SCIC thoái vốn, Vinamilk thích kịch bản nào nhất?

04/11/2015 11:52 AM | Kinh doanh

Một kịch bản diễn ra sớm, trong đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ "ôm trọn" số cổ phần của SCIC là điều mà DN sữa lớn nhất Việt Nam mong muốn.

Dù Fraser & Neave, tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore đã phủ nhận thông tin gửi thư chào mua lên tới 4 tỉ USD cho 45% cổ phần của SCIC tại Vinamilk, nhưng nó không thể phủ nhận việc F&N thực sự hào hứng với ngành F&B (thực phẩm và giải khát) tại Việt Nam. F&N hiện là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk, với 11,04% cổ phần.

Trước đó, Thaibev, tập đoàn sở hữu F&N cũng rộ lên thông tin muốn mua lại 40% cổ phần của Bia Sài Gòn (Sabeco), với giá 2 tỉ USD.

Nguyên nhân một thông tin bị phủ nhận đôi khi chỉ đến từ việc nó xuất hiện không đúng thời điểm. Tuy nhiên, với áp lực thoái vốn để tái cơ cấu Tổng công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và tình hình ngân sách đang căng thẳng, có thể thấy 45% cổ phần Vinamilk đang do Nhà nước nắm giữ phải nhanh chóng được giải quyết.

Số cổ phần của SCIC, nếu tính theo giá trị thị trường hiện tại của Vinamilk, cũng đạt 66,5 nghìn tỉ đồng, xấp xỉ 3 tỉ USD. Không dễ để một nhà đầu tư trong nước có thể ôm trọn được toàn bộ số cổ phần này.

Việc xẻ lẻ ra quá nhỏ để bán cũng sẽ không phải là ưu tiên, khi bản thân DN lẫn SCIC đều không thích điều này, nhất là trong bối cảnh Chính phủ cần thực hiện nhanh quá trình thoái vốn để thu tiền về ngân sách.

Như vậy, chỉ có nhà đầu tư nước ngoài, đủ tiềm lực chi ra hàng tỉ đô để mua cổ phần của Vinamilk là lựa chọn hàng đầu. Điều này hoàn toàn khả thi khi chỉ cần nhìn vào thị trường giải khát Việt Nam, ta đã có thể thấy những tên tuổi ngoại đủ sức như Nestle hay Mead Johnson, Abbot,...

Mặc dù vậy, một vấn đề khác đặt ra đó là “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk hiện đã kín. Theo quy định, tổng số cổ phần nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk không được quá 49%, nhằm tránh việc nhà đầu tư nước ngoài đạt được tỉ lệ kiểm soát tại công ty.


Trong trường hợp SCIC muốn bán được cổ phần của mình cho nhà đầu tư nước ngoài, việc “nới room” là điều buộc phải làm. Thật ra, tin đồn về việc “nới room” đã âm ỉ từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Bản thân Vinamilk cũng mong chờ giải pháp này nhất. Trong đề xuất mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, có 2 điểm mà Vinamilk mong mỏi nhất, đó là đẩy nhanh quá trình thoái vốn của SCIC và tạo quy định cho phép nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.

“Theo đánh giá của Vinamilk, đây là thời điểm thuận lợi để thoái vốn. Lộ trình thoái vốn nên sớm được công bố rõ ràng...

... Cũng không nên chia quá nhỏ số lượng cổ phần bán mỗi lần thoái vốn, chỉ nên chia số lượng cổ phần của Nhà nước thành không quá 3 đợt, mỗi đợt tối thiểu 10% vốn điều lệ của Vinamilk”, công ty này đề xuất.

Như vậy, tâm tư của Vinamilk đã rõ ràng. Nhưng một vấn đề khác đáng quan tâm, đó là khi Vinamilk nới room và về tay nhà đầu tư ngoại, nó đồng nghĩa với việc ngành sữa của Việt Nam sẽ hoàn toàn rơi vào tay người nước ngoài.

Vinamilk cho rằng điều này không đáng quan ngại.

“Việc các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đa số tại Vinamilk không đồng nghĩa với việc xóa sổ thương hiệu Việt mà ngược lại sẽ góp phần hỗ trợ Vinamilk trong quá trình tiến ra thị trường quốc tế”, công ty này cho biết.

Nếu kịch bản diễn ra đúng như những gì Vinamilk (và có thể cả SCIC) mong đợi, thì nhà đầu tư ngoại nào sẽ là cái tên sáng giá nhất?

Có thể thấy Fraser & Neave có ưu thế nhất trong cuộc đua thâu tóm này. F&N hiện nắm giữ 11,04 % cổ phần của Vinamilk và là nhà đầu tư ngoại có tỉ lệ sở hữu lớn nhất Vinamilk. Tiềm lực thì F&N có thừa khi có bệ đỡ là Thaibev. Hệ thống của Thaibev hiện đang thống trị ngành giải khát tại Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Vấn đề còn lại, đó là mức giá 4 tỉ USD liệu đã hợp lý?

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM