Đằng sau tham vọng tìm người ngoài hành tinh của Chủ tịch Tập Cận Bình

22/02/2016 20:13 PM |

Công nghệ và kinh tế không phải là mục tiêu duy nhất cho những động thái trên. Việc thu hút nhiều nhà khoa học cùng những phát minh mang tính đột phá sẽ đem lại thêm uy tín và vị thế cho chính quyền Bắc Kinh, điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang rất cần hiện nay.

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ di dời 9.110 người dân của một vùng nông thôn nhằm đảm bảo cho việc xây kính viễn vọng khổng lồ nhằm tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.

Đây là một trong nhiều dự án của chính quyền Bắc Kinh nhằm thu hút nhân tài khoa học đến phục vụ cho Trung Quốc trong tình hình kinh tế nước này giảm tốc.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ không dễ dàng khi Trung Quốc có số du học sinh lớn nhất thế giới nhưng phần lớn trong số đó quyết định không quay lại cố hương.


Dự án kính thiên văn khổng lồ của Trung Quốc

Dự án kính thiên văn khổng lồ của Trung Quốc

Những du học sinh Trung Quốc ngành khoa học và kỹ thuật thường ở lại các nước như Mỹ sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ.

Nguyên nhân chính là kinh phí đầu tư nghiên cứu của Trung Quốc không bằng Mỹ, cơ hội nghiên cứu, thảo luận với cộng đồng khoa học bị giới hạn khi Internet bị kiểm duyệt và hầu hết những đề tài nghiên cứu được thực hiện theo chỉ thị từ chính phủ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cố gắng bằng nhiều cách khác nhau nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám cũng như thay đổi văn hóa nghiên cứu khoa học trong nước.

Năm 2008, Trung Quốc thành lập chương trình “1.000 Talents” nhằm thu hút những nhà nghiên cứu từ nước ngoài trở về với những hứa hẹn về mức lương cao và nhiều ưu đãi.

Mặc dù vậy, không có nhiều chuyên gia muốn từ bỏ những công trình nghiên cứu của họ để trở về cố hương và chương trình này đã phải chấm dứt sau hàng loạt các cáo buộc về gian lận.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường ngân sách nghiên cứu khoa học công nghệ trong khoảng 2004-2014 lên trung bình 23% mỗi năm. Thậm chí vào năm 2012, tỷ lệ ngân sách GDP dùng cho nghiên cứu khoa học của Trung Quốc vượt qua cả Châu Âu.

Tuy nhiên, nghiên cứu của hãng Nature cho thấy Trung Quốc chi không nhiều đầu tư cho các nghiên cứu công nghệ cơ bản mà thiên hướng về những dự án cho kết quả nhanh, như các sản phẩm tiêu dùng. Kiểu đầu tư này dù đem lại lợi ích ngắn hạn nhưng không giúp ích nhiều cho nền kinh tế trong dài hạn.

Chính quyền Bắc Kinh cũng đang cố gắng học tập chính sách của Mỹ sau chiến tranh thế giới lần thứ II, khi nước này nới lỏng chính sách nhập cư và tăng cường tài trợ cho các dự án, từ thăm dò không gian cho đến sinh học nhằm lôi kéo các nhà nghiên cứu từ Châu Âu.

Gần đây, dự án máy gia tốc Large Hadron Collider của Thụy Sĩ trị giá nhiều tỷ USD đã thu hút nhiều chuyên gia vật lý hay kỹ sư trên thế giới và đây có thể là ví dụ mà chính quyền Bắc Kinh muốn học tập khi chuyển gần 10.000 người dân để xây kính thiên văn.

Rõ ràng, việc xây kính thiên văn khổng lồ tại Trung Quốc không chỉ để tìm người ngoài hành tinh mà còn cung cấp những điệu kiện nghiên cứu hấp dẫn đối với nhiều chuyên gia, qua đó thu hút họ làm việc cho Trung Quốc.

Năm 2015, Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ xây dựng máy gia tốc hạt nhân lớn nhất thế giới vào năm 2020 nhằm phá kỷ lục của Large Hadron Collider. Các hàng truyền thông nhà nước đã tuyên truyền rằng sự án trên sẽ thu hút hàng trăm, hàng ngàn nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đến Trung Quốc.

Công nghệ và kinh tế không phải là mục tiêu duy nhất cho những động thái trên. Việc thu hút nhiều nhà khoa học cùng những phát minh mang tính đột phá sẽ đem lại thêm uy tín và vị thế cho chính quyền Bắc Kinh, điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang rất cần hiện nay.

Ngay sau khi các nhà khoa học Mỹ xác nhận sự tồn tại của sóng hấp dẫn trong vũ trụ, những nahf khoa học Trung Quốc đã đề xuất thực hiện 3 dự án lớn để mở rộng nghiên cứu không gian của nước này. Rõ ràng, Trung Quốc không muốn chậm chân trong cuộc chơi công nghệ và phát minh.

Dẫu vậy, khả năng thành công của những dự án trên là không rõ khi các nhà nghiên cứu bị hạn chế tiếp cận thông tin trên Internet, có xu thế “bè phái” trong các viện nghiên cứu, quá trình ra quyết định chậm chạp và không có một nhà lãnh đạo sẵn sàng chấp nhận chịu trách nhiệm cho các dự án để thúc đẩy công việc.

Tuy vậy, việc Trung Quốc chi nhiều tiền cho các công trình nghiên cứu khoa học vẫn có thể thu hút nhiều nhà nghiên cứu và các quốc gia khác có thể sẽ phải chạy đua đầu tư tương tự, qua đó khơi mào một cuộc chiến tranh giành chất xám trong tương lai.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM