TS. Lưu Bích Hồ: 'Xuất khẩu lúa gạo bạc bẽo lắm'

22/10/2014 11:30 AM |

“Xuất khẩu lúa gạo bạc bẽo lắm, 1 kg chẳng đáng bao nhiêu tiền. Trên thế giới không mấy nước có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu gạo như ta trừ phi không làm được ngành khác”.

Tổ chức Liên minh Nông nghiệp vừa công bố một báo cáo nghiên cứu sâu sắc về ngành gạo. Nhiều chỉ số về sản xuất và xuất khẩu gạo đã được đưa ra và đưa lên bàn cân để các chuyên gia cùng thảo luận và nhận định.

Theo Tổ chức Liên minh Nông nghiệp, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn của thế giới nhưng không đóng vai trò chủ đạo, không chủ động được trong vấn đề giá cả. Cụ thể, thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là châu Á chiếm tới 59% và châu Phi là 29%.

Thực tế, so với một số nước có tỷ lệ xuất khẩu gạo cao như Thái-lan, gạo Việt Nam xuất khẩu thường có giá thấp hơn rất nhiều. Thí dụ, cùng là gạo hạt dài chất lượng cao, nhưng của Thái-lan, vào tháng 7-2012, có giá bán 592USD/tấn, trong khi của Việt Nam chỉ có 415 USD/tấn. Tương tự, gạo thơm Hom Mali của Thái-lan có giá 1.025USD/tấn, còn gạo thơm của Việt Nam 5% tấm chỉ có giá 625 USD/tấn.

Liên minh Nông nghiệp nhận định, các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đang đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nhiều hơn, thay vì mục tiêu ban đầu là tăng tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. Ví dụ, chính sách quy định giá sàn thu mua lúa không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân mà còn vô tình cản trở người nông dân chuyển dịch sang trồng các giống lúa chất lượng cao.

Đáng chú ý với chính sách cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để thu mua tạm trữ người nông dân không được hưởng lợi và cũng chưa chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong việc bình ổn thị trường.

Hay những quy định về điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay (Nghị đinh 109) ngăn cản một bộ phận doanh nghiệp với sản phẩm gạo đặc thù (sản lượng ít, nhưng lợi nhuận và tính cạnh tranh rất cao) tham gia vào thị trường, triệt tiêu tính đa dạng của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Ông Lương Văn Tài, một nông dân ở An Giang cho biết thực tế người nông dân bị chèn ép giá bán lúa gạo bởi nhiều đối tượng: thương lái, cơ sở xay xát, doanh nghiệp nhập khẩu. Chính những khâu này đã khiến người nông dân phải chia sẻ phần lợi nhuận ít ỏi. “Nhà tôi trồng 2ha lúa mỗi vụ cũng chỉ thu được hơn 10 triệu đồng, phần lớn lợi nhuận vào túi thương lái và khâu trung gian. Tôi muốn Nhà nước hỗ trợ chúng tôi nhiều hơn, đặc biệt cắt bỏ các khâu trung gian để người nông dân khi làm ra sản phẩm có thể xuất trực tiếp cho các doanh nghiệp”, ông Tài kể.

Liên quan đến các vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết: “Hiện nay mức giá sàn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố, người trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói gì trong các quyết định này. Chúng tôi cho rằng cần phải có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ thông qua các tổ chức đại diện cho mình. Về các điều kiện đối với xuất khẩu gạo cũng cần có quy định riêng cho các doanh nghiệp khai thác thị trường ngách như gạo chất lượng cao, gạo đặc sản xuất với số lượng ít. Có như vậy sân chơi mới công bằng và dần dần gạo Việt Nam mới nâng cao được uy tín, chất lượng và giá bán”.

Nói về việc này, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng người nông dân đang chịu thiệt thòi lớn, không được hưởng thành quả nhiều từ xuất khẩu. Đó cũng là lí do mà nhiều người nông dân bỏ ruộng đồng.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho hay: “Xuất khẩu lúa gạo bạc bẽo lắm, 1 kg chẳng đáng bao nhiêu tiền. Trên thế giới không mấy nước có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu gạo như ta đây trừ phi không làm được những ngành khác”.

Ông Hồ đề xuất, về lâu dài Việt Nam không nên quá chú trọng xuất khẩu gạo, bởi không đem lại lợi nhuận lớn như kì vọng. Thay thế gạo bằng các cây trồng khác là xu hướng đúng đắn.

“Thực tế ở nước ta hiện nay chất lượng gạo vẫn là một vấn đề, người ta dùng thuốc trừ sâu, phân bón rất nhiều. Sản xuất manh vẫn manh mún lắm. Phải phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã thì mới hiệu quả. Hợp tác xã bị dị ứng với cơ chế cũ nhưng trang trại là mô hình đáng quan tâm”.

Về thể chế nông nghiệp, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng toàn bộ tái cơ cấu cả ngành nông nghiệp chỉ nói chung chung, chưa giải quyết được cốt lõi. Không hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thì không thể công nghiệp hóa được.

Nói về các chính sách hỗ trợ của nhà nước, một đại diện tổ chức phi chính phủ khẳng định đã từng có chuyện 1kg lúa được đăng kí bán cho 4 tỉnh khác nhau. “Khi trợ cấp của Chính Phủ cho người nông dân chảy vào túi của ai đó thì chúng ta phải xem lại. Nhật Bản, Mỹ phát triển trước hàng trăm năm vẫn trợ cấp ngành nông nghiệp rất nhiều. Có thể trợ cấp nhiều hơn để giúp nông dân nhưng phải minh bạch xem trợ cấp ở khâu nào, đối tượng là ai…để tránh các đối tượng xấu kiếm ăn trên mồ hôi của người nông dân”, vị đại diện này nói.

Liên minh Lúa gạo cũng dự báo sự gia tăng mạnh mẽ nguồn cung gạo chất lượng trung bình và thấp từ các nước Ấn Độ, Myanmar và Campuchia sẽ khiến thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt, giá lúa nhiều khả năng tiếp tục sụt giảm.

>> Thành lập 'Thung lũng lúa gạo' tại Đồng Tháp

Theo Hướng Dương

Cùng chuyên mục
XEM