Kinh tế gặp khó, lao động Trung Quốc kéo nhau về quê ăn Tết sớm và không hẹn ngày quay lại
Trong năm 2015, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,9%, thấp hơn mức mục tiêu đề ra là 7% trước đó. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của quốc gia này kể từ năm 1990.
Mỗi năm, hàng chục triệu người trong tổng số 246 triệu lao động nông thôn Trung Quốc sẽ trở về nhà để ăn mừng Tết Nguyên đán. Đây có lẽ là đợt di chuyển lực lượng lao động lớn nhất thế giới và vẫn thường xảy ra hàng năm mỗi dịp tết đến.
Tuy nhiên, tình hình năm nay có vẻ sẽ khác.
Mặc dù dịp Tết chỉ chính thức bắt đầu từ ngày 8/2/2016 nhưng hàng triệu công nhân, đặc biệt là trong các ngành xây dựng, sản xuất thiết bị điện tử đã trở về quê từ rất lâu trước đó do bị ảnh hưởng từ nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Điều này khiến chính quyền Bắc Kinh khá lo ngại bởi nhiều khả năng lao động nông thôn sẽ không quay lại thành phố sau dịp tết.
Anh Liu Lang, một công nhân rời Tú Xuyên cách đây 20 năm để lên thành phố mưu sinh. Giờ đây anh phải quay lại quê hương khi không thể tiếp tục làm việc trên thành phố do kinh tế gặp khó khăn.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc lo lắng về lực lượng lao động không quay lại làm việc sau tết. Năm 2009, khoảng 20 triệu lao động nông thôn thất nghiệp trên thành phố đã quay trở lại quê hương ăn tết và tạo ra nhiều rủi ro cho an sinh xã hội.
Thậm chí, một số cuộc biểu tình và bạo động đã xảy ra, nhưng hầu hết những lao động thất nghiệp này đã có việc làm trở lại khi chính quyền Bắc Kinh có nhiều chính sách kích thích kinh tế vào cuối năm 2009.
Dẫu vậy, tình hình hiện nay hoàn toàn khác so với năm 2009. Chính phủ Trung Quốc không thể đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mạnh tay như hồi năm 2009 và đặc biệt là lực lượng lao động của quốc gia này đang có xu thế trở về quê làm việc.
Báo cáo của Tổng cục thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy lực lượng lao động di cư lên thành phố làm việc năm 2015 đã giảm 5,68 triệu người, điều lần đầu tiên diễn ra trong 3 thập kỷ qua.
Một phần của sự suy giảm trên là do dân số bắt đầu lão hóa của Trung Quốc khiến lực lượng lao động suy giảm, nhưng phần lớn là do các ngành kinh tế cần nhiều nhân công của nước này gặp khó và hoạt động kinh doanh tại nông thôn có dấu hiệu khởi sắc.
Nền kinh tế giảm tốc và nhu cầu tiêu thụ đi xuống đã khiến nhiều nhà máy phải sa thải bớt nhân công hoặc để nhân viên “ngồi chơi xơi nước”.
Chị Liu Mei và chồng Chu Yangjian, đều là công nhân và đang đợi tàu ở ga Foshan-Quảng Đông để về quê
Trước những chi phí đắt đỏ khi sinh hoạt tại thành phố, nhiều công nhân Trung Quốc đã lựa chọn về quê thay vì tiếp tục mất tiền ở thành thị.
Trong năm 2015, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,9%, thấp hơn mức mục tiêu đề ra là 7% trước đó. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của quốc gia này kể từ năm 1990.
Mặc dù vậy, chính quyền Bắc Kinh có vẻ vẫn chưa thực sự nhận ra mối nguy hiểm từ sự dịch chuyển lao động này. Năm 1980, tỷ lệ khu vực thành thị của Trung Quốc chỉ là 19,6% trên tổng diện tích thì hiện nay con số này đã vượt 50%.
