Bộ trưởng Vinh: 'Tất cả các mặt trận đều đang gặp sức ép'
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhìn nhận, nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2015 có rất nhiều thách thức...
Sáng 11/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 và tình hình những tháng đầu năm 2015 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đánh giá bổ sung chung về 2014, Chính phủ khẳng định kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, mặt bằng lãi suất giảm.
Về tình hình chung những tháng đầu năm nay, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, như xuất khẩu giảm nhiều, nhập khẩu tăng cao. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Có hai nội dung được ông Vinh nhấn mạnh thêm. Đó là tình hình phát triển doanh nghiệp và tiêu thụ nông sản.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong quý 1/2015 có 19.049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 2.565 doanh nghiệp giải thể, 16.175 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.
“Những doanh nghiệp này đa số là quy mô nhỏ, vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, trên thế giới thì tỷ lệ 30% doanh nghiệp giải thể ngừng hoạt động cũng là bình thường, nên diễn biến tình hình doanh nghiệp Việt Nam hiện không có gì phức tạp lắm”, ông Vinhh nói.
Liên quan đến doanh nghiệp, hạn chế lớn nhất theo Bộ trưởng Vinh, nằm ở tỷ trọng cổ phần hóa rất thấp, không tác động tích cực đến quản trị, và đây là vấn đề rất cần quan tâm.
Với vấn đề thứ hai, Bộ trưởng Vinh cho biết, hai tháng gần đây thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng đang xấu đi, nhiều mặt hàng nông nghiệp đều không tiêu thụ được sản phẩm, chứ không chỉ là dưa hấu như báo chí đang nói.
“Tất cả các mặt trận chúng ta đều đang gặp sức ép, riêng về tiêu thụ gạo Chính phủ cũng họp hai lần rồi. Lần Tổng bí thư sang Trung Quốc cũng đã đặt thẳng vấn đề với cả Tổng bí thư và Thủ tướng Trung Quốc, nhưng Thủ tướng nước này nói rất thẳng thắn là chúng tôi sản xuất dư lương thực nhưng nhập gạo của Việt Nam do giá gạo của Việt Nam rẻ”, ông Vinh kể.
“Và yêu cầu đang được Trung Quốc đặt ra là doanh nghiệp nào của họ muốn có quota nhập 10 ngàn tấn gạo thì phải tiêu thụ 1 ngàn tấn trong nước, không thì không cho. Vì thế gạo Việt Nam đang tồn ở Lào Cai”.
Nhiều mặt hàng khác cũng bị cạnh tranh rất căng thẳng, ông Vinh khái quát.
Theo ông, nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2015 có rất nhiều thách thức, nếu không tháo gỡ được mạnh mẽ các khó khăn thì tăng trưởng cả năm khó có thể đạt cao được, hướng tới đạt 6,5% cũng không phải đơn giản.
>> Mũi nhọn hội nhập, 'thua trận' khắp nơi
Theo Nguyễn Lê