Giá ô tô ở Việt Nam có nguy cơ tăng sau chiều 27/5?
Bộ Tài chính và các doanh nghiệp ô tô trong nước sẽ cùng thảo luận và quyết định giá xe trong tương lai.
Sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô dưới 24 chỗ nhập khẩu, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh ô tô ở thị trường Việt Nam đều bị "sốc" và đồng loạt đưa ra kiến nghị với nhiều lý lẽ để phản đối dự thảo trên.
Không chỉ nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Việt Nam (VIVA), mà các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), những doanh nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi theo đề xuất tính thuế TTĐB mới của Bộ Tài chính, đều tỏ ra nghi ngại về tính hiệu quả khi đề xuất chính thức được áp dụng.
Cả VIVA và VAMA cùng cho rằng, các tính thuế TTĐB mới sẽ khiến thị trường ô tô trong nước gặp khó khăn do giá xe tăng, kéo theo cản trở quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô nước nhà, vốn đang khá bế tắc.
Cả hai nhóm doanh nghiệp, đã đưa ra những ý kiến phản hồi tới Bộ Tài chính. Dù hình thức và các luận điểm không giống nhau, nhưng điểm chung giữa ý kiến của VIVA và VAMA là mong muốn Bộ Tài chính xem xét lại đề xuất trên.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, chiều hôm qua (27/5), cuộc đối thoại 4 bên giữa Bộ Tài chính, VAMA, VIVA và Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) sẽ được tổ chức để các bên làm rõ các vấn đề, trước khi Bộ Tài chính đưa ra quyết định cuối cùng cho đề xuất thay đổi các tính thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu.
Cuộc đối thoại diễn ra vào chiều hôm qua có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô ở Việt Nam nói riêng và thị trường ô tô trong nước nói chung. Nếu VIVA, VAMA và VAMI không thuyết phục được Bộ Tài chính, thì nhiều khả năng giá xe hơi trong nước sẽ tăng mạnh sau khi đề xuất được áp dụng vào thực tiễn.
Ngược lại, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam và người tiêu dùng sẽ "thở phào" với loại mặt hàng mà giá bán liên tục có sự thay đổi trong nhiều năm qua.