Giá lúa gạo Việt Nam: Vì sao lại thấp?
Nhìn vào số liệu xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2014 với gần 3 tỷ USD, chắc nhiều người cho rằng người nông dân Việt Nam đã “đổi đời”, nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại.
Nội dung nổi bật:
- Có một thực tế là cứ đến thời điểm mua tạm trữ thì thương lái và doanh nghiệp lại đủng đỉnh với nhiều lý do từ việc năng lực hạn chế không theo kịp thị trường, đến việc ngân hàng giải ngân chậm… thôi thì đủ thứ lý do và cuối cùng là ép giá. Còn người nông dân chỉ biết quệt mồ hôi mà nhìn lúa chín sẫm, nằm rạp.
- Trong khi VFA cho rằng nông dân lãi 30% thì thực tế tại một xã, nông dân lỗ tới 2 lần.
- Vì sao giá gạo Việt Nam thấp? Một trong nhiều nguyên nhân là do yếu kém nội tại hàng đầu là chất lượng, hiện nay chất lượng gạo của Việt Nam thấp so với các nguồn cung cấp khác.
Số liệu trên báo chí cho biết, kết thúc năm 2014, gạo Việt Nam đã có mặt ở 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore. Theo Bộ Công Thương, năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo, trị giá theo FOB là 2,840 tỷ USD, trị giá CIF 2,990 tỷ USD.
Nhìn vào số liệu trên chắc nhiều người cho rằng người nông dân Việt Nam đã “đổi đời”, nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Cũng theo số liệu được công bố trên báo chí thì thu nhập của một người nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ là 500.000 đồng/người/tháng, đó là chưa tính đủ. Mức thu nhập này chỉ cao hơn mức chuẩn nghèo chút ít.
Được mùa nông dân trồng lúa vẫn nghèo
Nhiều năm gần đây, cứ đến vụ thu hoạch là bà con nông dân vùng ĐBSCL lại toát mồ hôi vì luôn gặp phải “ác mộng”, được mùa mất giá hoặc ngược lại. Không biết là rủi hay may, hầu như những năm gần đây bà con luôn được mùa và câu chuyện giá lúa gạo cứ “nóng rực” từ đồng ruộng đến nghị trường.
Để giúp bà con giải quyết sản lượng lớn sau thu hoạch thì từ nhiều năm nay Chính phủ luôn có chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo.
Đánh giá về chính sách này ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng: “Chính sách thu mua tạm trữ là chính sách hiệu quả và là hiệu quả kép. Đây là biện pháp thị trường nhằm kích cầu và giữ ổn định, nâng giá lúa gạo trên thị trường nhằm gián tiếp hỗ trợ giá bán cho người nông dân…”
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng hỗ trợ của Chính phủ về việc mua tạm trữ chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà chưa có lợi cho nông dân và cũng có những ý kiến đề xuất làm sao những hỗ trợ này trực tiếp cho người nông dân để nông dân chủ động tạm trữ, tránh phụ thuộc vào thương lái và doanh nghiệp về tiến độ thu mua, đặc biệt là về giá.
Có một thực tế là cứ đến thời điểm mua tạm trữ thì thương lái và doanh nghiệp lại đủng đỉnh với nhiều lý do từ việc năng lực hạn chế không theo kịp thị trường, đến việc ngân hàng giải ngân chậm… thôi thì đủ thứ lý do và cuối cùng là ép giá. Còn người nông dân chỉ biết quệt mồ hôi mà nhìn lúa chín sẫm, nằm rạp.
Tại một hội nghị gần đây, ông Huỳnh Minh Huệ cho biết, so với giá thành bình quân sản xuất lúa vụ đông xuân 2014-2015 do Bộ Tài chính công bố ngày 15/1 là 3.417 đồng/kg thì người trồng lúa có lãi trên 30%. Thời điểm đó giá lúa cũng đã gần bằng giá định hướng bình quân vụ đông - xuân (2014 -2015) tại ĐBSCL là 4.442 đồng/kg.
Trên thực tế bà con nông dân ở xã Tân Công Chí (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết mặc dù bán lúa chất lượng cao (giống lúa OM 6976) với giá 4.500đ/kg vào ngày 03/3/2015 nhưng vẫn lỗ đến 2 lần.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn huyện Tân Hồng thì không tính công sức chăm sóc của chủ đất, bình quân tổng chi phí cho mỗi công lúa ở Tân Hồng lên đến 25 triệu đồng. Với năng suất bình quân 7 tấn/ha, giá bán 4.500đ/kg như hiện nay, tổng thu mỗi công (0,1ha), khoảng 3 triệu đồng. Ước tính nông dân ở đây lãi hơn 1 triệu đồng/công và hơn 10 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên ông Huỳnh Kim Hải - nông dân thị trấn Sa Rài, Tân Hồng - phân tích: “Do đặc thù vùng đầu nguồn, Tân Hồng chỉ sản xuất 2 vụ/năm. Vì vậy, mức lãi này là thu nhập cho cả 6 tháng. Tính bình quân mỗi hộ với 4 nhân khẩu có 1ha đất, lãi khoảng 12 triệu đồng, tức mỗi người được 3 triệu đồng. Nhưng nếu trải dài ra 6 tháng, con số này chỉ là 500.000 đồng/người/tháng”.
Với thực tế giá lúa thấp thế này, một nông dân ở ĐBSCL phải thốt lên: “Lỗ quá”, “chắc trả đất lại rồi lên Bình Dương làm thuê”
Vì đâu giá lúa gạo Việt Nam lại thấp?
Theo giới chuyên môn thì giá gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế được đánh giá là thấp, điều này tác động trực tiếp tới giá mua tạm trữ hàng năm. Hiểu đơn giản là hiện nay các doanh nghiệp tham gia thu mua tạm trữ chủ yếu là để dành cho xuất khẩu, việc tiêu thụ nội địa chiếm tỷ trọng rất thấp. Do đó, giá mua tạm trữ phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, chưa kể đến một số yếu tố khác như năng lực chế biến, bảo quản, vốn… của doanh nghiệp.
Lý giải vấn đề này ông Huỳnh Minh Huệ cho biết, Việt Nam là nước sản xuất thừa lúa gạo, một phần còn gánh cho cả lúa gạo Campuchia chuyển sang. Từ năm 2012 trở lại đây và một số năm sắp tới chúng ta đã và sẽ ở trong tình trạng sản lượng tăng dẫn đến cung cấp thừa. Trong khi các nước xuất khẩu khác họ cũng tăng sản lượng để bảo vệ nông dân của họ như Thái Lan, Ấn Độ… Bản thân các nước nhập khẩu họ cũng khuyến khích nông dân tăng sản lượng lúa gạo, bảo đảm an ninh lương thực, không lệ thuộc vào việc nhập khẩu lúa gạo, hai yếu tố này là nguyên nhân chính làm thừa nguồn cung .
Mặt khác, các nhà khoa học lại nhận định trong tương lai, người sẽ tăng nhưng ruộng đất không tăng nên khả năng thiếu lương thực là có thể và cảm nhận này lúc nào cũng ở trong đầu các nhà khoa học. Nhưng trên thực tế hiện nay chúng ta đang sản xuất thừa và điều này đang tạo ra áp lực lớn cho thị trường và càng làm cho giá gạo sụt giảm.
Một nguyên nhân khiến gạo của chúng ta bị đánh giá thấp do yếu kém nội tại hàng đầu là chất lượng, hiện nay chất lượng gạo của Việt Nam thấp so với các nguồn cung cấp khác. Giống sử dụng canh tác là giống ngắn ngày (3 tháng/vụ) nên chất lượng gạo rất thấp.
Xuất phát từ tập quán canh tác của người nông dân và cũng từ một số yêu cầu nên chúng ta sản xuất 2,3 vụ/năm. Thời gian sinh trưởng ngắn đã tạo ra chất lượng gạo của chúng ta luôn thấp, không đảm bảo.
Hiện nay chúng ta chủ yếu sản xuất gạo hạt dài Indica nhưng hạt dài của Việt Nam luôn thấp hơn các nước khác (phổ biến có hai loại gạo, loại Indica là hạt dài, loại jabonica là hạt tròn). Ở Việt Nam quy định cỡ hạt dài là 62 mm, ở vùng Đông Bắc Thái Lan giống gạo hạt dài của họ là 7 mm và có thể dài hơn. Chưa kể đến việc sử dụng giống ngắn ngày ở Việt Nam khiến gạo bị bạc bụng không trong suốt như gạo của Thái Lan.
