Cuộc đua “nước rút” thoái vốn khỏi ngân hàng

11/11/2015 09:45 AM |

Bắt đầu vào cuộc đua cao trào thoái vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước khi hàng triệu cổ phiếu ngân hàng được đem bán.

Giá đấu khá “bèo”

Ngày 2/12/2015 sẽ tổ chức phiên đấu giá cổ phiếu ngân hàng TMCP Sài gòn Công thương (SaigonBank) với giá khởi điểm là 9.756 đồng/cổ phần.

Số cổ phiếu Saigonbank được Tổng công ty Du lịch Sài gòn (Saigontourist) đem ra đấu giá trên 10,7 triệu cổ phần, tương đương 3,49% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Nếu chào bán thành công toàn bộ cổ phần này, Saigontourist sẽ thu về xấp xỉ 105 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngày 20/11/2015 tới đây, mức giá chào đấu giá công khai 71,5 triệu cổ phần ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritmes Bank) của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 11.700 đồng/cổ phần. Nếu thành công, VNPT có thể thu hồi 837,5 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 30/10/2015, toàn bộ 5,73 triệu cổ phần ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) cũng được Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chào bán thỏa thuận.

Theo báo cáo của Sabeco, giá gốc mua vào cổ phiếu Eximbank xấp xỉ 11.137 đồng/cổ phiếu. Do vậy, giá trị số sách của khoản đầu tư xấp xỉ 63,8 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu Eximbank đang giao dịch quanh mức 11.500 - 11.800 đồng/cổ phiếu. Nếu giao dịch thỏa thuận thành công, Sabeco sẽ thu về khoảng 66 tỷ đồng.

Saigonbank là một ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ 3,08 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản là 16,2 nghìn tỷ đồng. So với mức vốn điều lệ của Maritime Bank là 8.000 tỷ đồng, tổng tài sản 109 nghìn tỷ đồng và Eximbank vốn điều lệ là 12.355 tỷ đồng, tổng tài sản 130,1 nghìn tỷ đồng, thì Saigonbank khá nhỏ bé.

Tuy nhiên, mức giá chào bán được đưa ra của cổ phiếu Maritime Bank và Eximbank chỉ nhỉnh hơn một chút.

Thoái vốn không dễ

Tuy nhiên, việc thoái vốn khỏi ngân hàng của các doanh nghiệp Nhà nước gần đây đã không đạt được kỳ vọng. Mới đây, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã không thể bán được cổ phiếu của ngân hàng TMCP: Phương Đông (OCB) và Sài Gòn (SCB) mặc dù bán với giá rất “bèo” dưới 5.000 đồng/cổ phiếu vì không có người mua.

Còn trường hợp cổ phiếu ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng bán “ế” hơn 50% khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVN Hà Nội chỉ đấu giá thành công hơn 40 triệu cổ phiếu ABBank (trong tổng số gần 82 triệu cổ phiếu) với giá 10.000 đồng/cổ phần.

Với phần đấu giá thành công này, EVN và EVN Hà Nội thu về tổng cộng khoảng 400 tỷ đồng.

Số cổ phần còn lại hơn 41,5 triệu cổ phần ABB chưa được đấu giá thành công.

Cổ phiếu ABBank hiện đang được giao dịch trên OTC với giá khoảng từ 4.000 - 4.500 đồng/cổ phiếu.

11.000 tỷ đồng của tập đoàn nào chưa thoái vốn?

Cuộc đua thoái vốn khỏi ngành ngân hàng của các doanh nghiệp Nhà nước bắt đầu từ năm 2012, đích đến cuối năm 2015 phải thoái xong. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại còn nhiều doanh nghiệp Nhà nước chưa thoái hết do không bán được, mặc dù được thoái dưới mệnh giá, hoặc những doanh nghiệp Nhà nước chưa xong phương án chào bán cổ phần ngân hàng…

Hiện còn gần 11.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành vào ngân hàng của các doanh nghiệp Nhà nước chờ “thoái” khỏi ngân hàng.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), từ đầu năm đến cuối tháng 9/2015, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được gần 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 18.000 tỷ đồng vốn Nhà nước chưa thoái được, trong đó lĩnh vực ngân hàng là 11.000 tỷ đồng, bất động sản gần 6.000 tỷ đồng.

Từ giờ đến cuối năm 2015, còn khá nhiều doanh nghiệp Nhà nước phải tiếp tục thoái vốn khỏi ngân hàng.

Cụ thể, khoản đầu tư của PetroVietnam tại PVcomBank cũng đang được thoái, hay trường hợp khoản đầu tư còn hơn 9,5% của Petrolimex tại PGBank khi sáp nhập vào VietinBank đang tìm cách xử lý.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatext) còn vốn ở ACB khoảng 30 tỷ đồng và còn sở hữu 3,69% vốn điều lệ của NCB.

Tổng Công ty Mobifone đang tiến hành thoái vốn khỏi 2 ngân hàng Tiên Phong (TPBank, tỷ lệ 12%) và Đông Nam Á (SeABank, tỷ lệ 6%).

EVN vẫn tiếp tục bán hơn 41,5 triệu cổ phiếu ABBank còn “ế”.

Hàng loạt cuộc thoái vốn của cá nhân, tổ chức khỏi ngân hàng sẽ tạo nên một “làn sóng” cổ phiếu ngân hàng được sang tên, chuyển nhượng trên thị trường. Cơ hội mua cổ phiếu ngân hàng giá “bèo” liệu có diễn ra?

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 91/NĐ-CP/2015 (hiệu lực từ ngày 01/12/2015) về việc cấm các doanh nghiệp Nhà nước góp vốn vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và quỹ đầu tư, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thể hiện quan điểm nhất quán buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện nghiêm việc thoái vốn ngoài ngành, nếu không hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty sẽ bị xử lý theo quy định.

 

 

Theo Linh Lan

Cùng chuyên mục
XEM