"Bài toán" trái cây Việt Nam: Thừa lượng nhưng vẫn thiếu chất

18/06/2015 14:31 PM |

Bài toán về đầu ra cho các sản phẩm nông sản của người nông dân đã và đang là vấn đề nóng từ những câu chuyện thực tế nhà vườn đến diễn đàn Quốc hội trong thời gian qua.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế quốc tế, có thể nói nông sản Việt Nam không thiếu thị trường tiêu thụ mà chính là chất lượng nông sản chưa đảm bảo quy chuẩn, đồng thời không có những chứng nhận đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Sản lượng nhiều, chất lượng chưa cao

Hiện nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang đồng loạt vào vụ thu hoạch các loại trái cây, trong khi tại khu vực phía Bắc, công tác xúc tiến tiêu thụ một số loại trái cây vào Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đẩy mạnh.

Thực tế này đã khiến nguồn cung mặt hàng trái cây tại Thành phố Hồ Chí Minh dồi dào về sản lượng, nhưng chất lượng trái cây lại chưa cao, chủ yếu phục vụ phân khúc cấp thấp với giá rẻ, bán buôn tràn lan ở khắp nơi.

Tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh, sản lượng nhiều loại trái cây tăng đột biến từ 20-30% so với tháng trước. Từ đầu tháng 6/2015 đến nay, tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, ngành hàng trái cây có nguồn cung tăng cao dẫn đến tình trạng "dội chợ." Vì vậy, giá các mặt hàng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Lượng trái cây về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.000 tấn/ngày. Các mặt hàng có giá bán sỉ giảm mạnh là xoài cát Hòa Lộc từ 40.000-45.000 đồng/kg giảm còn 30.000 đồng/kg; bòn bon từ 50.000-60.000 đồng/kg giảm còn 35.000-40.000 đồng/kg; măng cụt 30.000 đồng/kg giảm còn 25.000 đồng/kg.

Ghi nhận tại các chợ truyền thống và trên những tuyến đường trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy chưa năm nào các mặt hàng trái cây được bày bán sôi động và tràn lan như năm nay.

Điển hình, trên các tuyến đường như Cách mạng tháng Tám, Điện Biên Phủ, Hùng Vương, Quang Trung, Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 13..., người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp các biển "Ổi lê vườn 5.000 đồng nửa kg," "Dưa hấu đỏ 4.000 đồng nửa kg," "Vải thiều 13.000 đồng nửa kg", "Mãng cầu Tây Ninh 20.000 đồng/kg"...

Theo chủ quầy kinh doanh hoa quả trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 100kg ổi lê với giá 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, không chỉ mặt hàng ổi lê, mà nhiều mặt khác chỉ mới vào vụ thu hoạch cũng bị rớt giá thê thảm so với cùng kỳ năm trước.

Vì vậy, để đẩy mạnh các mặt hàng trái cây ra thị trường tiêu thụ, các thương nhân và lái buôn đã tổ chức nhiều điểm bán trên khắp địa bàn thành phố, nhằm tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn.

Chôm chôm miền Nam. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Lý giải nguyên nhân giá trái cây giảm mạnh thời gian gần đây, tiểu thương kinh doanh ngành hàng trái cây tại chợ Hòa Hưng, quận 10, cho biết ngoài việc nhiều loại trái cây ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch và được mùa, một số mặt hàng trái cây ở khu vực phía Bắc đang xúc tiến vào thị trường thành phố tiêu thụ với số lượng lớn.

Ví dụ, nếu năm trước quả vải đầu mùa có giá từ 100.000-120.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 80.000-90.000 đồng/kg. Quả vải đang được tăng cường đưa vào thành phố tiêu thụ nên rớt giá chỉ còn 25.000-40.000 đồng/kg.

Năng lực cạnh tranh kém

Hiện, các nhà bán lẻ trong nước chủ động thực hiện hoạt động xúc tiến, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Tuy nhiên, đại diện các nhà bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc xúc tiến hỗ trợ tiêu thụ gặp nhiều khó khăn bởi hàng hóa đưa vào kinh doanh tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... phải đảm bảo đạt chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, người nông dân tại nhiều địa phương canh tác theo phương thức truyền thống, chưa cập nhật thông tin thị trường, ứng dụng công nghệ sản xuất mới.

Bưởi da xanh Bến Tre. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Bưởi da xanh Bến Tre. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Theo phân tích của các chuyên gia, chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm nông sản nói chung và mặt hàng trái cây Việt Nam nói riêng vào thị trường tiêu thụ chưa hoàn thiện tốt khâu đăng ký nhãn hiệu, đóng gói bao bì, làm thương hiệu và quảng bá sản phẩm.

Đặc biệt, các sản phẩm nông sản được trồng đại trà nhưng không đảm bảo chất lượng cao, thiếu giấy chứng nhận cần thiết để chứng minh cho từng lô hàng như chứng chỉ VietGAP, GlobalGap…

Mặt khác, đánh giá về năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, điểm yếu của các mặt hàng nông sản Việt Nam là chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng hóa nông sản Việt Nam phong phú về chủng loại, đa dạng sản phẩm nhưng lại gặp thách thức lớn khi tiếp cận các thị trường xuất khẩu; khó thuyết phục thương lái, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị tham gia phân phối và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Bà Trịnh Diệp Thanh Thảo, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý và Kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức cho biết, rất nhiều loại trái cây Việt Nam đã không nắm bắt được điều kiện thuận lợi, bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sự phát triển của ngành trái cây Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi cơ bản như đảm bảo sản lượng cung ứng, sự đồng đều về trọng lượng và hình thức sản phẩm, chưa nói đến các yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm.

Do đó, các mặt hàng trái cây Việt Nam luôn phải chống chọi với tình trạng bấp bênh về giá cả và tìm đầu ra, khó được xúc tiến vào kênh phân phối hiện đại, nhà hàng, khách sạn cao cấp tại thị trường nội địa và xuất khẩu đi các nước khác.

Để đẩy mạnh khâu phân phối, xúc tiến nông sản nói chung và mặt hàng trái cây Việt Nam nói riêng, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các địa phương phải tích cực gia tăng vùng trồng nông sản nói chung, mặt trái cây nói riêng đạt được tiêu chuẩn VietGAP.

Các sở, ngành, hiệp hội và người nông dân cũng cần có chiến lược căn cơ cho vấn đề sau thu hoạch và bảo quản sản phẩm, như vậy mới nâng cao được chất lượng nông sản và xây dựng được thương hiệu.

Những chương trình liên kết giữa bốn nhà gồm: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong ngành nông nghiệp được đẩy mạnh, góp phần định hướng nông dân sản xuất có quy hoạch, đảm bảo quy trình sản xuất từ chọn giống đến ứng dụng công nghệ nông nghiệp cao, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Theo Mỹ Phương - Hứa Chung

Cùng chuyên mục
XEM