nhưng điểm chung là họ đều được xây dựng trên mô hình kinh doanh thông thường.
Sẽ có một cơ sở hỗ trợ đặc biệt cho những Startup này, bao gồm cả tài trợ kinh phí từ Chính phủ. Ngoài ra, cơ chế bảo lãnh tín dụng cũng sẽ được triển khai thông qua Cơ quan Bảo Đảm Tín Dụng Quốc Gia, với ngân sách hàng năm là 5 tỷ rupee trong liên tiếp bốn năm.
Chính phủ muốn chấm dứt ‘license raj'
(License raj là một hệ thống phức tạp các giấy phép và thủ tục quan liêu đủ loại khác cần có để khai trương các doanh nghiệp ở Ấn Độ)
Bộ trưởng Tài chính - Ông Arun Jaitley
Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley cho biết Chính phủ muốn làm kinh doanh dễ dàng bằng cách hạn chế vai trò của Nhà nước. Startup tại Ấn Độ sẽ hoạt động tự do hơn rất nhiều.
Đây chính là cơ sở hình thành “cơ chế tự chứng nhận”, hay việc “thành lập Startup chỉ trong một ngày với ứng dụng trên điện thoại di động” mà ông Modi đã đề cập đến trong Kế hoạch cụ thể.
Hiện nay, Quỹ Nguyện Vọng của Ấn Độ (India Aspiration Fund), đã góp tài trợ đầu tiên với 20 tỷ rupee (khoảng 293,6 triệu USD) làm kinh phí “hạt giống” cho các Startup và doanh nghiệp.
Tiền sẽ 'chảy' về Ấn Độ nhiều hơn
Ông Masayoshi Son - CEO Tập đoàn truyền thông SoftBank
Google sẽ tài trợ 15.000 USD cho giai đoạn đầu của các Startup tại chương trình tên là 'Launchpad Accelerator', nơi Startup sẽ làm bài thuyết trình trực tiếp về những ý tưởng kinh doanh của mình.
Ngoài ra, CEO của tập đoàn truyền thông SoftBank Nhật Bản - ông Masayoshi Son cũng đã hứa sẽ đầu tư 10 tỷ USD cho Startup tại Ấn Độ.