'Người Thái còn chưa thể làm nhà cung ứng cấp 1 cho ông lớn FDI'

17/07/2015 17:56 PM |

Trong một ngành công nghiệp hỗ trợ được coi là tấm gương phát triển nhất Đông Nam Á như công nghiệp hỗ trợ ô tô của Thái Lan, doanh nghiệp lớn ở Thái cũng không thể làm được vendor cấp 1 cho các công ty đa quốc gia. Công nghiệp hỗ trợ phải phát triển từ từ, đừng nghĩ 3 – 5 năm là có thể “chơi” được...

Nội dung nổi bật:

- Trong đàm phán với các ông lớn Samsung, Canon... doanh nghiệp Việt thường đề nghị nếu các công ty xuyên quốc gia (TNCs) bao tiêu thì họ sẽ sản xuất được!? Các TNCs này không cần doanh nghiệp Việt Nam, họ sang Việt Nam nhằm tận dụng thuế thấp và lao động giá rẻ.

- “Tham gia vào chuỗi giá trị không đơn giản! Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô của Thái Lan được coi là tấm gương sáng về chính sách, về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp Thái xịn phần lớn chỉ vào được đến cấp 2”


Cần biết “quyền mặc cả” với các ông lớn Samsung, Canon

“Doanh nghiệp Việt muốn tham gia vào chuỗi giá trị của các TNCs (Transnational Corporations - công ty xuyên quốc gia – PV) không dễ”, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết.

“Chúng tôi gặp nhiều doanh nghiệp TNCs như Canon, Samsung... Trong đàm phán với các ông lớn này, doanh nghiệp Việt thường đề nghị nếu các TNCs bao tiêu thì họ sẽ sản xuất được!? Doanh nghiệp Việt chưa quan tâm vị thế đàm phán của chúng ta. Trong vị thế đàm phán, các TNCs này không cần doanh nghiệp Việt Nam, họ sang Việt Nam nhằm tận dụng thuế thấp và lao động giá rẻ”.

“Họ sang theo chiến lược Trung Quốc 1, tức đã có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc và muốn đặt cơ sở tại một nước lân cận để giảm thiểu rủi ro. Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng quan hệ với họ để tham gia vào chuỗi giá trị, chứ không thể yêu cầu họ phải sử dụng hàng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam”.

Câu chuyện trở thành vendor (nhà cung ứng) cấp 1, tức tham gia cung ứng trực tiếp cho Canon, Samsung đã khó như vậy. Liệu chúng ta có thể là nhà cung ứng cấp 2?

“Chúng tôi trao đổi với nhà cung ứng cấp 1 thì câu chuyện cũng khó khăn. Vì nhà cung ứng cấp 1 muốn sử dụng nhà cung ứng cấp 2 nào cũng do Samsung hoặc Canon chọn. Doanh nghiệp Việt Nam muốn là tham gia cung ứng cấp 2 cũng không dễ dàng”, ông Dương tiếp lời.

Đừng trách doanh nghiệp Việt khi doanh nghiệp Thái cũng chưa làm được vendor cấp 1

“Tôi rất buồn khi báo chí và một số nhà kinh tế nói đến người Việt Nam cảm thấy như một cái gì nhục nhã, như một cái gì phỉ báng... Nỗi nhục ở đây không phải là vì mình không lao động, mà nỗi nhục là dài hạn mình vẫn không vươn được lên”, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM, giãi bày.

“Tham gia vào chuỗi giá trị không đơn giản đâu! Ngành công nghiệp hỗ trợ được coi là tấm gương phát triển nhất Đông Nam Á và được báo chí ca ngợi nhiều là công nghiệp hỗ trợ ô tô của Thái Lan. Nhưng doanh nghiệp Thái Lan phần lớn chỉ vào được đến cấp 2”.

Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô của Thái Lan có 4 vệ tinh, chia từ cấp 1 đến cấp 4. Trong đó, doanh nghiệp 100% Thái Lan phần lớn chỉ vào được đến cấp 2. Các doanh nghiệp vệ tinh cấp 1 vẫn cơ bản là công ty liên doanh với nước ngoài hoặc do nước ngoài làm chủ.

Một lĩnh vực được coi là thành công ở Đông Nam Á mà còn khó khăn đến vậy. Các bạn đừng nghĩ công nghiệp hỗ trợ 3 - 5 năm là có thể “chơi” được. Việt Nam có lợi thế về du lịch, nông nghiệp. Còn công nghiệp phải từng bước, không thể nhanh được”, TS. Thành nói.

“Giờ chúng ta “ghét” TNCs, đóng cửa lại, có tiến được không? Mời TNCs vào lại lo nguy cơ bẫy, cứ tận dụng lợi ích tĩnh, cứ mãi lao động giá rẻ thì không vươn lên được. Nhưng mời họ vào sẽ có cơ hội học hỏi hơn nữa, trong khi đó, không gian chính sách giờ thu hẹp”.

“Phải chấp nhận rủi ro chơi với 'người lớn'. Chơi mới học được. Thực tế, Trung Quốc sau nhiều năm gia công, nay đã có doanh nghiệp thành công. Họ đã đứng lên làm chủ không chỉ trong lĩnh vực dịch vụ mà còn cả trong xuất khẩu công nghệ như Alibaba, Huawei... Doanh nghiệp Việt hãy cố gắng lấy lợi thế tĩnh để tích lũy, khi có nguồn vốn gắng đứng lên tự làm chủ”, ông Thành nhắn nhủ.

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM