"Cuộc đua" rút vốn khỏi Trung Quốc mới chỉ bắt đầu

19/02/2016 21:58 PM |

Những người đặt cược vào xu hướng xuống giá của nhân dân tệ quả quyết không nền coi đà tăng của đồng tiền này kể từ đầu tháng đến nay là dấu hiệu cho thấy dòng vốn đã ngừng tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định bất kỳ động thái phá giá nội tệ đột ngột nào cũng sẽ chỉ có thể khiến tình hình tồi tệ hơn mà thôi.

Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng Commerzbank nhận định việc dư nợ của Trung Quốc lên cao kỷ lục trong tháng 1 cho thấy các công ty Trung Quốc đang cố gắng huy động tiền để trả nợ nước ngoài. Kể từ đầu năm đến nay, số trái phiếu doanh nghiệp được bán ra đã tăng hơn gấp đôi.

Theo Goldman Sachs, trong 6 tháng cuối năm 2015 có khoảng 550 tỷ USD bị rút ra khỏi Trung Quốc. Nhân dân tệ giảm giá 1% sẽ dẫn đến ít nhất 100 tỷ USD tháo chạy.

Trong giai đoạn từ 2009 đến 2013, đồng nhân dân tệ đã liên tiếp tăng giá và do đó thôi thúc các công ty đi vay USD ở nước ngoài nhằm hưởng lợi từ mức lãi suất cao ở trong nước. Đây chính là một điển hình của carry trade, giao dịch trong đó nhà đầu tư vay đồng tiền có lợi suất thấp (USD) và đầu tư vào đồng tiền có lợi suất cao (nhân dân tệ) để ăn chênh lệch.

Đến năm 2014, xu hướng này có phần thuyên giảm sau khi tỷ giá lao dốc mạnh nhất kể từ 1994. Mức tăng 0,9% của tháng 2 cũng không thể ngăn các chuyên gia phân tích dự báo từ nay đến cuối năm đồng tiền này sẽ giảm thêm 3,4%.

Kevin Lai – chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại Daiwa – nhận định thị trường mới chỉ đi được một nửa con đường dòng vốn tháo chạy. “Nhà đầu tư đang ồ ạt vào vị thế bán ra nhân dân tệ. Trung Quốc đang đối mặt với kịch bản giảm phát trên diện rộng – điều rất tồi tệ đối với thị trường, nền kinh tế và nhiều thứ khác”.

Dựa trên số liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS, Tommy Xie đến từ Oversea-Chinese Banking Corp. ước tính các vị thế này có giá trị lên tới khoảng 1.000 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2015, tổng nợ ngoại tệ của các công ty Trung Quốc đã giảm khoảng 140 tỷ USD, xuống còn 1.690 tỷ USD. Tuy nhiên số này bị “nuốt chửng” bởi con số 370 tỷ USD là khối lượng ngoại tệ mà người dân Trung Quốc mua vào.

“Rủi ro ở đây là bất kỳ cú sốc nào làm xói mòn niềm tin vào nhân dân tệ cũng như chính sách điều hành cũng có thể đẩy áp lực rút vốn lên rất cao và khiến nỗ lực ổn định thị trường không còn hiệu quả’, Goldman viết.

Theo dự đoán của Song Yu, chuyên gia đến từ công ty chứng khoán Goldman Sachs Gao Hua, đến cuối năm nay nhân dân tệ có thể giảm 7% so với USD và đến 2017 có thể giảm 7,3%.

Trong báo cáo công bố ngày 4/2, Sanford C. Bernstein viết rằng một trong những lý do chính khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm là các nhà đầu tư đảo ngược các giao dịch carry trade. Điều này có thể khiến 400 – 600 tỷ USD bị rút ra khỏi Trung Quốc. Tháng 1, dự trữ giảm 99,5 tỷ USD, cao thứ hai trong lịch sử.

Ngược lại, Zhao Yang, chuyên gia đến từ Nomura Holdings, cho rằng dự trữ của Trung Quốc sẽ không bao giờ rơi xuống mức đe dọa sự ổn định của nhân dân tệ vì Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm soát dòng vốn. Tuy nhiên, điều này sẽ càng làm niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm và khi đó tình trạng chảy máu vốn càng trầm trọng hơn.

“Vấn đề là chúng ta không thể biết nhân dân tệ có thể giảm giá đến đâu, bao giờ câu chuyện kết thúc. Bởi vậy người ta chỉ mua USD vì sợ hãi những thứ không lường trước được”.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM