Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Thiệt hại hàng năm do biến đổi khí hậu khoảng 1,5% GDP

05/04/2015 22:16 PM |

Những biến động thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra gần đây khiến nhiều người không thể tự hỏi: Điều gì đang xảy ra? Bao giờ chấm dứt?

Hiện nay vùng Nam Trung Bộ đang trải qua những ngày hạn hán, trong khi cách đó chưa lâu TP HCM lại ứ ngập nước do triều cường mỗi ngày.

Và trong khi những khu rừng ở Tây Bắc, Tây Nguyên đang trong những ngày khô và cảnh báo cháy rừng ở mức nguy hiểm nhất, thì Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc lại đang trải qua những đợt mưa ẩm liên miên khiến nông dân mất mùa nông sản.

Những biến động thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra gần đây khiến nhiều người không thể tự hỏi: Điều gì đang xảy ra? Bao giờ chấm dứt? Chúng ta làm được gì để thay đổi được điều này không? Những thắc mắc này sẽ phần nào được giải đáp trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

* Những hộ nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề vì tình trạng ngập mặn ở Bến Tre, đang tìm cách hoàn trả các khoản vay ngân hàng. Các hộ dân này có hỏi Bộ trưởng là điều gì đang xảy ra ở đây, dường như tình trạng ngập mặn đang ngày càng nặng lên? 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Nguyên nhân dẫn tới trình trạng như người dân vừa nêu là do tác động của biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề của toàn cầu, là một thách thức đối với nhân loại trong thế kỉ 21 này.

Nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu thì có nhiều nhưng trong đó có hoạt động về phát triển kinh tế của con người dẫn tới việc phát thải khí nhà kính ngày càng tăng lên và trái đất của chúng ta sẽ ấm dần lên hay nói cách khác là nhiệt độ sẽ tăng lên.

Kết quả như chúng ta đã biết là nước biển sẽ dâng lên, tất nhiên là sẽ còn tùy theo thời gian. Việt Nam của chúng ta là 1 trong 5 quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Hàng năm, do thiên tai và cả tác động của biến đổi khí hậu thì ở nước ta theo thống kê trong 10 năm vừa rồi từ năm 2001 đến năm 2010 thiệt hại về người và tài sản là khá lớn. Số người mất tích và số người chết khoảng 9500 người, GDP hàng năm thiệt hại khoảng 1,5%.

Chúng tôi muốn thông tin một việc rất quan trọng là kịch bản về biến đổi khí hậu là vào cuối thế kỷ này, tức là năm 2100 thì nhiệt độ trung bình của nước ta sẽ tăng 2-3 độ C và mực nước biển có thể cao lên khoảng 1m so với giai đoạn 1980 đến 1999.

Nếu nước biển tăng lên cao 1m thì sẽ dẫn tới hậu quả là Đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta sẽ ngập đến 39% diện tích và riêng thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn của chúng ta sẽ ngập khoảng 20% diện tích, còn các tỉnh đồng bằng sông Hồng mà có biển thì ngập khoảng 10%, các tỉnh miền Trung khoảng 3%. 10% dân số của ta cũng sẽ chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu.

* Như Bộ trưởng vừa cho biết, theo kịch bản, tình trạng ngập úng sẽ xảy ra nếu nước biển dâng lên 1m, Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ phủ một màu đỏ, Kiên Giang, Hậu Giang mất tới hơn 70% diện tích sẽ xảy ra vào thế kỷ 21 nếu chúng ta không có biện pháp ứng phó. Vậy Chính phủ sẽ có những biện pháp gì nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu?

Trước tình hình thực tế diễn ra như vậy, Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Trung ương đã thành lập Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu và có các cơ quan của các bộ sẽ giúp cho ủy ban này chuẩn bị các giải pháp và sau đó Thủ tướng sẽ quyết định.

Vừa rồi đã có Nghị quyết 24 của Trung ương, việc đầu tiên Chính phủ đã triển khai một giải pháp rất quan trọng là phải có nhận thức đầy đủ về tư tưởng chỉ đạo rồi về mặt chủ trương, giải pháp cũng như về mục tiêu…

Tức là những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thì phải đặt trong bối cảnh toàn cầu và phải liên hệ với quốc tế chứ khong phải là chúng ta đứng ra một mình.

Về mặt nhận thức phải thấy rằng biến đổi khí hậu không chỉ có thách thức mà bên cạnh đó còn là những cơ hội để chúng ta chuyển đổi tăng trưởng của mình.

