Đây là lý do Trung Quốc chi 43 tỷ USD mua lại hãng sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân thực sự đằng sau vụ sáp nhập kỷ lục 43 tỷ USD của tập đoàn ChemChina của Trung Quốc với Syngenta chỉ gói gọn trong một từ: Hungry (Đói).
Trung Quốc chiếm 21% tổng dân số toàn cầu nhưng diện tích đất cánh tác khả dụng của nước này chỉ chiếm 9%.
Đây được coi là nguyên nhân chính khiến ChemChina muốn mua Syngenta - hãng sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới và sở hữu công nghệ biến đổi gen (GMO) có thể giúp Trung Quốc tăng năng suất mùa màng.
Động thái này được cho là sẽ giúp Trung Quốc cải thiện được năng suất lương thực. Hiện quốc gia với 1,4 tỷ dân này đang gặp vấn đề với đất canh tác trước tình trạng xói mòn đất nông nghiệp, sa mạc hóa, sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc trừ sâu.
Theo hãng tin Reuters, hiện chỉ khoảng 10% diện tích đất nông nghiệp của Trung Quốc là đang canh tác có hiệu quả và chắc chắn quốc gia này sẽ còn tiếp tục có động thái nhằm tăng cường nguồn cung lương thực.
Theo báo cáo năm 2015, Trung Quốc có khoảng 133,8 triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói và đứng thứ 2 trong top 10 nước có số dân nghèo đói cao nhất thế giới.
Bên cạnh đó, việc người dân quốc gia này có mức sống cao hơn, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thịt tăng lên khiến các nông trại chăn nuôi sử dụng nhiều ngũ cốc và thực phẩm hơn. Yếu tố này cũng góp phần gây ảnh hưởng đến an toàn lương thực của Trung Quốc.
Ngoài ra, do giá hàng hóa ngũ cốc giảm trong thời gian qua khiến nhiều nông trại đã phải tạm ngừng sản xuất hay phải đóng cửa, qua đó làm giảm sản lượng lương thực toàn quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình thậm chí đã đưa mục tiêu tăng cường sản lượng nông nghiệp vào một trong những ưu tiên hàng đầu của nước này trong thời gian tới. Đồng thời, ông Tập cũng hối thúc các quan chức trong ngành tăng cường phát triển công nghệ biến đổi gen cho cây trồng.
Chính quyền Bắc Kinh cũng đã thúc đẩy việc đầu tư vào các khu vực nông nghiệp trên toàn cầu, từ trang trại hoa màu cho tới nhà máy sản xuất đường, nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực cho số dân đang ngày một tăng và giàu có hơn.
Trung Quốc đã chi gần 124 tỷ USD để mua các tài sản tại nước ngoài trong năm 2015
Hiện Trung Quốc đang quan tâm đến việc phát triển cây trồng biến đổi gen nhằm giúp người nông dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học cũng như thuốc trừ sâu nhưng vẫn nâng cao được năng suất.
Ngân hàng HSBC nhận định với diện tích đất canh tác đang ngày càng bị thu hẹp như hiện nay, ngày càng nhiều nước sẽ chuyến hướng sang công nghệ sinh học như biến đổi gen nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước.
Trung Quốc là nước sản xuất ngô lớn thứ 2 thế giới nhưng năng suất của quốc gia này lại thấp hơn 44% so với Mỹ, nhà sản xuất ngô hàng đầu quốc tế.
Mặc dù Trung Quốc chưa sản xuất được loại cây lương thực biến đổi gen nhưng nước này đã nhập khẩu những loại thực phẩm này từ Mỹ.
Chính quyền Bắc Kinh đã có những động thái bước đầu nhằm thúc đẩy chương trình trồng cây lương thực biến đổi gen, như tuyên truyền rộng rãi thông tin về loại công nghệ này nhằm tránh gây hiểu lầm và hoang mang trong công chúng.