Chính phủ cũng thưởng xuyên quan tâm và đầu tư trực tiếp cho các dự án tại nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng hay cho vay vốn đối với hàng trăm triệu nông dân của nước này.
Trong năm nay, thu nhập bình quân đầu người tại nông thôn Trung Quốc ước tính sẽ vượt 10.000 Nhân dân tệ (1.500 USD) lần đầu tiên trong lịch sử, mức tăng trưởng thu nhập tại đây hiện đã vượt qua khu vực thành thị trong 5 năm liên tiếp.
Ngoài ra, việc lao động nông thôn Trung Quốc tích cực quay trở lại quê hương còn do những nguyên nhân không liên quan đến kinh tế, như chăm sóc cha mẹ già hay muốn được ăn thực phẩm sạch.
Chuyên gia Yang Tuan của trường đại học xã hội Trung Quốc (CASS) cho rằng người nông dân Trung Quốc khá gắn bó với quê hương và đất đai tại nông thôn nên họ không dễ dàng từ bỏ chúng. Bà Yang cũng dự đoán tình trạng di cư ngược của lao động nông thôn có thể sẽ đạt đỉnh trong vòng 5-10 năm tới.
Anh Luo Cheng, một công nhân đang gồng gánh hành lý để về quê ở Hồ Nam
Trong khi tình trạng di cư ngược của lao động nông thôn tại Trung Quốc cho thấy dấu hiệu giảm tốc kinh tế rõ ràng của nước này, nhiều chuyên gia cho rằng xu thế này cũng có những mặt tốt.
Việc di cư ngược sẽ làm giảm mật độ dân số tại các thành thị đang quá tải ở Trung Quốc và cân bằng lại mức thu nhập giữa nông thôn và thành phố.
Những người lao động di cư ngược thường có kiến thức cũng như giàu có hơn, đồng thời có chí làm giàu hơn so với trước khi ra đi.
Số liệu chính thức cho thấy số khởi nghiệp tại các vùng nông thôn Trung Quốc trong nửa đầu năm 2015 đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đã có khoảng 2 triệu lao động di cư ngược trở lại khởi nghiệp ở quê hương.
Xu thế này hiện nay đang ngày càng phát triển khi Tỉnh Tứ Xuyên, nơi có lao động di cư lên thành phố hàng đầu Trung Quốc cho biết đã có hơn 40.000 người quay trở lại quê hương và có ý định khởi nghiệp trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn còn rất nhiều việc phải làm khi các ngân hàng hiện nay không có hứng thú cho vay đối với những lao động nông thôn trở về từ thành thị. Hơn nữa, tỷ lệ Internet phủ sóng tại các vùng nông thôn Trung Quốc vẫn còn thấp.
Ngoài ra, rất nhiều lao động nông thôn hiện nay cần các khóa đào tạo kỹ năng và việc làm hơn là khởi nghiệp. Nhiều lao động do không tìm được việc ở nông thôn nên buộc phải kinh doanh nhỏ.
Ngành nông nghiệp, mảng kinh tế chủ chốt ở nông thôn hiện vẫn rất lạc hậu và thật sự cần được hiện đại hóa để cải thiện năng suất. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng nông sản của Trung Quốc vẫn chưa chuyên nghiệp, khiến người nông dân thường chịu thiệt.
Nền kinh tế giảm tốc của Trung Quốc có vẻ là tin xấu với nhiều nước nhưng lại đang khiến vùng nông thôn quốc gia này đổi thay. Tuy nhiên, liệu sự thay đổi này có thực sự tích cực hay không thì vẫn còn cần thời gian để kiểm chứng.
Người lao động chờ mua vé tại nhà ga Foshan
Anh Liu Jianyun, một công nhân không may khi chuyến tàu về quê Hồ Nam của anh bị hủy do bão tuyết
Công nhân ngủ gật chờ chuyến tàu của mình tại nhà ga Foshan