ADB dự báo GDP Việt Nam 2015 không đạt mục tiêu đề ra
Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2015 và đạt mức 6,2% trong năm 2016, thấp hơn mức Chính phủ Việt Nam đặt ra (6,2%).
Nội dung nổi bật:
- Theo ADB, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2015 và đạt mức 6,2% trong năm 2016, thấp hơn mức Chính phủ Việt Nam đặt ra
- Trong khi nhìn nhận khu vực tư nhân đóng vai trò trọng yếu trong việc khai thác tiềm năng kinh tế, khu vực này vẫn còn bị “phân biệt đối xử” cũng như còn nhiều vướng mắc trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Kinh tế của khối ASEAN tăng trưởng mạnh lên khi mốc hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến gần. GDP chung của 10 nước ASEAN dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2015, nhờ sự hồi phục của kinh tế Indonesia và Thái Lan.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2015 và đạt mức 6,2% trong năm 2016, ông Tomoyuki Kimura – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam – cho biết tại buổi họp báo Tình hình Phát triển Kinh tế Châu Á và Việt Nam sáng 24/3/2015.
“Chúng ta phải đạt tiến độ nhanh hơn trong quá trình cải cách và đẩy mạnh hoạt động của ngân hàng, bao gồm thúc đẩy nỗ lực và đưa ra chiến lược rõ ràng hơn để giải quyết nợ xấu. Tăng trưởng của Việt Nam sẽ được thúc đẩy hơn nhờ việc thúc đẩy việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước” – ông Tomoyuki cho biết.
Cũng theo ông Tomoyuki, nghị định mới của chính phủ về hợp tác đầu công tư (PPP) giúp thu hút đầu tư của khu vực tư nhân nhiều hơn trong các dự án kinh tế xã hội.
Trong khi nhìn nhận khu vực tư nhân đóng vai trò trọng yếu trong việc khai thác tiềm năng kinh tế, khu vực này vẫn còn bị “phân biệt đối xử” cũng như còn nhiều vướng mắc trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Hiện tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng. Nếu có các chính sách và chiến lược khai thác đúng đắn sẽ tận dụng được những tiềm năng này” - ông Dominic Mellor – chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB – cho biết.
Theo ADB, hiện mới chỉ có 36% các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, trong khi con số này ở Malaysia là gần 60%, Thái Lan cũng gần 60%. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp vào tổng giá trị nhập khẩu của Thái Lan hơn 35%, Philippines hơn 35%, Malaysia gần 30%. Còn ở Việt Nam, con số này dưới 20%.
Để tăng cường năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ADB cho rằng Việt Nam cần thực hiện hiệu quả chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực tư nhân. Cụ thể:
1- Nâng cao sự phối hợp liên ngành: Khu vực tư nhân đóng vai trò trong nhiều ngành khác nhau như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước này phải phối hợp với nhau để đưa ra chính sách phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách đúng đắn.
2- Tăng cường đối thoại công tư: Trong việc thực hiện các chính sách giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ cần tham vấn rộng rãi khu vực tư nhân để tư vấn cho chính phủ các vướng mắc hiện tại. Hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân đang bị tách ra khỏi quy trình lập chính sách. Lịch sử chỉ ra rằng: Nếu quy trình lập chính sách từ dưới lên, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp thì chính sách đó hiệu quả hơn.
3- Cần thiết có chiến lược ngành cụ thể: Chính phủ đã ra Nghị quyết 19 với cam kết tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng đó mới chỉ ở mức chính sách. Chúng ta cần có chiến lược ngành cụ thể để lựa chọn cần nỗ lực, tập trung hơn vào ngành nào, cần lưu ý đến việc phát triển cụm kinh tế, cụm ngành nào để tạo quy mô kinh tế lớn hơn, thúc đẩy tăng trưởng.
Nhìn chung sự phát triển kinh tế các nước Đông Nam Á, báo cáo “Triển vọng phát triển Châu Á 2015” của ADB cho biết, 7/10 nước đều có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, kéo tốc độ tăng trưởng trung bình của cả khu vực xuống 4,4% năm 2014. Cả Indonesia và Thái Lan – 2 nền kinh tế lớn nhất ASEAN đều nằm trong nhóm giảm tăng trưởng năm thứ 2 liên tiếp.
Ngược lại, Brunei Darussalam, Malaysia và Việt Nam đều tăng trưởng cao hơn năm trước.
ADB nhận định: Kinh tế của khối ASEAN tăng trưởng mạnh lên khi mốc hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến gần. GDP chung của 10 nước ASEAN dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2015, nhờ sự hồi phục của kinh tế Indonesia và Thái Lan.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực rất khác nhau do tình hình mỗi nước có đặc thù riêng, song tốc độ tăng trưởng của cả khối ASEAN dự báo sẽ tăng lên 5,3% vào năm 2016, năm đầu tiên sau khi thành lập AEC.
>> Chủ tịch Quốc hội: Cách tính GDP của ta "không biết đằng nào mà lần"
Thanh Thủy