Kinh tế Việt Nam có thể đã phát triển đến điểm giới hạn?

29/07/2015 11:41 AM |

Kinh tế Việt Nam tuy có cải thiện, nhưng có thể đó chỉ là điểm giới hạn, khi những yếu tố giúp tăng trưởng dài hạn như năng suất lao động và hiệu quả sử dụng nguồn lực ngày càng đi xuống...

“6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét hơn ở cả đầu tư và chi tiêu dùng. Trong đó, công nghiệp – xây dựng là điểm sáng chính với tốc độ tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ 2014, sản xuất và đơn hàng vững chắc”, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tại Tọa đàm Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II năm 2015 sáng 29/7.

“Bức tranh kinh tế Việt Nam nhìn bề ngoài có thể tốt, nhưng nhìn sâu hơn, dài hơn, có thể có vấn đề”, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM nhận định

“Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm tuy có cải thiện, nhưng có thể đó chỉ là điểm giới hạn”.

Để kinh tế phát triển về dài hạn, 2 yếu tố quan trọng là năng suất lao động và hiệu quả sử dụng nguồn lực. Hai yếu tố này ở Việt Nam đang tăng trưởng thế nào?

Năng suất lao động có xu hướng đi xuống

Theo TS. Cung, năng suất lao động của Việt Nam trong thập kỷ 1990 - 2000 chủ yếu là tăng năng suất lao động nội ngành. Còn từ năm 2000 trở lại đây, năng suất nội ngành giảm, năng suất tăng chủ yếu do phân bố lại, cơ cấu lại nguồn lực.

“Năng suất lao động của chúng ta tăng chủ yếu nhờ chuyển đổi cơ cấu chứ không phải tăng năng suất lao động của nội ngành”, ông Cung nói.

“Người lao động không có gì thay đổi mà chỉ chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp nên năng suất tăng lên, chứ không phải năng suất tăng do kỹ năng tăng lên hay nhờ áp dụng khoa học công nghệ. Vấn đề của chúng ta là năng suất lao động nội ngành không tăng hoặc tăng rất thấp”.

Nghịch lý sử dụng vốn tại Việt Nam

Vốn của chúng ta đổ vào bất động sản, ngân hàng, xây dựng... Theo TS. Cung, có 4 tồn tại trong việc sử dụng vốn ở Việt Nam.

- Vốn đổ vào những ngành kém hiệu quả, sử dụng vốn hiệu quả thấp;

- Vốn đổ vào những ngành có năng suất lao động thấp như ngân hàng, tài chính, bất động sản...;

- Vốn đổ vào những ngành có tốc độ tăng năng suất thấp, thậm chí âm;

- Vốn ở những doanh nghiệp quy mô lớn, hiệu quả sử dụng vốn lại thấp.

“Đáng lẽ doanh nghiệp có quy mô lớn thì cái quy mô phải được tận dụng, có nguồn lực để đổi mới công nghệ... thì vốn của chúng ta ở những doanh nghiệp này thì lại có hiệu quả thấp”, ông Cung nhận định.

“Có một cái gì đó đang là nghịch lý. Lẽ thường, vốn chảy sang nơi có hiệu quả sử dụng cao hơn, nhưng ở Việt Nam đang có xu hướng ngược lại. Vấn đề ở đây là chúng ta đang vay thị trường để về phân bổ hành chính”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM