Chỉ 19% người Việt hài lòng với tình hình kinh tế Việt Nam
Trong đó, nhóm Các cơ quan Quốc hội có mức độ hài lòng cao nhất, tiếp đến là Nhóm UBND và sở, ngành cấp tỉnh, thành phố...
Báo cáo Thay đổi cảm nhận nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014) công bố sáng 23/7 cho biết: Trung bình chỉ có 19% người trả lời hài lòng với tình hình hiện tại của nền kinh tế.
Trong đó, nhóm Các cơ quan Quốc hội có mức độ hài lòng với nền kinh tế hiện nay cao nhất (27%), tiếp đến là Nhóm UBND và sở, ngành cấp tỉnh, thành phố (26%) và Nhóm Doanh nghiệp dân doanh trong nước (23%).
Ba nhóm có tỷ lệ hài lòng với nền kinh tế hiện nay thấp nhất là từ các cơ quan báo chí (4%), Tổ chức nghiên cứu, giảng dạy (4%) và đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (6%).
Cũng theo khảo sát có 41% đánh giá nền kinh tế Việt Nam hiện nay tốt hơn so với 5 năm trước, thấp hơn 5% so với khảo sát thực hiện năm 2011. Trong đó, mức giảm lớn là ở các nhóm: doanh nghiệp FDI (-22%), đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (-15%), doanh nghiệp dân doanh trong nước (-13%), UBND và các sở, ngành cấp tỉnh (-10%)...
Một số nhóm có cảm nhận lạc quan hơn là cơ quan Chính phủ và các bộ, ngành (+2%) và cơ quan Quốc hội (+18%).
Gần một nửa người khảo sát lo ngại trước khoảng cách giàu – nghèo đang tăng
Một số lớn người dân bày tỏ lo ngại trước khoảng cách giàu-nghèo tăng lên ở Việt Nam. Trung bình có 47% người trả lời đánh giá khoảng cách phân hóa giàu nghèo trong 10 năm qua (2005 - 2014) là lớn/rất lớn. Chỉ có 8% lựa chọn là chỉ ở mức nhỏ/rất nhỏ.
Ba nhóm có tỷ lệ cao nhất cho biết khoảng cách này là lớn/rất lớn là cơ quan báo chí (72%), Các cơ quan Đảng ở Trung ương (66%) và nhóm Đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (61%). Tất cả các nhóm đều đồng ý là khoảng cách tăng lên là lớn và rất lớn.
Dù vậy, vẫn có 63% người tham gia điều tra tin tưởng thế hệ tương lai sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Trung bình có 63% người trả lời đồng ý với nhận định “trẻ em hiện nay rồi sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn thế hệ chúng tôi”, và chỉ 10% không đồng ý với nhận định này.
Những nhóm có tỷ lệ cao tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn là UBND và các sở ngành cấp tỉnh (75%), Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (64%) và các cơ quan Quốc hội (63%). Ba nhóm có tỷ lệ bi quan cao là nhóm Tổ chức nghiên cứu, giảng dạy (25%), Nhóm học sinh, sinh viên; người đang thất nghiệp; và người đã nghỉ hưu (21%) và nhóm Cơ quan báo chí (20%).
Tuy nhiên, tại hội thảo, cũng có ý kiến cho rằng con số 1.600 người được khảo sát liệu đã đại diện cho toàn bộ người dân Việt Nam, khi những người được hỏi chủ yếu là đối tượng làm chính sách, không phải đối tượng thụ hưởng?
Báo cáo CAMS 2014 thực hiện khảo sát trên 1.600 người, phản ánh kết quả điều tra chi tiết cảm nhận của người Việt Nam về việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, quyết định giá cả, hiệu quả của các chương trình bình ổn giá, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đánh giá về một số dịch vụ công, tính minh bạch trong quá trình hoạch định và thi hành chính sách của nhà nước và cảm nhận về tình hình kinh tế hiện tại cũng như kỳ vọng về triển vọng phát triển kinh tế tương lai của đất nước.
Báo cáo CAMS 2014 là sự tiếp nối nỗ lực hợp tác của VCCI và WB về chủ đề này, sau lần công bố báo cáo “Việt Nam chuyển đổi – Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2011”.