Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang gấp rút hướng tới thị trường Iran
Lần trở lại Iran này được đánh giá không phải là cuộc chơi cho những kẻ “mới vào nghề” vì ngoài các đối thủ Hàn Quốc, các nhà sản xuất ô tô châu Âu còn phải cạnh tranh gay gắt với những hãng ô tô đến từ Trung Quốc, vốn đã giành được một thị phần đáng kể trong mấy năm gần đây.
Thỏa thuận liên quan đến các vấn đề hạt nhân của Iran được ký kết trong tuần qua đã giúp nước này nới lỏng một số lệnh trừng phạt về kinh tế của Mỹ và châu Âu, đồng thời cũng mang lại những hứa hẹn cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu vì đây chính là thị trường lớn nhất ở vùng Trung Đông.
Tuy nhiên, lần trở lại Iran này được đánh giá không phải là cuộc chơi cho những kẻ “mới vào nghề” vì ngoài các đối thủ Hàn Quốc, các nhà sản xuất ô tô châu Âu còn phải cạnh tranh gay gắt với những hãng ô tô đến từ Trung Quốc, vốn đã giành được một thị phần đáng kể trong mấy năm gần đây.
Thống trị được thị trường Iran cũng không phải là điều dễ dàng. Khách hàng ở đây thích các mẫu xe có giá cả phải chăng và đáng tin cậy hơn. “Những công ty thành công nhất sẽ là những công ty mà có thể sản xuất loại xe ra có giá từ 8.000 USD đến 10.000 USD,” Darius Mehri, nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về nền công nghiệp ô tô của Iran tại đại học Californias, dự báo.
Tình hình sản xuất ô tô ở Iran.
Với việc các nhà sản xuất ô tô của Mỹ vẫn còn chưa được phép kinh doanh tại Iran, tình hình có vẻ thuận lợi hơn cho thị trường cao cấp. Đây là phân khúc được đánh giá là “đang mở rộng cho các nhà sản xuất châu Âu”. Trước khi cấm vận được dỡ bỏ, Renault và Peugeot cũng đã từng gửi các mẫu xe đến bán tại thị trường này. “Peugeot và Renault đã có mặt ở đó. Suốt 18 đến 24 tháng qua họ đã không hoạt động nhiều vì các lệnh trừng phạt, nhưng sau sự kiện này, họ có thể tái khởi động lại các cơ sở của mình ở đó dễ dàng hơn các hãng ô tô khác,” Richard Hilgert, nhà phân tích cao cấp chuyên về ngành ô tô tại Morningstar, phát biểu.
Thật vậy, chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận hạt nhân được công bố, Peugeot đã có những kế hoạch sản xuất mới tại Iran cùng với đối tác Khodro. Trước năm 2011, Peugeot là nhà sản xuất ô tô ngoại hàng đầu ở quốc gia Hồi giáo này.
Thị trường ô tô của Iran đã bị ảnh hưởng nặng nề sau các lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân. Theo dữ liệu của LMC Automotive, số lượng sản xuất hàng năm của các hãng ô tô nội địa và nước ngoài giảm hơn phân nửa trong giai đoạn 2011 - 2013, từ mức cao kỉ lục 1,6 triệu chiếc xuống chỉ còn khoảng 700.000 chiếc. Các lệnh trừng phạt cũng làm giảm mạnh doanh số phụ tùng nhập khẩu, khiến người tiêu dùng phải quay sang dùng hàng nội địa hay second-hand của các hãng như Khodro và Saipa. Cùng thời điểm này, xe hơi giá rẻ được sản xuất ở Trung Quốc chớp thời cơ tràn sang.
Thỏa thuận được ký kết trong tuần qua cũng sẽ nới lỏng những hạn chế trong ngành ngân hàng ở quốc gia này, điều được dự báo là sẽ giúp ngành công nghiệp ô tô nhanh chóng lấy lại thời hoàng kim.
“Mọi thứ có thể sẽ “bùng nổ” chỉ qua một đêm,” Vikas Sehgal, trưởng bộ phận ô tô toàn cầu tại ngân hàng đầu tư Rothschild, nói với Financial Times. Ông ước tính rằng với sự nới lỏng các lệnh trừng phạt, ngành công nghiệp ô tô của Iran có thể đạt 4 triệu chiếc/năm vào cuối thập niên này, tăng 1,4 triệu chiếc so với dự báo.
Hãng Volkswagen của Đức có thể sẽ là người được nhiều nhất vì họ sản xuất cả hai dòng xe giá rẻ và cao cấp, mà nổi bật trong số đó là Audi và Bentley đang khá được ưa chuộng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô của Mỹ đành phải “ngậm ngùi” tiếp tục chờ đợi cho đến khi Mỹ và Iran tiến gần hơn đến giai đoạn bình thường hóa quan hệ. Đó được xem là điều không may cho người Mỹ vì “thị trường dành cho xe hơi Mỹ sẽ là rất lớn. Người dân Iran giờ đây yêu mọi thứ liên quan đến Mỹ," Mehri cho biết.