Cuba: "Tiền đồn" cho doanh nghiệp Việt chinh phục Châu Mỹ

19/11/2015 08:10 AM |

Cuba là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội, là người bạn thân thiết của Việt Nam trong quá khứ và hiện là thị trường tiềm năng chưa có nhiều sự canh tranh, phù hợp để các doanh nghiệp Việt Nam chọn làm "tiền đồn" chinh phục thị trường Hoa Kỳ và Mỹ La tinh.

Đó là ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp tại Diễn đàn Xuất khẩu 2015 với chủ đề “Giải pháp thâm nhập thị trường Hoa Kỳ và Mỹ Latinh” tại TP.HCM vừa qua.

Ưa chuộng hàng nông sản, điện tử Made in Việt Nam

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), khu vực Mỹ Latinh gồm 33 nước, dân số 600 triệu người. Năm 2014 tổng GDP của khu vực Mỹ Latinh đạt 6.243 tỷ USD, dự báo mức tăng trưởng năm 2015 đạt 1,1%.

Xét trên bình diện toàn khu vực, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh tương đối cân bằng. Đối tác thương mại chính của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh gồm: Brazil, Mexico, Chile, Colombia, Panama, Cuba, Peru, Argentina, Uruguay, Ecuador.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ buôn bán với 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ Latinh. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đạt 9,5 tỷ USD, tăng 40,7% so với năm 2013.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh gồm giày dép, thủy sản, gạo, hàng dệt may, cà phê, cao su, sản phẩm nhựa, thiết bị và linh kiện điện tử, tin học, máy móc thiết bị,… Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ khu vực Mỹ Latinh nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, phế liệu thép, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, bông các loại,…

Ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ - Bộ Công Thương nhận định, Mỹ Latinh có dung lượng nhập khẩu lớn, dân số đông, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu thụ ở mức cao. Phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam.

Các nước Mỹ Latinh có chính sách kinh tế đối ngoại hướng về châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, thâm nhập thị trường Mỹ Latinh cũng không ít khó khăn vì doanh nghiệp còn thiếu thông tin, rào cản ngôn ngữ giao tiếp, vận chuyển xa xôi nên chi phí vận tải cao, phương thức thanh toán chưa thuận lợi.

Cùng với đó là xu thế bảo hộ gia tăng tại một số thị trường như Mexico, Brazil và Argentina, sự cạnh tranh gay gắt với hàng một số nước châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ) và với hàng tại khu vực Mỹ Latinh, trong khi các hoạt động xúc tiến thương mại tại khu vực này chưa được ưu tiên.

Theo ông Trần Duy Đông, biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh là tăng cường thông tin về thị trường Mỹ Latinh cho doanh nghiệp Việt Nam và thông tin về Việt Nam cho doanh nhân khu vực Mỹ Latinh. Đẩy mạnh cung cấp thông tin hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến; tổ chức các đoàn đi hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường tìm đối tác, bạn hàng; mời các đoàn nước ngoài vào làm việc, hội thảo, gặp gỡ doanh nghiệp và tham dự hội chợ, triển lãm tại Việt Nam.

Trong 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có 3 nước thuộc khu vực Mỹ Latinh là: Chile, Peru, Mexico.

Mexico cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi thực thi cam kết, chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico, tương ứng với 282 triệu USD. Vào năm thứ 10, 98% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, tương ứng 440 triệu USD. Mexico không cam kết xóa bỏ thuế đối với mặt hàng đường và áp dụng hạn ngạch thuế đối với sữa kem và sản phẩm, dầu cọ.

Chile cam kết xóa bỏ đối với 95,1% số dòng thuế ngay khi TPP có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này (76 triệu USD).

Riêng với Peru, ông Luis Tsuboyama – Đại biện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam cho biết lợi ích chính mà Việt Nam nhận được từ Peru là ngoài 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Peru được duy trì trước và sau TPP, Việt Nam còn có tiềm năng xuất khẩu mặt hàng hạt điều, nhãn, vải, thanh long nếu đáp ứng quy định về SPS của Peru (dự kiến sẽ hoàn thành vào năm tới). Ngoài ra, các công ty Việt Nam còn có cơ hội thâm nhập tốt hơn trong lĩnh vực mua sắm công của Peru về hàng hóa, dịch vụ, xây dựng.

Tiền đồn Cuba

Cuba cũng được nhận định là một thị trường ở Mỹ Latinh quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Cuba năm 2014 là 206 triệu USD. Cuba có nhu cầu cao nhất với nhóm thiết bị sản xuất và thực phẩm. Thương mại song phương còn nhiều tiềm năng phát triển.

Hiện phần lớn các mặt hàng tiêu dùng của Cuba đều phải nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất hàng vào thị trường này thông qua các doanh nghiệp quốc doanh Cuba và chấp nhận chính sách trả chậm trong thời gian từ 180 - 360 ngày tùy giá trị đơn hàng.

Đơn hàng càng lớn, thời gian thanh toán càng lâu. Có lẽ vì điều kiện như vậy nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam phân vân khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Cuba.

Lý giải về việc chậm thanh toán nêu trên, ông Trần Thanh Tú - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương Mại Thái Bình, một công ty có 17 năm kinh nghiệm kinh doanh với Cuba cho rằng vì thời điểm hiện tại, nền kinh tế Cuba vẫn mang tính chất của nền kinh tế bao cấp.

Nhà nước vẫn lo gần như mọi thứ cho người dân. Do vậy họ cần thời gian để xoay trở. Ngoài ra, việc thanh toán chậm cũng là một cách quan trọng để Cuba kiểm tra chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp từ phía đối tác.

Bên cạnh đó, thời gian giao hàng và hàng rào thuế quan cũng là một bất lợi nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất hàng sang Cuba. Thông thường, một chuyến hàng vận chuyển đường biển từ Việt Nam đến Cuba kéo dài trung bình từ 45 - 60 ngày. Về thuế quan, theo ông Tú, so với Trung Quốc, hàng Việt Nam nhập vào Cuba chịu mức thuế cao hơn nên ít nhiều tính cạnh tranh cũng bị ảnh hưởng.

Dù môi trường kinh doanh tại Cuba có những khó khăn như vậy nhưng vẫn còn nhiều cơ hội. Về phần Công ty Thái Bình, ông Tú cho biết doanh thu xuất khẩu vào thị trường Cuba trong năm 2014 đạt 1.200 tỷ đồng, dự kiến năm nay khoảng 1.600 - 1.700 tỷ đồng.

Việc quyết định mở thêm hai nhà máy cũng là câu trả lời gián tiếp cho thấy đánh giá của Thái Bình về tiềm năng của thị trường tại Cuba. Ngoài ra, Thái Bình còn dự định xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị nội thất để phục vụ thị trường bất động sản Cuba và xuất khẩu sang Mỹ. Ông Tú nhận xét ngành du lịch Cuba sẽ phát triển mạnh mẽ và đi kèm với du lịch sẽ là dịch vụ cùng ngành, từ nhà hàng cho đến khách sạn và cả thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Long - Tổng giám đốc Công ty Bita’s cho rằng nếu nghĩ đến Cuba chỉ để bán hàng cho Cuba là chưa đủ. Với vị trí rất gần Mỹ, cách khoảng 150 km, cộng với các ưu đãi về thuế quan tại đặc khu kinh tế Mariel khi xuất khẩu, việc xây dựng nhà máy tại Cuba để xuất hàng sang Mỹ và các quốc gia lân cận là điều có thể nghĩ đến.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM