Cao bất ngờ, GDP quý I có bất thường?
Lãnh đạo Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) phân tích những yếu tố khiến GDP quý I/2015 tăng trưởng ấn tượng và khiến nhiều người bất ngờ, dù thời gian nghỉ Tết dài và lạm phát đang ở mức rất thấp.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia cho hay mặc dù quý I/2015 có thời gian nghỉ Tết dài, song các yếu tố đầu vào của sản xuất như tiêu thụ điện, nhập khẩu nguyên liệu đều tăng trưởng rất mạnh. Việc giá xăng dầu giảm cũng có tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng của dân cư.
Tăng trưởng từng quý sẽ không còn quá chênh lệch
* Quý I có thời gian nghỉ Tết rất dài, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Tại sao GDP vẫn tăng cao như vậy?
Ông Hà Quang Tuyến: Cũng như các năm trước, sản xuất kinh doanh của quý I chịu tác động ảnh hưởng của thời gian nghỉ Tết. Tuy nhiên, điều hành của các đơn vị sản xuất kinh doanh quý I năm 2015 không bị ảnh hưởng nhiều. Điều này thể hiện ở việc sử dụng các điều kiện cho sản xuất của quý I năm 2015 tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, sử dụng điện cho sản xuất tăng 17,9% (quý I/2014 tăng 13,6%). Nhập khẩu mà chủ yếu là nguyên liệu cho sản xuất tăng 16,3% (quý I/2014 tăng 12,4%). Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp thời điểm 01/03/2015 tăng 5,4% (cùng kỳ tăng 4,1%). Vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành tăng 9,1% (quý I/2014 tăng 3,8%).
Số liệu tiêu thụ điện cho sản xuất là bằng chứng rõ ràng cho hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động. Không lẽ doanh nghiệp cho máy móc chạy không để tốn kém điện vô ích?
Tôi chia sẻ thêm một nguyên nhân rất quan trọng khác. Trước đây, vốn ngân sách nhà nước và vốn TPCP được phân giao hàng năm, nên việc xây dựng kế hoạch, phân giao vốn và đầu tư xây dựng cơ bản thường bị chậm trong những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg năm 2011 và nhất là từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015, thì tình trạng này giảm dần và sẽ chấm dứt hẳn, không còn chuyện sản xuất “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm nước rút” nữa. Do đó trong thời gian tới, độ doãng tốc độ tăng trưởng từng quý vẫn còn nhưng sẽ không quá chênh lệch như trước đây.
Cơ hội từ giá xăng dầu đã được tận dụng
* Lạm phát đang ở mức thấp, nhiều ý kiến cho là biểu hiện của tổng cầu yếu, sức mua thấp. GDP vẫn tăng trưởng cao như vậy liệu có mâu thuẫn, thưa ông?
Trước hết, lạm phát thấp chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh từ cuối năm 2014, làm giảm chi phí sản xuất hạ giá thành sản phẩm, giá bán giảm nên không liên quan đến tổng cầu. Ngược lại, tăng tổng cung sẽ tăng thu nhập của người lao động, kích thích trở lại tăng tổng cầu.
Theo hệ thống tài khoản quốc gia, tổng cầu của nền kinh tế bao gồm cầu cho tiêu dùng trung gian và cầu cuối cùng. Các yếu tố của tổng cầu quý I năm 2015 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng cuối cùng tăng 8,67%, cao nhất so với các năm từ 2011-2014 (tương ứng tăng 4,56%, 4,60%, 4,46% và 5,38%). Tích lũy tài sản gộp tăng 6,7%, các năm từ 2011-2014 tương ứng tăng -12,46%, 0,3%, 3,34% và 6,6%. Sản xuất kinh doanh tăng trưởng cao yêu cầu tăng tiêu dùng trung gian.
Đúng như nhận định của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá xăng dầu giảm mạnh là một cơ hội của nền kinh tế, có tác động tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Có thể nói nền kinh tế đã tận dụng được cơ hội này.
GDP quý I tăng cao có thể khiến nhiều người thấy khá bất ngờ nhưng nếu xét các yếu tố động lực tăng trưởng thì không có gì bất thường mà hoàn toàn phù hợp.
* Ông có thể phân tích cụ thể hơn về những động lực chính khiến GDP trong qúy I/2015 tăng trưởng mạnh?
Tăng trưởng kinh tế quý I năm 2015 được hỗ trợ từ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp và hầu hết các ngành dịch vụ kinh doanh.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,35%, đóng góp 2,82 điểm phần trăm tăng trưởng, có mức tăng cao nhất so các năm từ 2011-2014; trong đó ngành công nghiệp tăng 9,01%, đóng góp 2,61 điểm phần trăm tăng trưởng. Khu vực dịch vụ tăng 5,82%, đóng góp 2,36 điểm phần trăm tăng trưởng.
Đặc biệt, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,51% so cùng kỳ năm 2014, đóng góp 1,57 điểm phần trăm tăng trưởng; cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2012-2014. Chỉ số sản xuất của điện thoại di động tăng 105%, ô tô tăng 52,6%, ti vi tăng 38,6%, thức ăn cho thủy sản tăng 27,4%... Giá trị tăng thêm của ngành khai khoáng tăng 6,7% đóng góp 0,53 điểm phần trăm tăng trưởng (cùng kỳ 2014 đóng góp âm 0,19 điểm %), cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2011-2014; sản lượng dầu thô khai thác 4,17 triệu tấn, tăng 9,8%; sản lượng than khai thác 10 triệu tấn, tăng 3,2%.
Hầu hết giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ kinh doanh có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước như thương mại tăng 7,11%, đóng góp 0,72 điểm phần trăm tăng trưởng; khách sạn nhà hàng tăng 5,9%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm tăng trưởng.
Sản xuất phát triển, thu nhập của người lao động tăng nên sức mua tiêu dùng của dân cư tăng khá trở lại thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,9%. Hoạt động tài chính ngân hàng tăng 5,65% do tín dụng tăng trưởng 1,25% (cùng kỳ năm trước tăng trưởng âm); dịch vụ kinh doanh bất động sản đang ấm lên ở phân khúc mua để ở cả về lượng và giá cả tăng.
Cấu trúc nền kinh tế đã tốt hơn
* GDP quý I/2015 tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, hứa hẹn một năm tăng trưởng khá và một thời kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế. Theo ông, đâu là nguyên nhân tổng thể khiến nền kinh tế phục hồi mạnh như vậy?
Tăng trưởng kinh tế quý I năm 2015 đạt 6,03% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức tăng của quý I các năm từ 2011-2014 (tương ứng tăng 5,9%, 4,75%, 4,76% và năm 5,06%). Đây là mức tăng trưởng hợp lý do tiếp tục đà tăng trưởng đang dần được phục hồi từ quý II năm 2014.
Nền kinh tế Việt Nam năm 2015 dự báo đạt mức tăng trưởng khá do tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2014 khi giá xăng dầu liên tục giảm, chi phí sản xuất giảm khiến giá trị tăng thêm của các ngành được cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã đề ra và điều hành quyết liệt nhiều chính sách kinh tế vĩ mô để phát triển sản xuất kinh doanh và kiềm chế lạm phát. Tái cấu trúc lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, nền kinh tế đã đạt được kết quả bước đầu.
Phân tích bảng cân đối liên ngành (IO) cho thấy tỷ lệ chi phí trung gian của từng ngành, từng thành phần kinh tế cao hơn trước đây, nhưng nhưng tổng tỷ lệ chi phí trung gian toàn bộ nền kinh tế lại giảm. Điều này cho thấy cấu trúc của nền kinh tế đã tốt lên, tỷ trọng các ngành có tỷ lệ chi phí trung gian thấp, hiệu quả được tăng lên. Nói một cách nôm na, các ngành có giá trị tăng thêm cao đang đóng góp nhiều hơn vào GDP.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công và nhiều chính sách khác đã tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt khiến lãi suất tín dụng giảm, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vay vốn, giảm nợ xấu, ổn định tỷ giá.
* Xin cảm ơn ông!
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia:
Việc tính toán GDP luôn được tiến hành khoa học, cẩn trọng, bảo đảm chính xác nhất. GDP theo quý được tính theo phương pháp sản xuất (từ tăng trưởng của các ngành sản xuất) và phương pháp sử dụng (gồm tiêu dùng cuối cùng, tích luỹ tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ). Chúng tôi sử dụng độc lập hai phương pháp để kiểm tra, khi số liệu tính từ hai phương pháp này thống nhất thì việc tính toán là chính xác.
Tổng cục Thống kê luôn thực hiện nghiêm túc nguyên tắc hoạt động “bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê” đã được quy định tại khoản 2 điều 4 của Luật Thống kê năm 2003.
Tôi khẳng định quá trình từ thu thập, xử lý, tính toán, công bố và phổ biến các thông tin thống kê nói chung, GDP nói riêng không chịu bất kỳ tác động nào.
Ngành Thống kê Việt Nam hiện đang áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) từ năm 1993. Việc biên soạn số liệu GDP được thực hiện theo hướng dẫn về khái niệm, nội dung, phương pháp tính của SNA đang được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn cầu, việc tính toán GDP quý I/2015 không có thay đổi về phương pháp.
>> GDP quý I bất ngờ tăng vượt dự báo
Theo Hà Chính