Ví dụ bây giờ các tỉnh có biển do có xâm nhập mặn như vậy thì chúng ta có thể có những sự chuyển đổi.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung để sản xuất lương thực và chủ yếu là lúa gạo, có thể thông qua đây những vùng xâm nhập mặn mà chúng ta có thể chuyển sang cây trồng khác phù hợp với điều kiện nước mặn như vậy.

Bây giờ phải xác định ứng phó, thích nghi tức là phải tập trung các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Mục tiêu từ nay cho đến năm 2020 thì chúng ta tập trung về vấn đề thích ứng là chính chứ không phải sử dụng những biện pháp cưỡng bức.

Giai đoạn sau đến năm 2050 thì lúc đó có thể chúng ta có điều kiện hơn, có nguồn lực hơn thì có thể biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu này.

* Bộ trưởng có thể cho biết thêm liệu chúng ta sẽ có một chương trình hành động nào đó, cụ thể kiểu như Hà Lan đã xây đê bao quốc gia để chống lại nước biển dâng hay không?

Trước đây có thể xem đó là tốt nhưng đến bây giờ thì ngay người Hà Lan họ cũng cho rằng là cần phải xem lại.

Bây giờ phải làm thế nào để chúng ta có những biện pháp để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu như tôi vừa nói.

Căn cứ vào Nghị quyết 24 của Trung ương, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu đã chỉ đạo và xây dựng một kế hoạch châu thổ của đồng bằng sông Cửu Long giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Những tỉnh này có vị trí rất quan trọng nhưng khả năng bị ngập lụt phải nói là rất nghiêm trọng.

Rõ ràng kế hoạch này chúng ta sẽ triển khai với tinh thần như vậy, cách làm của chúng ta cũng với tính chất thích ứng là chính.

* Xin chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi của một số người dân gửi thư về chuyên mục bày tỏ sự băn khoăn: Tôi có cảm giác ở Việt Nam vấn đề về biến đổi môi trường, biến đổi khí hậu lâu nay vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Nhưng vừa rồi tôi được biết Chính phủ đã quyết định phân bổ 3000 tỷ đồng cho Chương trình ứng phó với biển đổi khí hậu, không rõ là nhiều hay ít. Bộ trưởng đã có giải pháp trọng tâm gì để khắc phục được những vấn đề này trong thời gian tới hay chưa?

Chúng tôi là cơ quan được Chính phủ giao để giúp Chính phủ trong hoạt động của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu.

Thời gian qua chúng tôi đã chuẩn bị để Chính phủ ban hành một số nội dung rất quan trọng. Đó là chiến lược về ứng phó biến đổi khí hậu hay kế hoạch hành động, chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tới, chúng tôi đã kiến nghị với Thủ tướng và Thủ tướng đã có kết luận trong cuộc họp gần đây nhất vào đầu năm 2015 vừa rồi là trong thời gian 5 năm tới cần phải rà soát lại các quy hoạch, cập nhật lại các quy hoạch, sẽ dành các nguồn lực để trong 5 năm tới sẽ tập trung cho trồng rừng ngập mặn, vì rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong thời gian qua diện tích rừng ngập mặn đã bị giảm rất nghiêm trọng do chúng ta phát triển kinh tế.

Trách nhiệm của chúng ta bây giờ là phải phục hồi lại và Thủ tướng đã đồng ý là các địa phương phải tập trung chỉ đạo để khôi phục lại rừng ngập mặn, đây là một chủ trương rất quan trọng.

Cùng với đó là phải xây dựng các đê mềm, tức là phải có một diện tích đất phù sa nhất định để cây ngập mặn có thể phát triển và chắn sóng ở bên ngoài vào; xây dựng cống để ngăn mặn và giữ ngọt ở những nơi thật xung yếu. Một nội dung nữa là chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Các tổ chức quốc tế như ngân hàng thế giới (WB), JiCa của Nhật Bản và một số tổ chức khác như các nước Đức, Đan Mạch… đều rất quan tâm và hỗ trợ chúng ta. Tất nhiên đây là nguồn vốn cho vay và nguồn lực đó rất quan trọng.

Thủ tướng đã yêu cầu phải làm thế nào để cả hệ thống chính trị của chúng ta, các doanh nghiệp, người dân sẽ vào cuộc thì công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu trong những năm tới mới thành công được.

* Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

>> Biến đổi khí hậu làm tăng tỷ lệ sinh con gái?

Cùng chuyên mục
XEM