Cẩn trọng sập bẫy giấc mơ tỷ phú One Coin
“Đầu tư hơn 500 triệu đồng, sau một tháng lãi 1 tỷ, sau 1 năm lãi 15-16 tỷ đồng…” là lời quảng cáo đầy chất mê hoặc với những ai hám lợi bất chấp cảnh cáo kinh doanh tiền ảo thực chất chỉ là trò bịp bợm bán hàng đa cấp.
Vậy mà mạng lưới tham gia tiền ảo One Coin tại Việt Nam dự đoán hiện có tới 20 thành viên và ở thời điểm này, cộng đồng One Coin Việt Nam đang dậy sóng với đợt bán hàng gói Vàng sẽ kết thúc ngày 20/2 tới.
Trong vai một người có ý định tham gia mạng lưới mua bán tiền ảo này, PV nhận ra quá nhiều chiêu trò và rủi ro tiềm ẩn trong kiểu kinh doanh “không cần làm gì cũng có tiền” này.
1001 kiểu dụ dỗ
Không khó để tiếp cận hệ thống này mặc dù tiền ảo không được pháp luật cho phép. Chỉ cần một vài thao tác trên các diễn đàn One Coine, PV được mời chào nhiệt tình.
Một trong những lời quảng cáo khá ngây ngô mà anh M (thành viên hạng Blue Diamond của One Coin Việt Nam) thao thao “nổ” tại cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư diễn ra ở một nhà hàng tại Hà Nội hồi đầu tháng 2 là: “Anh chị nhớ mấy vụ đánh bom gần đây không? Tiền ảo Bitcoin được chuyển cho bọn khủng bố nên giờ đây đồng tiền này không còn được ưa chuộng. One Coin ra đời sau có nhiều ưu điểm hơn và sẽ trở thành đồng tiền điện tử bá chủ thế giới”.
Chúng tôi hẹn một phụ nữ tên L và được biết thêm một “công dụng” của One Coine là dùng để núp bóng cá độ bóng đá: “Hiện nay số tiền chơi cá độ bóng đá ở Việt Nam chuyển sang nước ngoài rất nhiều. One Coin được coi là hình thức chuyển tiền mới. Bạn thua cá độ thì mất tiền ảo One Coin nhưng nếu thắng sẽ nhận tiền mặt”. Người phụ nữ mà chúng tôi kịp ghi hình trong cuộc trò chuyện này giới thiệu thêm: One Coin là tiền ảo do bà Ruja Ignotava (người Bulgaria) phát minh, xuất hiện tại Châu Âu từ tháng 1.2015. Nhà đầu tư (NĐT) đóng phí từ 130 euro - 18.800 euro để tham gia khóa học online và mua các gói nguyên liệu thô là Tokens. Phương thức hoạt động là các NĐT được ví như “thợ mỏ” đi đào tiền ảo trên mạng. Sau một thời gian đem Tokens đi khai thác trên mạng ảo sẽ đem về One Coin. One Coin được giao dịch trên sàn ảo và lợi nhuận mà NĐT kiếm được tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào biến động trên thị trường.
NĐT được quảng cáo là sẽ nhận được thẻ One Coin MasterCard có khả năng rút tiền mặt trực tiếp tại các ATM của bất kỳ ngân hàng nào trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
One Coin được quảng bá như một đồng tiền ưu việt khi không sợ lạm phát, không sợ bị rách nát, lãi suất gửi tiết kiệm “khủng” lên tới 11 - 13%/năm. Thủ tục để đăng ký làm thành viên khá dễ dàng, khách hàng chỉ cần “chồng” đủ tiền và nộp bản photocopy hộ chiếu hoặc chứng minh thư. Để minh chứng cho sự kỳ diệu của One Coin, một thành viên của One Coin Việt Nam quảng cáo: “Kể cả khi chiến tranh, động đất thì khách hàng cũng không lo mất tiền…”.
Rủi ro cao và bán hàng đa cấp
Một chuyên gia kinh tế từng nhận định: “Sức sống của One Coin có được từ sự tin tưởng và đồng thuận ảo, lòng tham, sự mù quáng, được tiếp sức bởi sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý, được nhân bội bởi hệ số mức hoa hồng đầy mê hoặc”.
Các thành viên One Coin Việt Nam liên tục hối thúc các NĐT mua “Gói vàng” (Mẹ bồng con) trị giá 521 triệu đồng bởi gói này sẽ chỉ bán đến ngày 20.2.2016 là kết thúc. Bằng những lời quảng cáo mùi mẫn, anh M khoe: “Sắp tới em lãi khoảng 1 tỉ đồng/tháng. Hôm qua em gửi tiết kiệm 300.000 One Coin với mức lãi suất 11%/năm. Một năm sau em lãi 33.000 One Coin. Giá 1 One Coin khoảng 20 euro. Tức là số tiền lãi của em trong năm tới là khoảng 15 -16 tỉ đồng”.
Vậy khi mua gói One Coin trị giá nửa tỉ đồng của tập đoàn có trụ sở ở tận Bulgaria, tiền được chuyển cho ai và bằng cách nào? Chị T - thành viên của One Coin Việt Nam - nói với PV Báo Lao Động: “Tất cả bằng điện tử, em lo gì? Nhà nước Việt Nam không chấp nhận chuyển tiền thì chị chấp nhận! Em chuyển tiền cho chị rồi chị dùng tài khoản cá nhân để mua code lập tài khoản cho em”.
Rủi ro nằm ở chỗ những giao dịch giữa NĐT và các thành viên của One Coin đều là giao dịch miệng, không có giấy tờ công chứng hay được pháp luật bảo vệ. Có vẻ như bài học nhãn tiền về tiền ảo Bitcoin dường như vẫn chưa làm các NĐT Việt Nam lo ngại.
Trao đổi với PV, luật sư Trương Thanh Đức - Cty luật BASICO - cho biết, hiện nay ở Việt Nam, One Coin không được công nhận là tiền tệ. Về khía cạnh kinh tế, đồng vốn không đưa vào đầu tư, kinh doanh, mà tự dưng tăng lên gấp hàng trăm, hàng nghìn lần cũng giống như quả bóng phình to nhờ nhiều NĐT “thổi hơi”. Cũng giống như mô hình kinh doanh đa cấp, sẽ có một số người hưởng lãi thật, thậm chí là lãi lớn, để làm bằng chứng sống dẫn dụ những người khác, thật giả lẫn lộn, thấy lợi mà ham.
Về khía cạnh luật pháp, vì không được thừa nhận, nên đầu tư vào One Coin giống như tham gia trò chơi may rủi vắng bóng trọng tài. Tất cả góp tiền thành một đống để ngắm và ai cũng hứng khởi nghĩ đó là của mình. Nhưng đến lúc giải tán cuộc chơi, tức bóng nổ, chỉ vài người may mắn ôm hết, còn lại đa số trắng tay. Góp vào là tiền thật, nhưng thu về thì chỉ là tiền ảo, tiền mơ, tiền hứa, tiền trong tương lai, tiền từ tưởng tượng. Những ai lao vào cuộc chơi này phải chấp nhận luật chơi rất mong manh, tính chất quá tù mù và rủi ro vô cùng lớn.
Ông Nguyễn Hòa Bình - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - nhìn nhận: “Nếu đem tiền thật đầu tư vào One Coin, Bitcoin hay sàn vàng ảo, NĐT có thể bị mất trắng. One Coin có nhiều dấu hiệu nguy hiểm hơn cả Bitcoin. Bản chất của One Coin và Bitcoin cũng gần giống nhau, nên không được Ngân hàng Nhà nước coi là tài sản hợp pháp và pháp luật sẽ không công nhận, bảo hộ trong trường hợp có tranh chấp. Thậm chí, One Coin có những dấu hiệu mờ ám, rủi ro hơn rất nhiều khi xuất hiện mạng lưới bán hàng đa cấp. Vậy mà nhiều người không hiểu biết, bị những kẻ đầu cơ, lôi kéo lao vào như con thiêu thân”. LAN HƯƠNG ghi