“Làm ăn tại Việt Nam, nhà đầu tư Nhật phải biết linh động”

17/07/2015 09:24 AM |

Theo ông Masataka Yoshida, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của Công ty tư vấn Recof Nhật Bản, rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ 100% chuẩn Nhật Bản.

Trao đổi bên lề buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Masataka Yoshida, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của Công ty tư vấn Recof Nhật Bản cho biết, có nhiều tín hiệu tích cực trong các thương vụ M&A từ nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2015.

Đúng vào thời điểm này năm ngoái, ông nhận xét Việt Nam là thị trường đàm phán M&A khó khăn bậc nhất. Sau một năm, có gì thay đổi không thưa ông?

Sự minh bạch về thông tin. Chúng ta chứng kiến rất nhiều thay đổi lớn, nhưng rõ rệt nhất là sự minh bạch về thông tin. Những sự hiểu nhầm giữa doanh nghiệp Nhật Bản và đối tác Việt Nam đã được giảm thiểu đáng kể.

Theo đánh giá của ông, trong một năm qua, xu hướng đầu tư thông qua con đường M&A từ Nhật Bản vào Việt Nam có sự chuyển dịch ra sao?

Khu vực hàng tiêu dùng thu hút được nhiều thương vụ M&A hơn khu vực sản xuất.

Một yếu tố được các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm là sự bùng nổ của thị trường tiêu dùng tại Việt Nam, đặc biệt là sự thay đổi trong phong cách sống của người dân nơi đây.

Ví dụ, ngày càng nhiều người chuyển từ đi xe máy sang ô tô. Hay sự xê dịch trong phong cách ẩm thực, số người sẵn sàng bỏ tiền ra ăn ngoài tại những nhà hàng sang trọng tăng lên.

Sự hình thành của cộng đồng kinh tế ASEAN liệu có ảnh hưởng gì tới làn sóng M&A thứ hai trong thời gian tới không, cụ thể với nhà đầu tư Nhật Bản?

Sự hình thành của cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ giúp cho Việt Nam có một lợi thế nhất định đối với các nước trong khu vực, đồng thời tạo ra hai đối trọng. Đầu tiên, nó sẽ sản sinh thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cùng lúc tạo ra cơ hội lớn để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới.

Về phía thách thức, nhiều dòng thuế của Việt Nam sẽ bị cắt giảm ngang bằng so với các nước khác. Trước đây, rào cản thuế có tác động bảo hộ nhất định với các doanh nghiệp nội. Giờ đây, khi các rào cản này bị xóa bỏ, doanh nghiệp cần phải tự gia tăng tính cạnh tranh trước các nước khác trong khu vực.

Nhưng mặt khác, các rào cản thuế bị gỡ bỏ cũng khơi thông đường tiếp cận của doanh nghiệp Việt Nam tới thị trường nước ngoài. Đồng thời với các doanh nghiệp Nhật Bản, đây cũng là cơ hội để họ có thể chen chân vào thị trường Việt Nam.

Ngoài Nhật Bản, sẽ xuất hiện nhiều nhà đầu tư đến từ các nước mới nổi khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan,… trở thành đối thủ cạnh tranh của chúng tôi trong việc tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.

Trong năm 2015, số lượng thương vụ của nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tăng lên mức bao nhiêu thưa ông?

Cho đến nay, hầu hết các khoản đầu tư đến từ Nhật Bản tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Sắp tới sẽ có nhiều hơn các công ty cỡ vừa và nhỏ tìm đến địa phương quy mô nhỏ hơn như Đà Nẵng.

Sự thay đổi trong thể chế và luật pháp như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp nước ngoài như chúng tôi.

Một yếu tố khác được các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm là sự bùng nổ của thị trường tiêu dùng tại Việt Nam.

Năm 2013 chứng kiến số lượng kỷ lục của các thương vụ Nhật Bản đổ vào Việt Nam tại 20. Tính từ đầu năm tới nay đã có 12 thương vụ diễn ra. Hầu hết các thương vụ sẽ được hoàn thành vào nửa cuối năm. Tôi cho rằng tổng quan trong năm 2015, số lượng thương vụ sẽ còn vượt 2013.

Ngoài ra, một đặc điểm khác nữa là nhà đầu tư Nhật Bản đã không còn bó buộc vào một vài lĩnh vực nhất định, họ đang đa dạng hóa dần danh mục đầu tư. Tuy nhiên trong ngắn hạn, tôi có thể kể ra 7 lĩnh vực đang được được đặc biệt quan tâm: Bán lẻ, nhà hàng, tiêu dùng cá nhân, du lịch, hàng tiêu dùng nhanh, thương mại điện tử, và hậu cần.

Một số chuyên gia cho rằng người Nhật cũng có những vấn đề riêng về kinh tế để giải quyết. Liệu những điều này có ảnh hưởng tới nhu cầu M&A của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam?

Thực ra từ khi ông Abe lên làm Thủ tướng, rất nhiều vấn đề kinh tế nhức nhối của chúng tôi đã được tháo gỡ dần. Ví dụ như giảm phát chẳng hạn.

Thực tế nan giải còn lại là quy mô về thị trường của chúng tôi đang co hẹp lại khi dân số giảm đi. Do đó, chúng tôi càng cần tìm kiếm các thị trường thay thế khác như Việt Nam.

Nghiên cứu nhiều năm tại thị trường Việt Nam, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang có ý định đầu tư vào các đối tác Việt Nam?

Các công ty của Nhật Bản bị cổ đông kiểm soát rất chặt chẽ. Họ cực kỳ cẩn trọng với các yếu tố như quản trị, tuân thủ doanh nghiệp. Đây là điều cần làm. Nhưng tôi nghĩ họ cần phải "linh động" hơn nếu thực sự muốn làm kinh doanh tại Việt Nam.

Đôi lúc vì các tiêu chuẩn quản trị của Nhật Bản, họ có cách làm việc quá cứng nhắc, điều này sẽ gây nên một trở ngại khó khăn.

Ngay cả trong trường hợp đối tác từ Việt Nam muốn làm hài lòng họ cũng không thể nào đáp ứng đủ 100% chuẩn Nhật Bản.

Tóm lại, Nhật Bản nên hạ thấp một chút tiêu chuẩn xuống, nếu không thương vụ sẽ đi vào ngõ cụt, mối quan hệ làm ăn cũng bị hạn chế.

Xin cảm ơn ông!

Theo LÊ HUYỀN

Cùng chuyên mục
XEM