Quốc gia châu Phi Uganda và giấc mơ công nghiệp ô tô

01/09/2015 18:46 PM | Kinh doanh

Một nhóm sinh viên và giáo sư ở Uganda đang nuôi tham vọng sản xuất ô tô hybrid với giá bán 20.000 USD để chiếm lĩnh thị trường Châu Phi.

Năm 2007, trường đại học lừng danh MIT của Mỹ đã tổ chức một chuỗi sự kiện mang tên Vehicle Design Summit 2.0 (VDS), nhằm tập hợp sinh viên từ 30 trường đại học trên thế giới để thiết kế những mẫu ô tô của tương lai.

Ðại học Makerere đến từ quốc gia Uganda của vùng Đông Phi là đại diện duy nhất của châu Phi tham dự sự kiện VDS, bên cạnh những cái tên lừng danh thế giới như Princeton (Mỹ), Delft (Hà Lan), Keio (Nhật) và Thanh Hoa (Trung Quốc).

Một sinh viên của Mekerere là Dativa nhớ lại: “Là nhóm duy nhất đến từ châu Phi là một thách thức không nhỏ. Rất ít người trong các nhóm khác biết Uganda là ở đâu. Và hầu như chẳng ai biết tới Makerere. Vì vậy, chúng tôi phải nỗ lực gấp đôi để chứng tỏ năng lực của mình”.

Tại triển lãm VDS ở Torino (Ý), thành tích của nhóm Makerere trong việc thiết kế các bộ phận điện tử và truyền động đã được ghi nhận. Khi sự kiện kết thúc, sinh viên những nước khác trở về nước và tự hào ghi thành tích tham gia VDS vào hồ sơ xin việc làm tại những tập đoàn ô tô lớn của nước họ. Nhưng sinh viên của Makerere có thể làm gì, khi mà Uganda không có ngành công nghiệp ô tô và loại xe duy nhất mà nước này sản xuất được khi đó là xe công nông đúc ở lò rèn thủ công?

Nhóm sinh viên này đã quyết định trở thành những người đầu tiên xây dựng ngành công nghiệp ô tô cho Uganda. Và họ cũng quyết định rằng những chiếc ô tô của Uganda sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất.

Đi tắt đón đầu

Năm 2009, Tổng thống Uganda là ông Museveni đến thăm Ðại học Makerere và lắng nghe ý tưởng của nhóm sinh viên và giáo sư trở về từ VDS. Ông nhanh chóng ủng hộ dự án này và cấp cho họ một số kinh phí để tiến hành nghiên cứu sản phẩm xe hơi “made in Uganda”.

Ông Museveni cũng đặt tên cho chiếc xe tương lai là Kiira, vốn là tên của dòng sông Nile trong tiếng địa phương.

Năm 2011, thế hệ đầu tiên của xe Kiira ra đời, gây chấn động không chỉ ở Uganda và châu Phi mà còn thu hút sự chú ý của giới công nghệ quốc tế.

Đó là lần đầu tiên ở châu Phi có người chế tạo thành công dòng ô tô lai điện, còn gọi là ô tô hybrid, vốn được xem là lĩnh vực chỉ dành cho các tập đoàn của phương Tây và Nhật.

Xe hybrid là một giải pháp rất hấp dẫn dành cho những ai muốn bảo vệ môi trường và tiết kiệm xăng nhưng không đủ tiền mua các siêu xe chạy bằng điện 100% như Tesla Model S. Các dòng xe hybrid nổi tiếng thế giới hiện nay có thể kể đến Toyota Prius, Chevrolet Volt hay Nissan Leaf.

Cái tên “lai điện” của dòng xe này đến từ việc nó được trang bị một động cơ điện chạy bằng ắc quy, bên cạnh động cơ đốt trong truyền thống. Tùy theo thiết kế mà động cơ điện này sẽ bổ sung động lực cho xe theo các tỷ lệ khác nhau, còn động cơ đốt trong sẽ có thêm nhiệm vụ là sạc ắc quy cho động cơ điện.

Hiện tại, phiên bản mới nhất của xe Kiira là Kiira Smack (ra mắt năm 2014) đang dùng thiết kế hybrid song song. Trong đó, động cơ điện và động cơ đốt trong cùng nhau tạo động năng cho xe.

Theo thiết kế, Kiira Smack có vận tốc tối đa là 180 km/h trên đường nhựa và có thể chạy 80 km cho mỗi lần sạc đầy ắc quy.

Giờ đây, nhóm giáo sư và sinh viên ngày nào đã trở thành một công ty mang tên Kiira Motors Corporation (KMC), với tham vọng đặt nền móng cho ngành công nghiệp xe hơi của Uganda.

Giấc mơ công nghiệp ô tô

Việc xây dựng ngành công nghiệp xe hơi là chuyện không dễ dàng chút nào tại một quốc gia châu Phi đang phát triển như Uganda. KMC thừa nhận rằng họ phải nhập khẩu các linh kiện cơ bản như động cơ từ Mỹ và ắc quy từ Trung Quốc. Tuy nhiên toàn bộ phần khung xe được sản xuất trong nước và bộ phần mềm điều khiển các hệ thống trong xe cũng là trí tuệ của người Uganda.

Theo kế hoạch, KMC sẽ đi vào sản xuất hàng loạt từ năm 2018, với công suất khoảng 7.000 xe Kiira mỗi năm. Đầu năm 2014, chính phủ Uganda đã cấp cho KMC 40 ha đất cùng 50 triệu USD để xây dựng nhà máy.

Hiện tại, KMC đang tìm cách huy động thêm 350 triệu USD và đã thu được những thành công bước đầu. Tập đoàn Hinduja Group của Anh - vốn là chủ sở hữu thương hiệu xe tải Ashok Leyland nổi tiếng của Ấn Độ - đã trở thành đối tác đầu tiên.

Trong tháng 6 vừa qua, KMC đã ký một biên bản ghi nhớ với Ashok Leyland về việc cùng nhau phát triển các loại xe từ 7 - 15 chỗ ngồi. Ngoài ra, có 2 nhà đầu tư lớn khác đến từ Trung Quốc cũng đang đàm phán với KMC.

Trong tình hình GDP đầu người của Uganda vẫn còn ở mức khá khiêm tốn là 600 USD, thị trường xe hơi của nước này có doanh số nằm ở mức vỏn vẹn 4.000 xe mỗi năm. Vì vậy, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho xe Kiira là tiên quyết.

Nước láng giềng Kenya đang là một thị trường khá tiềm năng, với số lượng xe hơi bán ra là 17.500 chiếc trong năm 2014. Còn nếu tính cả khối Cộng đồng Đông Phi (EAC) - vốn là một liên minh thuế quan của 5 nước - thì doanh số xe hơi mỗi năm là khoảng 30.000 xe.

Dự kiến, giá khởi điểm cho một chiếc xe Kiira Smack sẽ là 20.000 USD. Với tầm giá này, KMC sẽ nhắm vào giới quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực, vốn đang ưa chuộng các dòng xe có giá từ 25.000- 3 0.000 USD của Toyota và General Motors. Mục tiêu của KMC là chiếm lĩnh 15% thị trường xe hơi Đông Phi trong 10 năm tới.

Đa dạng hóa sản phẩm

Những người ủng hộ dự án Kiira đã chỉ ra rằng việc xây dựng một nền công nghiệp xe hơi nội địa thành công không phải là không có tiền lệ tại châu Phi.

Ở Nam Phi, ngành công nghiệp xe hơi đã đóng góp tới 7% GDP của nước này trong năm 2013, mang lại việc làm cho hơn 40.000 người. Tuy nhiên, ngành công nghiệp xe hơi Nam Phi đang trên đà đi xuống trong những năm gần đây do tình trạng thiếu điện và tranh chấp với các công đoàn. Điều này đã tạo ra khoảng trống cho các quốc gia châu Phi khác có thể thế chỗ vào. Nigeria, Ghana và Kenya đều đã có dây chuyền sản xuất những mẫu xe hơi của riêng mình.

Dĩ nhiên, trong điều kiện của châu Phi thì những chiếc sedan 4 - 5 chỗ ngồi như Kiira Smack vẫn chưa phải là lựa chọn hàng đầu của những người mới mua xe. Hầu hết mọi người vẫn ưa chuộng những loại xe tải hoặc bán tải để có thể chuyên chở hàng hóa.

Vì vậy, KMC không chỉ đặt cược vào mỗi dòng xe Kiira. Họ đang cho thử nghiệm một mẫu xe buýt chạy bằng động cơ hybrid mang tên Kayoola.

Với 37 chỗ ngồi, Kayoola có thể đi được 80 km cho mỗi lần sạc đầy bình ắc quy. Ngoài ra, do có kích thước lớn nên xe Kayoola sẽ được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời trên nóc xe để có thể liên tục nạp ắc quy.

Hiện tại, mẫu đầu tiên của xe Kayoola đang trong quá trình hoàn thiện. Nếu suôn sẻ, việc sản xuất hàng loạt xe Kayoola sẽ được bắt đầu cùng lúc với Kiira vào năm 2018.

Giám đốc Kỹ thuật của KMC Paul Isaac Musasizi tuyên bố: “Chúng tôi muốn tạo ra thật nhiều việc làm cho người Uganda, để đồng bào mình có thể tự hào mà chỉ vào những chiếc xe của chúng tôi và nói rằng người Uganda đã sản xuất ra chiếc xe này”.

Theo TUẤN MINH

Cùng chuyên mục
XEM