Nợ xấu tại Việt Nam đã từng 'trốn' như thế nào?
Tính tương đối, tỷ lệ nợ xấu đã có thể lên tới gần 15% tổng dư nợ.
Một thời gian dài nợ xấu không được ghi nhận và công bố một cách đầy đủ. Quy mô rất lớn “trốn” sau những tỷ lệ báo cáo thấp.
Thực tế này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gián tiếp đưa ra, khi trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này.
Là người đầu tiên tuyên bố về mức độ thực của nợ xấu từ tháng 10/2011, đến nay Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại các thời điểm lần lượt cập nhật diễn biến của các con số. Mỗi lần cập nhật, những sự thật ẩn sau các tỷ lệ báo cáo thấp lại lần lượt hiện ra.
Trước đó, tháng 10/2011, tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên của ông Nguyễn Văn Bình với tư cách là tân Thống đốc, mức độ ông nói thẳng là khoảng 10%. Về sau, các mức cập nhật xoay quanh đó, có lúc xuống còn khoảng 8%...
Thế nhưng, trả lời chất vấn đầu tuần này, quy mô thực của nợ xấu được dẫn ra là rất lớn, chiếm một tỷ trọng cao hơn nhiều so với các lường định trước đây.
Cụ thể, Thống đốc cho biết, vào tháng 9/2012, thời điểm xây dựng đề án xử lý nợ xấu, con số tuyệt đối về nợ xấu lên tới 464.000 tỷ đồng. Nếu đặt trong quy mô tổng dư nợ cho nền kinh tế ở khoảng 2,92 triệu tỷ đồng lúc đó, thì tỷ trọng nợ xấu đã có thể vượt trên 15%.
Nếu vậy, những đánh giá của một số tổ chức quốc tế trước đây cũng có mức độ sát thực nhất định; có đánh giá cụ thể gần đây cũng đề cập tới con số 12%. Nói cách khác, các mức trên dưới 3% theo tổng hợp báo cáo của các tổ chức tín dụng có cách biệt quá lớn.
Về sự cách biệt này, Thống đốc giải thích là do đến nay mọi việc tương đối minh bạch hơn; trong những năm vừa qua cơ chế giám sát thông qua các mạng vi tính, mạng điện tử của Ngân hàng Nhà nước đã được thiết lập chặt chẽ hơn để quản lý sát tình hình hoạt động cũng như việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, sở dĩ có sự khác biệt đó là trong thời gian vừa qua thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức tín dụng được phép cơ cấu lại nợ đối với khách hàng, nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng vượt qua được khó khăn trước mắt.
Trong tổng số nợ cơ cấu lại hơn 300 nghìn tỷ đồng thì có khoảng 157 nghìn tỷ, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nếu không tiến hành cơ cấu lại nợ thì đã trở thành nợ xấu. Đó cũng là một tiềm năng chuyển thành nợ xấu và làm cho nợ xấu tăng lên.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn con số tuyệt đối rất lớn tại thời điểm 9/2012 có lẽ cũng để nhấn mạnh kết quả đã xử lý được. Đó là trong 3 năm qua, hệ thống đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu so với con số nợ xấu vào tháng 9/2012, mức độ đã xử lý được khá cao, đạt 53,6%.
Cũng trong 3 năm qua, các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro khá lớn, trung bình mỗi năm trích được 70.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. “Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã phần lớn không chia cổ tức và dành luôn nguồn vốn này để dự phòng vốn điều lệ, để nâng cao thêm năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc cho biết, cũng như thực tế mất hút cổ tức tại nhiều ngân hàng lớn nhỏ những năm gần đây.
Như trên, trong 3 năm đã xử lý được hơn 249.000 tỷ đồng nợ xấu, chuyển qua công ty VAMC là khoảng 86.000 tỷ đồng, thì số còn lại chủ yếu sẽ được tiếp tục xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng. Đến hết tháng 7/2014, số dự phòng mà họ đã trích lập đã được 78.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ dồn đến cuối năm nay tiếp tục xử lý một lần nữa.
Ngoài mức độ xử lý trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khá lạc quan về tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu, khi có giá trị cao gấp 2 lần so với giá trị các khoản nợ xấu.
“Điều đó thể hiện rằng về mặt giá trị tài sản cũng như về mặt khả năng của các tổ chức tín dụng đã hết sức tích cực trong thời gian vừa qua”, ông Bình nói.
Dù việc xử lý được tư lệnh ngành ngân hàng cho là tích cực như vậy, nhưng nợ xấu vẫn cứ tăng những tháng đầu năm nay. Như báo cáo đã gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Thống đốc Bình một lần nữa lý giải cho xu hướng.
Theo ông, thường thì các tổ chức tín dụng sẽ tập trung xử lý nợ xấu vào dịp cuối năm, khi họ hạch toán thu chi của cả năm biết được lợi nhuận, lỗ lãi, phần trích lập dự phòng rủi ro và khi đó họ tiến hành xử lý nợ xấu. Do vậy nợ xấu thường giảm mạnh vào ngày 31/12 hàng năm khi các ngân hàng đã trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro.
Trong năm do các khoản nợ trước đây đến hạn chưa trả được thì nợ lại tích tụ những khoản nợ xấu và tăng dần lên trong năm. Đặc biệt là tháng 6/2014, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng Thông tư 02 và Thông tư số 09, hai văn bản quy phạm pháp luật nâng tầm hoạt động phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng một cách chặt chẽ hơn, phù hợp hơn so với các thông lệ quốc tế. Vì quy định chặt hơn nên nợ xấu theo các quy định mới cũng gia tăng hơn.
Nhưng với tốc độ xử lý như hiện nay, với quyết tâm của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dự tính nợ xấu đến cuối năm theo báo cáo của các tổ chức tín dụng sẽ ở mức khoảng trên 3%; theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm được về xung quanh mức 6%.
>> Nợ xấu đã tích tụ một lượng lớn
Theo Hoàng Vũ