Làm sao để Việt Nam không thua Campuchia về thương hiệu gạo xuất khẩu?

22/04/2015 09:10 AM |

“Trong lần đi tham gia Hội chợ Thương mại Lương thực tại Bangkok, tôi thấy Thái Lan đã có hơn 10 thương hiệu gạo được giới thiệu, ngay cả Campuchia cũng có 8 thương hiệu, còn Việt Nam không có thương hiệu nào được đem đi quảng bá”...

Nội dung nổi bật:

- Ở một số nước như Thái Lan, Ấn Độ… nơi các doanh nghiệp nhà nước thu mua lúa ở mức giá tối thiểu trực tiếp từ nông dân, chính phủ trực tiếp bảo vệ, hỗ trợ nông dân, chứ không phải DN. Doanh nghiệp không bỏ tiền túi hỗ trợ nông dân, việc hỗ trợ nông dân thuộc về chính phủ.

- Trong một Hội chợ Thương mại Lương thực tại Bangkok, Thái Lan có hơn 10 thương hiệu gạo được giới thiệu, ngay cả Campuchia cũng có 8 thương hiệu, còn Việt Nam không có thương hiệu nào được đem đi quảng bá.


“Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”  của Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ được triển khai trên toàn quốc trong tương lai gần. Với mục tiêu rất cụ thể và có phần lạc quan,  Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản… Tuy nhiên làm thế nào và bắt đầu từ đâu là câu chuyện còn nhiều tranh luận.

Gắn trách nhiệm của DN với nông dân là ý tưởng tốt, nhưng không khả thi

Hiện nay trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo gồm người trồng lúa, các nhà cung ứng vật tư sản xuất, thương lái, nhà máy xay xát và chế biến… rồi đến các nhà xuất khẩu. Trước đây trong chuỗi sản xuất lúa gạo hình thành sự phân công tự phát, dựa trên cơ sở hiệu quả của từng khâu. Có đôi khi nhà xuất khẩu lại kiêm cả xay xát, nhà chế biến kiêm thu mua… Tuy nhiên việc hình thành tự phát nhưng không chuyên môn hóa dẫn đến hiệu quả không cao.

Sản xuất và tiêu thụ là hai phạm trù khác biệt. Bản chất của doanh nghiệp (DN) là mua bán kiếm lời. Bản chất của sản xuất là làm ra sản phẩm, cũng kiếm lời nhưng nếu không có lời vẫn phải sản xuất, đặc biệt như lúa gạo. Ở một số nước như Thái Lan, Ấn Độ… nơi các doanh nghiệp nhà nước thu mua lúa ở mức giá tối thiểu trực tiếp từ nông dân, chính phủ trực tiếp bảo vệ, hỗ trợ nông dân, chứ không phải DN. Doanh nghiệp không bỏ tiền túi hỗ trợ nông dân, việc hỗ trợ nông dân thuộc về chính phủ.

Quyết định 80/2002/QĐ-TTg trước đây và Quyết định 62/2013/QĐ-TTg quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn theo quy hoạch. Tuy nhiên cũng cần xem xét tính khả thi vì trên thực tế thì thông thường người phá vỡ hợp đồng là nông dân.

Khi thu hoạch mà giá lên thì nông dân không bán lúa cho DN mà giá thấp mới bán cho DN, vậy DN biết kêu ai? Thực tế DN muốn mua lúa gạo của nông dân đều phải đi vay ngân hàng nhưng rất khó khăn mới vay được, sau khi chi phí và trừ lãi suất phải trả ngân hàng thì DN không còn được bao nhiêu thì lấy đâu mà hỗ trợ nông dân?

Việc gắn trách nhiệm của DN với nông dân là ý tưởng tốt, tuy nhiên không khả thi vì việc đó không phải là vai trò của DN. Bản thân DN cũng chưa tiêu thụ hết lượng sản phẩm đã mua, trong khi giá bán thì thấp, lại còn luôn bị ép giá. Điều này là một trong những nguyên nhân chính phá vỡ mối liên kết vốn đã lỏng lẻo trong chuỗi sản xuất lúa gạo.

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: “Công ty Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang là đơn vị đầu tiên đưa ra mô hình cánh đồng mẫu lớn với mục tiêu hỗ trợ nông dân đầu vào (cung ứng vật tư sản xuất) và đảm bảo bao tiêu đầu ra, có nghĩa là bao sản bảo tiêu. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể áp dụng ở một vài sản phẩm tiêu thụ ổn định, có thị trường chắc chắn, ở quy mô nhỏ, việc này không thể áp dụng ở lĩnh vực nông nghiệp. Có chăng thì chỉ có thể áp dụng cho giống lúa chuyên canh, một hoặc hai vụ”.

Ông Huệ cũng nói thêm về mô hình cánh đồng mẫu lớn của BVTV An Giang: “Sở dĩ vì sao họ làm được, là vì họ kinh doanh cả sản phẩm đầu vào là phân bón, thuốc trừ sâu…  Nếu thực hiện cánh đồng mẫu lớn thì công ty này bán trực tiếp cho người nông dân mà không phải bán qua đại lý nên lợi nhuận của họ sẽ tăng lên, chưa kể đến việc công ty này trừ tiền bán phân và thuốc trừ sâu để lấy lúa gạo. Việc đầu tư khoa học kỹ thuật cũng mới chỉ là đưa một vài kỹ sư xuống đồng ruộng và tư vấn cho bà con dùng thuốc này thuốc nọ, dùng thế nào để trừ cỏ, trừ sâu… nhưng thực ra là quảng cáo để bán thuốc chứ có gì đâu! Và công ty này có lợi nhuận lớn từ kinh doanh đầu vào để bù lỗ cho đầu ra nên mới làm được, chứ các DN khác không thể làm được”.

Thực tế cho thấy sự liên kết giữa các thành phần trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo hiện nay rất lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết vì mục đích chung, mục đích lớn. Nếu không có sự tương hỗ và thực sự gắn kết quyền lợi, trách nhiệm giữa các thành phần với nhau thì Việt Nam sẽ không thể xây dựng được thương hiệu gạo.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cần sản phẩm đặc thù và ổn định

Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu. Như vậy chúng ta đã có thượng hiệu gạo Việt Nam, tuy nhiên đó mới chỉ là thương hiệu quốc gia mà chưa có thương hiệu gạo cụ thể, thương hiệu đặc trưng của từng doanh nghiệp hay từng vùng sản xuất. Điều này khiến gạo của Việt Nam chưa được đánh giá cao so với gạo của các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…

GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho biết, trong lần đi tham gia Hội chợ Thương mại Lương thực tại Bangkok, ông thấy Thái Lan đã có hơn mười thương hiệu gạo được giới thiệu, ngay cả Campuchia cũng có 8 thương hiệu, còn Việt Nam không có thương hiệu nào được đem đi quảng bá. Thái Lan có thương hiệu gạo nổi tiếng Jasmine, còn Ấn Độ có gạo Basmati... trong khi thế giới chỉ biết đến gạo Việt Nam với một thương hiệu chung chung.

Vậy tại sao chúng ta chưa có thương hiệu đặc trưng cho những loại gạo tốt, đã có thương hiệu trong nước? Có rất nhiều nguyên nhân từ việc 90% DN xuất khẩu chỉ mua gạo của thương lái chứ không có vùng nguyên liệu chủ động sản xuất … đến việc thương lái đánh đồng các loại gạo khiến nông dân dễ dãi trong việc lựa chọn giống tốt để trồng. Trong khi đó, các thương lái thường đi thu gom các giống lúa về trộn lại với nhau nên khi xuất khẩu không có một giống lúa nguyên chủng nào để đăng ký thương hiệu.

Chất lượng của từng loại gạo của Việt Nam không đều,  không được khách hàng quốc tế đánh giá cao là do quy mô sản xuất nhỏ, ruộng đồng manh mún, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế. Một số nơi sản xuất tự phát, không đảm bảo kỹ thuật canh tác dẫn đến chất lượng kém.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Còn rất nhiều nguyên nhân khiến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gặp khó khăn. Tuy nhiên đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia đã và đang nghiên cứu, đề xuất những bước đi mang tính chiến lược để xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh – Viện Trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu lúa gạo, chúng ta cần chọn ra những giống lúa hoặc nhóm giống có những đặc tính chung như: dạng hạt, hàm lượng amylose (độ cứng hoặc mềm cơm), độ thơm, hặc gạo hữu cơ, gạo có vi chất giàu dinh dưỡng… để sản xuất với số lượng lớn, với những tiêu chuẩn bắt buộc như VietGAP, GlobalGAP… khiến người tiêu dùng dễ nhận biết về thương hiệu và có sự tin tưởng về chất lượng, khẩu vị.

Đại diện cho các DN, ông Huỳnh Minh Huệ có góc nhìn từng trải và thực tế. Ông Huệ cho rằng: “Muốn xây dựng được thương hiệu đặc trưng cho gạo Việt Nam thì yêu cầu đầu tiên đặt ra là chất lượng phải ổn định, sản phẩm phải đặc thù và ổn định, nếu không có hai yếu tố này thì không thể xây dựng được thương hiệu. Cụ thể, sản phẩm phải có sự khác biệt mới gọi là đặc thù, bên cạnh đó chất lượng phải ổn định. Hiện chúng ta cũng đã có vài thương hiệu gạo nội địa như Tám Thơm, Nàng Hương… nhưng những loại này cũng chưa phải là thương hiệu thực sự vì chỉ có tên nhưng chất lượng không ổn định.

Vấn đề tiếp thị, hiện gạo Việt Nam vẫn thụ động, chờ người mua, chưa mang ra thị trường thế giới để bán, chưa tiếp thị bên ngoài. Muốn hình thành thương hiệu xuất khẩu cần đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài để người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm.

Hiện nay Việt Nam đang bán qua trung gian là chính, chưa bán cho nhà phân phối trực tiếp, chưa bán cho siêu thị ở các nước. Chừng nào chưa bán tới trực tiếp cho người tiêu dùng thì làm sao xây dựng được thương hiệu. Chỉ hình thành thương hiệu khi thiết lập được thị trường ở bên ngoài.

Thái Lan đã thiết lập được nhà phân phối tại thị trường sở tại với thương hiệu của họ, họ đóng gói cẩn thận theo nhiều trọng lượng 5 và 10 kg, nhãn mác đẹp, họ giữ chất lượng sản xuất ổn định bền vững nên gạo của họ có thương hiệu. Mình thì bán qua trung gian nên không biết người tiêu thụ cuối cùng là ai? Chưa đưa được gạo của mình đến tận tay người tiêu dùng, chưa kể chất lượng gạo của chúng ta không ổn định thì chưa thể hình thành được thương hiệu. Việt Nam chưa có hai yếu tố chất lượng và thị trường tiêu thụ trực tiếp”.

Một yếu tố quan trọng ông Huệ cho biết nữa là khả năng tiếp thị của các DN Việt Nam cũng rất hạn chế, chủ DN không thạo ngoại ngữ, thiếu tự tin khi giao dịch với đối tác nước ngoài.

Nguyên nhân thì cũng đã chỉ rõ, cách làm thì có rất nhiều kinh nghiệm và lý thuyết đã được đề xuất. Vậy muốn xây dựng được thương hiệu gạo đặc trưng cho Việt Nam rất cần sự liên kết chặt chẽ trong cả chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo và hơn thế nữa cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ.

Tiến sĩ Trần Văn Đạt, nguyên Chánh Chuyên Gia FAO (Tổ chức Lương thực Liên hợp quốc) cho rằng: “Cần có sự điều hợp hữu hiệu của nhà nước cho 4 thành phần tham gia chương trình xây dựng thương hiệu: nhà khảo cứu lúa gạo, nông dân trồng lúa, thương lái -giới xay chà - chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu trong khung Chương trình Quốc gia Xây dựng Thương hiệu cho Lúa gạo Việt Nam”.

>> Giá lúa gạo Việt Nam: Vì sao lại thấp?

Nguyễn Tiến Mạnh

CTV chị Thủy

Cùng chuyên mục
XEM