Mượn tiền nhàn rỗi của SCIC để xử lý nợ xấu ?
Theo chia sẻ của Đại biểu Trần Du Lịchkhông nên dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, mà huy động nhiều nguồn khác. Thậm chí, có thể mượn tạm các quỹ nhàn rỗi của Tổng công ty SCIC.
Vấn đề xử lý nợ xấu đang hết sức khó khăn, theo chia sẻ của Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) bên hành lang Quốc hội sáng 21/10, không nên dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, mà huy động nhiều nguồn khác. Thậm chí, có thể mượn tạm các quỹ nhàn rỗi của Tổng công ty SCIC.
Bởi trong 3 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung xử lý vấn đề nợ xấu đang hết sức khó khăn và phức tạp, bằng những giải pháp thuộc khả năng của mình để xử lý tối đa, tích cực, có kết quả. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng, tình hình hiện nay đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ lớn hơn, chứ nợ xấu không phải chỉ là việc riêng của ngân hàng thương mại. Nợ xấu bản chất không xấu, là chuyện bình thường trong hoạt động ngân hàng, nhưng khi vượt khả năng giải quyết thì là vấn đề của kinh tế vĩ mô.
Đơn cử, quy định ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro từ lợi nhuận, nhưng áp lực trích lập quá lớn sẽ "ăn mòn" lợi nhuận, giảm hoặc hết cổ tức cho cổ đông, giá trị cổ phiếu giảm thấp… nên có xu hướng che giấu bớt nợ xấu.
Hay, biện pháp đòi nợ và bán tài sản lại bị nghẽn ở thủ tục hành chính, bán đấu tài sản… có khi mất tới 3 năm, 5 năm mới xong. Mà con nợ không hợp tác thì xử lý thủ tục rất nhiêu khê.
Để tháo gỡ, ông Lịch cho rằng, việc xử lý nợ xấu và ngay cả khi thành lập Công ty VAMC để hỗ trợ thì không nên dùng tiền ngân sách. "Chúng ta có thể dùng nhiều nguồn tiền khác, đơn cử như quỹ tập trung, quỹ cổ phần hóa đều nằm ở Tổng công ty SCIC…. Sao không mượn tạm một thời gian với số dư cỡ hàng chục ngàn tỷ đồng để đưa sang giải quyết nợ xấu? Các nước đã xử lý như vậy và đều lấy lại được tiền. Trong khi, chúng ta đang nợ thế này mà lại dùng ngân sách, trừ khi Chính Phủ không còn nguồn thì mới dùng tiền ngân sách"- Ông Lịch nhấn mạnh.
Thực tế, đã có nhiều ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC, thu về trái phiếu đặc biệt do công ty này phát hành. Nhưng, ông Lịch cho biết, các ngân hàng ở TP.HCM chưa vay đồng nào vì tín dụng của họ còn dư dả. Tỉ lệ huy động và cho vay thấp khiến ngân hàng phải giữ chênh lệch đầu vào – đầu ra lên tới 3,5-4%, cao hơn lạm phát (chỉ 2%) làm cho chi phí tài chính cao quá, không hấp dẫn doanh nghiệp, người dân vay vốn. Đây là vòng luẩn quẩn bấy lâu nay.
>> Xử lý nợ xấu đang quay về với câu chuyện “tiền thật”?
Theo Thu Hằng