Giá nhà đất có thể còn giảm tiếp?

22/10/2014 11:16 AM |

Giá nhà đất liệu còn có thể giảm tiếp sau 4 năm gần như “đóng băng” bất động? Thị trường có những dấu hiệu khá lạ khi căn hộ siêu nhỏ cũng bắt đầu ế.

Nhiều ý kiến của các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) chuyên gia trong hội thảo về cơ hội phục hồi của thị trường BĐS ngày 21/10 tranh luận về câu hỏi này.

Ế căn hộ 30m2

Thị trường BĐS đã sôi động trở lại hay chưa? “Tới hết 9 tháng đầu năm chúng ta mới bán được 5.700 căn trên tổng nhu cầu là gần 40.000 căn của thị trường TP.HCM mà đã lên tiếng là thị trường đã ấm trở lại. Còn tới 34.300 căn hộ có nhu cầu kia mà chưa mua thì vì lý do gì?”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty TNHH Địa ốc Đất Lành nêu câu hỏi với các chủ đầu tư.

Thị trường chỉ sôi động ở phân khúc căn hộ có diện tích nhỏ vì tính ra tổng giá trị căn hộ phù hợp với túi tiền người dân, nhưng tính trên đơn vị 1m2 thì giá thành vẫn ở mức bình quân 12-13 triệu đồng/m2 (chưa thuế VAT).

"Chúng ta đừng tô hồng và dự đoán những giao dịch ảo để làm sáng bức tranh ảm đạm của thị trường BĐS", ông Nguyễn Văn Đực thẳng thắn.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty TNHH Thương mại- Xây dựng Lê Thành, cho biết: “công ty đã đưa ra thị trường 1.000 căn hộ có diện tích từ 30-50m2 và đã bán được 625 căn. Chúng tôi thấy rằng, những căn hộ có diện tích tầm 40m2 được mua rất nhiều, còn những căn 30m2 rất ế”.

Còn ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết hiện nhiều DN BĐS xin chia nhỏ căn hộ của các dự án nhưng không được, vì nếu chia nhỏ căn hộ phải tính tới tính đồng bộ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội. Không thể dự án căn hộ thiết kế cơ sở hạ tầng cho khoảng 2.000 dân mà bây giờ “chen” vào đó tới 3.000 dân là không được.

Ông Nghĩa cho biết thêm, thực ra chi phí xây dựng những căn hộ có diện tích nhỏ tốn kém hơn rất nhiều so với các căn hộ diện tích lớn. Vì cùng diện tích như vậy nhưng số người ở đông hơn thì chúng tôi phải thiết kế và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốn kém hơn.  Chẳng hạn, chúng tôi phải bố trí số thang máy lên gấp đôi so với các dự án bình thường khác.

Giá BĐS còn giảm nữa không?

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm nay đã có 5.700 căn hộ được bán, tăng 83% so với cùng kỳ, do các DN BĐS đã điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, chủ yếu là các căn hộ có diện tích dưới 70m2 gồm cả hàng tồn kho lẫn hàng mới.

Hiện TP.HCM có 1.403 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 30,3% dự án đã hoàn thành với 426 căn, 49% dự án đang gặp khó khăn hoặc ngưng triển khai. Số lượng dự án đang thi công là 201 dự án, chiếm 15%.

Bên cạnh những dự án triển khai mới vẫn còn những tồn đọng của thị trường BĐS chưa giải quyết được. Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, năm 2009 có nhiều tập đoàn kinh tế, DN tay ngang nhảy vào thị trường BĐS nên đang muốn bán dự án để rút vốn về.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang sống dở chết dở với các khoản cho vay BĐS hay cho vay thế chấp bằng BĐS trước kia với việc định giá quá cao do thị trường sốt nóng. Nay thị trường BĐS đóng băng, giá trị BĐS giảm thê thảm mà bán cũng không ai mua. Các điểm nghẽn này cũng chưa tháo gỡ được nên vẫn làm thị trường lình xình.

Thị trường BĐS năm tới tiếp tục sôi động tập trung ở phân khúc sản phẩm giá trung bình, thấp và có diện tích dưới 100m2. Nhưng thời gian thi công dự án đúng tiến độ cũng là yếu tố quan trọng để các giao dịch BĐS gia tăng.

Vì hầu hết hiện nay người mua BĐS đều có vay vốn ngân hàng. Đây cũng là một điều kiện quan trọng để thị trường BĐS sôi động vì thời gian qua đã có quá nhiều dự án chậm tiến độ thi công tới 2-3 năm làm nản lòng nhà đầu tư và người mua nhà khi nhà chưa được nhận mà vẫn phải trả lãi vay ngân hàng khiến giá thành BĐS đội lên cao.

Ông Tuấn cho biết Sở Xây dựng TP.HCM: “Chúng tôi tính toán được thời gian cho hoàn thành một dự án BĐS từ khi triển khai đến khi hoàn thành sẽ trong vòng 21,5 tháng đến 26,5 tháng trong điều kiện lý tưởng. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức cho các chủ đầu tư”.

Thực tế, thời gian triển khai cho dự án thường cao hơn, nhưng trong thời gian qua Sở Xây dựng đã rà soát các thủ tục hành chính và đã kéo giảm được 25% thời gian thi công cho các chủ đầu tư. Chủ trương của Chính phủ là phải kéo giảm được tới 40% thời gian thi công của các dự án hiện nay, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính.

Theo ông Vũ Đình Ánh giá BĐS sẽ khó giảm sâu nữa, vì nền kinh tế năm 2014 có nhiều dấu hiệu khả quan khi tăng trưởng GDP đạt kế hoạch, lạm phát tăng thấp hơn kỳ vọng và được kiềm chế ổn định, hàng loạt các gói cho vay BĐS được ngân hàng tung ra: gói 30.000 tỷ đồng, gói cho vay cán bộ công nhân viên tối đa 1,05 tỷ đồng để mua nhà, các gói ưu đãi lãi suất thấp cho vay mua, sửa chữa nhà của các ngân hàng thương mại… Đến năm 2015, Chính phủ tiếp tục gỡ khó cho thị trường BĐS như: sửa Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, tăng giá đất lên gấp đôi… nhằm giúp thị trường BĐS ấm hơn.

Còn theo một chuyên gia kinh tế muốn giải phóng hàng tồn kho BĐS thì đối với một số dự án DN BĐS phải chấp nhận lợi nhuận bằng không (0), bán giá vốn và thời gian tới phải giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành… mới mong bán được hàng. Vì giá BĐS vẫn còn quá cao với thu nhập của đa số người dân hiện nay.

>> Giá nhà cao gấp 26 lần thu nhập, khi nào người Việt mới mua nổi nhà?

Theo Linh Lan

Cùng chuyên mục
XEM