Ngân hàng nhỏ có tránh được M&A?
Trước áp lực tái cấu trúc và sức ép sáp nhập (M&A), ngân hàng (NH) nhỏ đang nỗ lực tăng vốn, nhưng xem ra khá chật vật. Trong khi đó, lộ trình thoái vốn theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN đang gần đến hạn.
Cố tăng
Tính đến nay, toàn ngành còn khoảng gần 10 NH có vốn điều lệ ngang bằng vốn pháp định theo quy định NH Nhà nước ở mức 3.000 tỷ đồng: VietA Bank, Saigonbank, VietBank, Kienlongbank, Viet Capital Bank, Nam A Bank, PGBank...
Trong số này, một số tên tuổi cũng đã được tính đến sáp nhập với NH khác, chẳng hạn như PGBank.
Một số NH nỗ lực tăng năng vốn, nâng cao sức cạnh tranh như: Saigonbank, Nam A Bank, BacA Bank, VietA Bank. Trong số đó, BacA Bank vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 4.400 tỷ đồng.
Nhưng theo kế hoạch, NH này tiếp tục trình phương án tăng thêm 600 tỷ đồng vốn, nâng tổng vốn cuối năm lên 5.000 tỷ đồng thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Tuy nhiên, để tăng vốn được mức trên, BacA Bank cũng đã trải qua thời gian huy động vốn kéo dài và chờ được NH Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua.
Thực tế cho thấy, kế hoạch tăng vốn của không ít NH nhỏ phải trì hoãn nhiều lần, kéo dài nhiều năm, thậm chí đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.
Đơn cử tại Saigonbank, mặc dù không nằm trong danh sách tái cấu trúc bắt buộc theo yêu cầu của NHNN đưa ra, song với quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn cùng sức cạnh tranh trên thị trường hạn chế, Saigonbank phải nâng cao năng lực tài chính để có thể tồn tại.
Năm 2014, Saigonbank đưa ra kế hoạch tăng thêm 920 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm, kế hoạch trên vẫn bất động.
Đầu năm 2015, xuất hiện thông tin Saigonbank sẽ sáp nhập vào Vietcombank, đặc biệt là khi Vietcombank đang chuẩn bị thoái vốn tại các tổ chức tín dụng khác theo quy định của Thông tư 36 từ nay đến đầu tháng 2/2016.
Thế nhưng, tại ĐHCĐ thường niên 2015, cổ đông Saigonbank bất ngờ khi HĐQT Saigonbank đã không trình cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập vào NH khác.
Tuy nhiên, trước cạnh tranh của thị trường cùng chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành đang được NHNN triển khai, việc Saigonbank không sáp nhập với Vietcombank đòi hỏi NH này phải tăng được năng lực tài chính.
Nhưng trước tình hình thị trường khó khăn hiện nay, để thực hiện được mục tiêu này là điều không dễ với Saigonbank.
VietA Bank cũng lên kế hoạch tăng vốn thêm 202 tỷ đồng để nâng vốn từ mức 3.098 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng trong năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai, cho dù nguồn tăng vốn là từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và phát hành trả cổ tức năm 2013 – 2014 bằng cổ phiếu.
Theo lý giải của HĐQT VietA Bank, do thị trường có những khó khăn nhất định nên NH chia kế hoạch tăng vốn thành 2 đợt. VietA Bank thực hiện việc tăng vốn dự kiến trong quý II/2015, song đến nay kế hoạch trên vẫn chưa triển khai.
Không dễ
Lãnh đạo VietA Bank cho biết, hiện mọi kế hoạch đang từng bước được xúc tiến và khả năng kế hoạch nâng vốn lên 3.500 tỷ đồng sẽ hoàn tất trong quý tới.
Đồng thời, HĐQT VietA Bank còn đề xuất với cổ đông phương án tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2015 lên 4.200 tỷ đồng và định hướng tăng vốn đến năm 2016 đạt mức 5.000 tỷ đồng, nhằm nâng quy mô và chất lượng tài sản sinh lời, tăng cường khả năng đầu tư tài sản, kinh doanh...
Thế nhưng, thực thi mục tiêu này không đơn giản trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Vì thực tế, trước chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành cùng làn sóng M&A lĩnh vực NH nóng dần các NH nhỏ, hoạt động yếu kém sẽ không dễ được NHNN chấp thuận cho tăng thêm vốn điều lệ.
Ngành NH đang đẩy mạnh tái cấu trúc, sắp xếp lại với mục tiêu toàn hệ thống chỉ còn khoảng 20 - 25 NH. Trong đó, có một số NH đủ mạnh và có tầm cạnh tranh khu vực cũng như quốc tế.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo cấp cao trong ngành, nếu không vì quy định tăng vốn pháp định lên 3.000 tỷ đồng và không có việc chuyển đổi các NH nông thôn lên NH thành thị, thì có thể không nhiều NH phải sáp nhập như ngày nay.
"Cũng chính việc các NH chạy đua tăng vốn để đáp ứng quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP yêu cầu tăng vốn pháp định lên 3.000 tỷ đồng đã làm gia tăng sở hữu chéo trong hệ thống NH.
Không loại trừ một số cổ đông đã góp vốn ảo để đáp ứng được nhu cầu trên, kéo theo khó khăn cho hệ thống NH hôm nay", vị lãnh đạo cấp cao trên nói và cho rằng, NH nhỏ sẽ rất khó để tăng vốn trong lúc này.
Thực tế cho thấy, dù DongA Bank là NH đã có tên tuổi trên thị trường nhưng đã phải hủy kế hoạch nâng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng, do cổ đông không đóng đủ tiền. Hiện Nam A Bank đang quá trình huy động vốn từ cổ đông hiện hữu để nâng vốn điều lệ từ mức 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng.
Nhưng trong một thông báo gần đây đến cổ đông, Nam A Bank cũng lùi thời hạn đăng ký và nộp tiền mua cổ phiếu.
Cục trưởng Cục II Cơ quan giám sát NHNN, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, một khi đã đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm nay, Saigonbank phải có giải pháp cụ thể để đạt được, tránh lặp lại tình trạng của năm 2014.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, với các quy định chặt chẽ của Thông tư 36 các NHTM đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quá 5% tại tổ chức tín dụng, những NH đang sở hữu cổ phần ở nhiều tổ chức tín dụng khác không còn cách nào là phải thoái vốn và điều này sẽ tạo áp lực và khó khăn cho những NH nhỏ.