Bùng nổ số lượng người LẦN ĐẦU ĐI MÁY BAY ở Việt Nam khiến báo Mỹ kinh ngạc

30/06/2015 13:36 PM |

“Những hành khách lần đầu đi máy bay là một thách thức lớn với ngành hàng không”.

Nội dung nổi bật:

- Có khoảng 30% trong tổng số 10 triệu lượt hành khách di chuyển bằng máy bay trong năm nay tại Việt Nam là những người lần đầu đi máy bay.

- Con số này đang gây ra một số rắc rối với ngành hàng không bởi những "sáng tạo" bất ngờ của các hành khách lần-đầu-đi-máy-bay.


Trong chuyến bay mang số hiệu 175 của hãng hàng không VietJet Air từ Hà Nội đi Sài Gòn, một hành khách nam 43 tuổi đã mở cửa thoát hiểm bởi vì anh này tưởng đó là nhà vệ sinh.

Đây là trường hợp của hành khách Nguyễn Thanh Chương – tại Sơn Tây, Hà Nội. Hành động của anh này đã khiến phao trượt của chiếc Airbus A321 bung ra, sau đó chuyến bay bị trì hoãn 3 giờ và gây ra thất thu cho hãng hàng không 10.000 USD.

Đây không phải là trường hợp vi phạm an toàn hàng không duy nhất. Những “sáng tạo” bất ngờ của hành khách và sự gia tăng của những hãng vận chuyển giá rẻ đã gây ra “cơn đau đầu” cho những thành viên phi hành đoàn và cả nhân viên hàng không dưới mặt đất trên toàn châu Á. Thống kê cho thấy, đây là khu vực phát triển hàng không nhanh nhất thế giới với hơn 100 triệu lượt khách bay mới mỗi năm.

“Những hành khách lần đầu đi máy bay là một thách thức lớn với ngành hàng không”, Graham Hunt – chủ tịch đại học Embry-Riddle Aeronautical tại Singapore nói.

Trong khi đó, theo Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế, Việt Nam sẽ là 1 trong 10 thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới trong khoảng 2 thập kỷ tới. Hiện cứ 1 trong 5 người tại quốc gia 90 triệu dân này được bay và trong khoảng 2 thập kỷ qua hầu như mọi người dân Việt Nam đều mong muốn được di chuyển bằng máy bay, theo nghiên cứu của Airbus Group SE.

Hành động mở cửa thoát hiểm của hành khách Chương kể trên không chỉ khiến hãng hàng không phải chịu phí tổn lên tới 30.000 USD mà còn gây ra hàng loạt chuyến bay bị trì hoãn theo phản ứng dây chuyền. Cũng theo đại diện hãng hàng không này, có ít nhất 30% trong số 10 triệu lượt hành khách di chuyển trong năm nay là những người lần đầu đi máy bay.

Để giải quyết những vụ việc không đáng có kể trên, đại diện một hãng hàng không tại Việt Nam cho biết cần phải đẩy mạnh truyền thông và chuyển tải kiến thức an toàn bay đến công chúng rộng rãi hơn kèm theo những hình thức “cảnh cáo nghiêm khắc từ hãng hàng không và nhà chức trách”. Trong trường hợp của hành khách Chương, anh này đã bị phạt 687 USD nhưng sau đó đã được miễn khoản phạt này vì hoàn cảnh khó khăn và gia đình anh có công đóng góp cho cách mạng.

Rõ ràng, việc mở cửa thoát hiểm máy bay là hành động vi phạm an toàn bay. Trong số 300 trường hợp vi phạm an toàn hàng không vào năm ngoái, Việt Nam có 2 trường hợp suýt va chạm, 2 trường hợp trục trặc khi đài kiểm soát không lưu mất liên lạc với máy bay chuẩn bị cất cánh, 1 trường hợp máy bay đáp nhầm sân bay và một vụ phi công ấn nhầm nút báo hiệu có không tặc. Riêng tại Việt Nam, những trường hợp vi phạm an toàn hàng không đã tăng lên 96% trong nửa đầu năm 2014.

Theo chia sẻ của một tiếp viên hàng không, bản thân họ cũng rất cảnh giác: “Chúng tôi được đào tạo luôn phải để mắt tới các hành khách ngồi gần cửa thoát hiểm”.

Bên cạnh những trường hợp vi phạm an toàn bay, tại Việt Nam còn xuất hiện một số trường hợp hành khách to tiếng với tiếp viên hàng không vì họ không hiểu những chỉ dẫn an toàn. Một số khác thậm chí lấy cả áo phao để dưới ghế mang về nhà vì cho rằng nó đã bao gồm trong giá vé.

Những trường hợp hành khách gây phiền nhiễu và quấy rối nhân viên thực tế khá phổ biến. Một người đến từ Hà Nội, 35 tuổi đã bị cấm bay 6 tháng do tát một nhân viên sân bay hồi tháng 4 vừa qua khi người nhân viên nói rằng hành lý xách tay của anh này vượt quá giới hạn cho phép. Một nữ hành khác khác bị phạt 344 USD vì đá một nhân viên hàng không vào tháng 6.

Hiện tại, Việt Nam đang dần mở cửa tự do thị trường hàng không. Với sự xuất hiện của rất nhiều hãng hàng không giá rẻ, giấc mơ du lịch bằng hàng không hiện đã trong tầm với của hàng triệu người dân nước này.

“Việt Nam đột ngột xuất hiện rất nhiều người dân với thu nhập thấp nhưng lại đủ khả năng di chuyển bằng máy bay. Tình huống này rất giống với trường hợp của Trung Quốc”, theo anh Nguyễn Xuân Thành – Nghiên cứu cấp cao tại Viện Rajawali về Châu Á tại Trường Harvard Kennedy, TP Hồ Chí Minh nói.

Cụ thể, mọi thứ đã trở nên tồi tệ khi Tổng cục du lịch quốc gia Trung Quốc tạo ra chương trình “khai sáng du lịch quốc gia”. Vào tháng 1, các thành viên trong một nhóm tour tại đây đã tức giận vì chuyến bay bị trì hoãn bởi thời tiết và họ mở cánh cửa thoát hiểm trên chuyến bay của hãng China Eastern Airlines ngay trước khi máy bay cất cánh. Tháng trước đó, một hành khách lần đầu đi máy bay cũng mở cửa thoát hiểm để… hít không khí trong lành khi máy bay đang lăn bánh và chuẩn bị cất cánh.

Hiện tại, Việt Nam đang yêu cầu Hiệp hội hàng không Mỹ nâng xếp hạng an toàn bay của các hãng vận chuyển trong nước như Vietnam Airlines. Joost van der Heijden – chủ tịch marketing khu vực châu Á của Airbus nói rằng lượng di chuyển bằng hàng không “đến, đi và trong nội địa Việt Nam” sẽ tăng hơn 10%/năm trong vòng 2 thập kỷ tới.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM