Đồng giá điện, người nghèo trả cho người giàu?

18/09/2015 08:43 AM |

Ba phương án EVN đang đưa ra để lấy ý kiến về cơ bản vẫn được xây dựng thiếu khách quan và có lợi cho EVN hơn người tiêu dùng, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) nêu quan điểm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện nhằm lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế và người dân.

Tại bản dự thảo ngày 16/9 EVN đã xây dựng 3 phương án: giữ nguyên 6 bậc như hiện hành, áp dụng một mức đồng giá 1.747 đồng/kWh và rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc, mức giá bình quân là 1.747 đồng/kWh.

Những bất hợp lý

Đánh giá từng phương án được EVN đưa ra, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) nói, phương án thứ nhất được đưa ra là giữ nguyên biểu giá điện hiện hành, trong khi đây là phương án bất hợp lý chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu nghiên cứu và thay đổi.

"Việc EVN giữ nguyên là bảo thủ. Nếu trường hợp giữ nguyên 6 bậc thang như hiện hành phải thay đổi hệ số ví dụ bậc từ 101-200 kWh tăng 9% so với bình quân, 201-301 kWh tăng 38% so với bình quân, 301-401kWh tăng 54%, trên 400kWh tăng gần 60%; nếu giữ nguyên phải xây dựng hệ số khác", ông Long nhấn mạnh.

Về phương án 2 được EVN đưa ra là áp dụng mức đồng giá 1.747 đồng/kWh, theo ông Long vô hình chung EVN điều chỉnh giá điện tăng 7,7% so với con số 1.622 đồng/kWh đã từng được công bố trong lần điều chỉnh giá điện gần nhất (ngày 16/3 vừa qua). Trong khi đó, nguyên tắc trong điều chỉnh giá điện là độc quyền phải do Thủ tướng quy định.

Cũng theo ông Long, mặt hàng điện là mặt hàng "đặc biệt" phải dùng bậc thang, luỹ tiến để tính hoá đơn điện vì đây là loại năng lượng không tái tạo được, do đó phải hạn chế sự lãng phí.

Phương án 2 với mức giá đồng giá 1.747 đồng/kWh

"Đối với mặt hàng điện, cung không đủ cầu do đó không khuyến khích sử dụng nhiều nên áp dụng cách tính luỹ tiến, bậc thang để càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền. Trong khi trên thị trường các mặt hàng khác càng dùng nhiều càng phải trả tiền ít, mặt hàng điện quan điểm cung không đủ cầu nên phải dùng luỹ kế. Do đó không đồng nhất được", ông Long phân tích.

Ngoài ra, theo ông Long, hiện người nghèo, người thu nhập thấp luôn được Chính phủ bảo hộ, tạo điều kiện hỗ trợ nhưng với cách áp dụng đồng giá, vô hình chung người nghèo phải trả cho người giàu.

Ở phương án 2 này, chính EVN cũng nêu nhược điểm, "bước đầu có thể khó khăn do tác động nhiều đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp do vậy cần tính toán cụ thể".

Với cách tính đồng giá, các hộ sử dụng dưới 240 kWh/tháng sẽ bị tác động tăng tiền điện phải trả hàng tháng, hộ bị tác động cao nhất là hộ sử dụng 100kWh/tháng sau đó giảm dần và điểm hoà không bị tác động là sử dụng 240,3kWh/tháng.

Các hộ sử dụng trên 240kWh/tháng là các hộ được hưởng lợi càng sử dụng nhiều điện càng được lợi do các mức giá tại biểu giá điện hiện hành từ 200kWh trở lên có mức giá cao hơn mức đồng giá.

Theo thống kê của EVN, bình quân 2 năm 2013 và 2014 số hộ sử dụng 54kWh/hộ/tháng là 47,59%, số hộ sử dụng 167kWh/hộ/tháng là 43,78% trong khi sử dụng bình quân 550kWh/hộ/tháng chỉ 8,63%.

Tính toán số tiền phải trả theo phương án 3, kịch bản 5 áp dụng 4 bậc thang

Đánh giá về phương án thứ 3 chia 3,4 bậc với 5 kịch bản EVN vẫn tiếp tục tính giá mỗi bậc là 1.747 đồng/kWh theo ông Long hệ số cần được rút bớt hệ số trong bậc tiêu dùng phổ biến 100-300kWh.

Dùng nhiều điện cần "giá đặc biệt"

Nêu quan điểm về Đề án của EVN, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho biết, ông không đồng ý với các phương án mà EVN đưa ra. Theo đó, ông cho rằng cần một giải pháp trung hoà hơn sau khi lấy các yếu tố hợp lý của các phương án đưa ra.

Từ trái qua: ông Ngô Trí Long, ông Nguyễn Minh Phong, ông Lê Đăng Doanh

"Dưới 100kWh dành cho người nghèo và đối tượng xã hội còn lại có thể áp một mức đồng giá, riêng lĩnh vực tiêu tốn điện như xi măng, sắt thép, nên áp dụng một mức giá đặc biệt", ông Phong nói.

Đồng quan điểm, ông Ngô Trí Long cũng cho biết, cần phải tính trên phương án càng chia nhỏ càng tốt, 6 bậc thang là hợp lý nhưng hệ số từng bậc phải thấp hơn hiện nay.

"Ba phương án đó về cơ bản xây dựng thiếu khách quan, có lợi cho EVN hơn người tiêu dùng. Phải chứng minh rằng lợi cho người tiêu dùng như thế nào, xây dựng phương án trên nguyên tắc không khuyến khích sử dụng nhiều, đảm bảo chính sách xã hội với người nghèo", ông Long đề xuất.

Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, phương án biểu giá điện 3 bậc thang được xem là phù hợp nhất nhưng cần nghiên cứu kỹ để xem mức độ lũy tiến sẽ là bao nhiêu, khoảng cách bậc thang có đủ nới rộng để người dân sử dụng các thiết bị điện theo nhu cầu mà không phải chi trả quá nhiều hay không.

 

Cùng chuyên mục
XEM