Hút FDI: Giá Việt Nam như nước người ta...
Có ý kiến cho rằng nên kìm hãm tình trạng hút FDI như hiện nay ở Việt Nam, khi khả năng hấp thụ FDI của Việt Nam dường như đã đến ngưỡng giới hạn. Nhiều doanh nghiệp FDI vào hưởng ưu đãi rồi ra, mà hiệu quả hỗ trợ kinh tế Việt Nam là con số 0...
Theo thống kê của Financial Times, Việt Nam hút FDI (vốn đầu tư nước ngoài) cao gấp 8 lần quy mô nền kinh tế, đứng đầu về tỷ lệ hút FDI/GDP ở khối các nước mới nổi.
Chỉ số này được tính bằng công thức Thị phần FDI của Việt Nam/Tổng FDI của thế giới : Tổng GDP của Việt Nam/Tổng GDP của thế giới.
Chỉ số này của Việt Nam cao hơn gấp đôi nước đứng ở vị trí thứ 2, Romania (3,91). Trong khi ở Trung Quốc, tỷ lệ này ở mức 0,56; Indonesia là 1,08; Thái Lan là 2,47.
“Rõ ràng họ sử dụng FDI hiệu quả hơn chúng ta rất rất nhiều lần”, TS. Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh. “Phải chăng chúng ta có quá nhiều FDI?”
Giá như kinh tế Việt Nam như nước khác...
“Giá như kinh tế Việt Nam như các nước khác thì FDI tăng không quan trọng”, TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, nhận định.
Ông Ân lấy ví dụ như ở Thái lan và các nước khác, cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ của họ rất lớn và phát triển, nội địa hóa của họ cao nên FDI hỗ trợ cho công nghiệp trong nước phát triển.
“Còn ở Việt Nam, FDI là số 0, vào rồi ra. Cho nên, đóng góp vào tăng trưởng không có nhiều, góp phần vào phát triển kinh tế đất nước cũng không có gì. Đây là điều đáng lo. Nói các nước cũng dựa vào FDI để tăng trưởng thì tôi phản đối”, ông Ân nói.
“Các nước dựa vào FDI tăng trưởng khi cơ sở hạ tầng của người ta, công nghiệp phụ trợ của người ta đã phát triển, FDI vào dẫn dắt và hỗ trợ kinh tế trong nước. Còn Việt Nam không có gì. Thu hút lao động vẫn thấp hơn trong nước, phụ trợ không có, hạ tầng không có, chuyển giao công nghệ không, chúng ta dựa vào FDI là dựa vào cái gì?”
Có chuyên gia cho rằng nên chấm dứt tình trạng hút FDI như hiện tại ở Việt Nam, khi sở hữu nước ngoài từ năm 2000 đổ lại đây quá lớn, và Việt Nam đang ở trong tình trạng “càng làm càng thiệt”.
FDI không “sướng” khi vào Việt Nam
“FDI vào đây họ cũng không sướng gì, khi phụ trợ cũng phải kéo từ bên kia về mà không tìm ra được phụ trợ nội địa”, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM nhận định.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó viện trưởng CIEM - cho rằng đúng là FDI không có nhiều lan toả, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không thu hút FDI.
“Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt là ở nội tại, chứ không phải tại người ta. Hiện năng suất lao động ở khối FDI đang kéo năng suất lao động của Việt Nam. Thứ nữa, FDI vào Việt Nam, để đạt được sự lan toả phải có điều kiện nhất định của nền kinh tế để hấp thụ được nó”, bà Tuệ Anh nói.
Trước đó, trong một hội thảo về FDI, ThS. Vũ Hoàng Dương, Viện Kinh tế Việt Nam cũng đặt vấn đề: Phải chăng khả năng hấp thụ FDI của Việt Nam bị giới hạn ở ngưỡng 10 tỷ USD và không thể tiến thêm được?
Một điểm sáng trong việc hút FDI đã xuất hiện trong một số ngành. Theo phân tích của bà Tuệ Anh, trong ngành công nghiệp chế biến chế tác, FDI vào công nghiệp điện tử tăng cả tỷ trọng về giá trị tăng thêm trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng đồng thời tăng đột biến về tỷ trọng lao động, tức đã thu hút được lao động vào ngành có năng suất lao động cao hơn.
“Không phải FDI là không tốt mà quan trọng là FDI nào, chất lượng ra sao, đó là cái nền kinh tế cần hướng tới”, bà Tuệ Anh nói.
“Vấn đề FDI không phải thắt chặt hay không khuyến khích. Vấn đề là làm sao khuyến khích được khu vực trong nước tương xứng với vai trò của nó, chứ không phải tìm cách thức hạn chế đầu tư nước ngoài hoặc có tâm lý bài ngoại. Như vậy, cuộc chơi này mới thành win-win, cả 2 khu vực đều sáng”, TS Cung khuyến nghị.