Ở Đông Bắc Thái Lan có đến trên 60% diện tích chỉ trồng 1 vụ/năm theo mùa mưa, ở miền Trung Thái Lan có hồ chứa nước nhưng cũng chỉ trồng tối đa 02 vụ/năm. Thời gian mỗi vụ ở Thái Lan thường kéo dài từ 4 tháng đến hơn 4 tháng nên thời gian sinh trưởng đảm bảo chất lượng gạo tốt. Giống gạo thơm cao cấp ở Thái Lan chỉ trồng 01 vụ/năm. Từ đặc điểm và tập quán sản xuất này nên gạo Thái Lan luôn có chất lượng cao hơn gạo của Việt Nam.
Ở Ấn Độ hiện nay họ trồng chủ yếu là giống gạo trắng IR64, cũng đảm bảo độ dài (7,19 mm), ở Parkitan trồng giống I6 nên độ dài cũng đạt cũng đạt tới 68 mm, như vậy đặc điểm sản xuất có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng gạo.
Từ góc độ doanh nghiệp cho thấy hiện nay doanh nghiệp của chúng ta hầu hết là vừa và nhỏ, năng lực vốn thấp, sức chịu đựng yếu, vay ngân hàng từ 3-4 tháng với mức lãi suất thực tế còn cao, khả năng tiếp cận vốn khó. Khi đến hạn trả nợ, do vốn không nhiều, lại sợ bị đưa vào “danh sách đen” nên doanh nghiệp phải bán hàng để trả nợ ngân hàng, sức ép về tài chính khiến doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải bán hàng dù bị ép giá và doanh nghiệp phải bán với giá thấp. Đây cũng là nguyên nhân nội tại cơ bản khiến giá gạo của Việt Nam thấp.
Về giá xuất khẩu, VFA không trực tiếp đi đàm phán giá xuất khẩu mà chỉ tư vấn và cung cấp thông tin thị trường. Hiện nay chúng ta có 2 kênh bán hàng, một là theo các hợp đồng Chính phủ, hai là bán theo các hợp đồng thương mại.
Từ 2012 trở về trước thì hợp đồng Chính phủ chiếm vai trò quan trọng (thường chiếm 50% hợp đồng xuất khẩu) nên việc mua tạm trữ có điều kiện, thậm chí không cần hỗ trợ. Chính nhờ 50% này nên chúng ta kiểm soát được thị trường, kiềm giá, giữ đối trọng với các thương nhân và giữ được giá thị trường thương mại, ít nhất thì cũng phải tương đương với giá hợp đồng tập trung. Tuy nhiên từ năm 2012 trở lại đây chúng ta bị mất đối trọng này do các hợp đồng tập trung bị cắt giảm mạnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam tụt xuống thấp.
Trong điều hành giá gạo có hai mục tiêu quan trọng, một là tiêu thụ kịp thời sản lượng của mỗi vụ lúa, hai là đảm bảo hiệu quả sản xuất cho người nông dân, cụ thể là giá lúa. Hiện nay chúng ta ưu tiên mục tiêu thứ nhất là tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa, tránh tồn kho, ưu tiên sau mới là bảo đảm hiệu quả. Cần có sự cân bằng giữa 2 mục tiêu trong điều hành, đảm bảo hài hòa. Nếu chú trọng tiêu thụ sẽ phải hạ mục tiêu hiệu quả và ngược lại. Cũng đến lúc cần xem xét rõ mục tiêu trong điều hành.
Việc thay đổi các chính sách về xuất khẩu gạo, tạm trữ lúa gạo, hạn điền… để cải thiện thu nhập cho người nông dân là cần thiết. TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Thay vì xuất khẩu gạo ồ ạt với giá thấp, Việt Nam nên hướng đến xuất khẩu tập trung vào những loại gạo phẩm cấp cao. Và để tạo môi trường có tính cạnh tranh hơn trong xuất khẩu lúa gạo, Việt Nam chỉ cần giới hạn quản lý ở chất lượng đầu ra của gạo và ở việc xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp".
>> TS. Lưu Bích Hồ: 'Xuất khẩu lúa gạo bạc bẽo lắm'
Nguyễn Tiến Mạnh