Cặp đôi Trung Quốc và Châu Phi – “Tuần trăng mật” có còn tiếp tục?

17/01/2016 20:40 PM |

Trung Quốc cam kết rót 60 tỷ USD vào Châu Phi – một khu vực đã có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam. Cơ hội trong trung hạn của Châu Phi còn rất lớn, nhất là khi mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc vẫn được duy trì mạnh mẽ.

Báo cáo Tăng trưởng Châu Phi 2016 do Media Tenor công bố mới đây cho biết: Những năm giữa thập kỷ 90s đã đánh dấu sự khởi đầu một cuộc tăng trưởng cất cánh cho các nước Châu Phi hạ Sahara với đà tăng trưởng kéo dài tới 2 thập kỷ.

Sau một thời gian dài tăng trưởng mờ nhạt với điều kiện sống của người dân dưới mức tiêu chuẩn trong thập kỷ 80s và những năm đầu thập kỷ 90s, tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi đã đạt mức trung bình 5 – 6% kể từ năm 1995.

Thời điểm này, các nước Châu Phi hạ Sahara đã thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, chủ yếu qua con đường thương mại, và qua các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào lục địa này.

Việc chuyển hướng xuất khẩu từ các nước tiên tiến – những nước chiếm tới 90% thị phần xuất khẩu trong năm 1995 – sang các đối tác thương mại mới diễn ra khá chóng vánh.

Trước năm 2014, các đối tác xuất khẩu mới của các nước Châu Phi hạ Sahara như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới 50% thị phần xuất khẩu. Trung Quốc chiếm một nửa thị phần xuất khẩu trong khối các đối tác xuất khẩu mới.

Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, 70% là các sản phẩm nhiên liệu, khoáng chất và kim loại. Ngược lại, các nước này nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu các loại hàng hóa sản xuất và máy móc.

"Tuần trăng mật" kéo dài hai thập kỷ...

Việc tăng trưởng gắn chặt với Trung Quốc đã có tác động tới các nước Châu Phi hạ Sahara thế nào?

Việc tiếp cận các thị trường mới nhằm xuất khẩu nguyên liệu thô đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của các nước này tăng lên gấp 5 lần so với 20 năm trước. Quan trọng hơn, việc gắn kết giao thương với Trung Quốc và các đối tác thương mại mới đã giúp giảm tính biến động trong xuất khẩu. Điều này rất có ý nghĩa trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 2008 – 2009, khi những nền kinh tế tiên tiến trải qua thời kỳ tăng trưởng giảm sâu, qua đó giảm nhu cầu nhập khẩu.

Trong khi đó, Trung Quốc đã có vai trò rất lớn trong việc đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của các nước Châu Phi hạ Sahara.

Về khía cạnh nhập khẩu, việc tiếp cận các hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, từ vải vóc tới mô tô, đã giúp người dân các nước này nâng cao điều kiện sống, đồng thời có tác động đáng kể trong việc giữ lạm phát ở mức thấp và bền vững.

Về khía cạnh tài chính, Trung Quốc cũng đổ một mức vốn đáng kể vào khu vực các nước châu Phi hạ Sahara từ năm 2006, sau đó duy trì thị phần trong tổng vốn FDI ở mức nhỏ - ít hơn 5% trong năm 2012.

Trung Quốc cũng rót các khoản vay vào khu vực này. Tỷ lệ nợ Trung Quốc trong các nước Châu Phi hạ Sahara đã tăng từ mức 2% trong năm 2005 lên tới 15% trong năm 2012.

Đổi lại, các nước Châu Phi hạ Sahara chiếm tới 1/4 số hợp đồng kỹ thuật của Trung Quốc trên khắp thế giới vào năm 2014, chủ yếu trên các lĩnh vực năng lượng (thủy điện) và giao thông (đường sá, cảng biển, hàng không, ô tô).

Trung Quốc tái cơ cấu, “tuần trăng mật” có chấm dứt?

Khi Trung Quốc tái cân bằng lại, đưa nền kinh tế hướng tới tiêu thụ nội địa nhiều hơn là đầu tư ra bên ngoài, tác động ngắn hạn tới các nước Châu Phi hạ Sahara là khá lớn. Việc giảm tốc nhập khẩu ở mức dựng đứng của Trung Quốc phần nào cũng khiến các nước này lo ngại khi cả kim ngạch lẫn sản lượng xuất khẩu đều giảm.

Hệ quả là, tăng trưởng kinh tế khu vực này trong năm 2015 cũng yếu hơn hẳn so với các năm trước đó.

Số lượng dự án FDI đăng ký cũng đã rớt từ 311 dự án trong năm 2014 xuống còn 260 dự án trong năm 2015. Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính dòng vốn FDI từ Trung Quốc rót vào khu vực trên đã giảm tới 45,9% trong quý đầu tiên của năm 2015 so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cam kết rót 60 tỷ USD để phát triển Châu Phi trong vòng 3 năm tiếp theo.

Do vậy, mặc dù gặp những thách thức trong ngắn hạn, cơ hội cho khu vực Châu Phi vẫn còn lớn và quan hệ với Trung Quốc vẫn còn mạnh mẽ. Nhìn xa hơn, sự quá độ nguồn nhân lực của các nước châu Phi hạ Sahara rất có ý nghĩa khi đến năm 2035, dân số khu vực này trong độ tuổi lao động (15 – 64 tuổi) sẽ vượt qua số người trong độ tuổi lao động của phần còn lại của cả thế giới.

 


Một số chỉ tiêu kinh tế của khu vực Châu Phi so với một số nước Châu Á. Trong đó, GDP/người/năm của khu vực này giai đoạn 2009 - 2013 đã cao hơn Việt Nam.

Một số chỉ tiêu kinh tế của khu vực Châu Phi so với một số nước Châu Á. Trong đó, GDP/người/năm của khu vực này giai đoạn 2009 - 2013 đã cao hơn Việt Nam.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM