Người Sài Gòn sẽ tiêu thụ 80.00 tấn vải thiều miền Bắc
Ngày 10/6/2015, tại TP.HCM, đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015. Dự kiến năm nay, TP.HCM sẽ tiêu thụ 80.000 tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, tăng trên 30% so với năm ngoái.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sản lượng vải thiều năm 2015 ước đạt 200.000 tấn. Việc tiêu thụ số lượng vải này chưa thể trông chờ vào xuất khẩu sang những thị trường như Mỹ, Australia mà vẫn phải dựa vào tiêu thụ nội địa và xuất sang Trung Quốc. Tính toán của Bộ Công Thương cho biết, khả năng tiêu thụ tại Trung Quốc và nội địa trong năm 2015 cũng tương đương như năm ngoái, lần lượt là 40% và 60%.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang Phan Văn Hùng cho biết, thương nhân, các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam năm nay đã ra phía Bắc tương đối sớm và có những thống nhất hợp đồng nguyên tắc để đưa vải từ Lục Ngạn vào TP.HCM. Ông Hùng hy vọng vụ vải năm 2015, sản lượng tiêu thụ ở thị trường TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung sẽ tăng đáng kể so với năm 2014, đặc biệt là giá cả và chất lượng được nâng lên.
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong điều kiện số lượng vải ngày càng tăng cao, chính quyền các tỉnh sản xuất vải phải tạo điều kiện cho người nông dân đảm bảo ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời đẩy mạnh liên kết bằng nhiều cách thức phối hợp, xúc tiến tiêu thụ.
Ngoài ra, cần sự hỗ trợ của các bộ ngành, các tỉnh, thành khác để đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ vải cho người dân và có các phương án xử lý những hiện tượng tranh mua, ép giá người dân.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc xuất khẩu Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM) là doanh nghiệp vừa xuất khẩu 3 tấn vải đi Mỹ cho biết ngày 9-6 vừa qua Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục bảo vệ thực vật) đã cùng với kiểm dịch viên của phía Mỹ ra Hải Dương để kiểm tra và cấp mã số Nhà máy đóng gói vải thiều đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ đầu tiên ở miền Bắc do công ty đầu tư.
Trong trường hợp nhà máy đáp ứng và được cấp mã số đóng gói, thì vải sau khi thu hoạch xong sẽ được đóng gói ngay tại nhà máy ở Hải Dương, sau đó được vận chuyện vào TP.HCM chiếu xạ trước khi xuất khẩu bằng đường hàng không sang Mỹ.
“Nếu đóng gói ngay tại đây, mình sẽ được lợi hơn vì trái vải bảo đảm được độ tươi ngon hơn so với việc thu hoạch rồi vận chuyển vào TP.HCM đóng gói”, ông Thìn cho biết.
Đại diện Saigon Co.op cho biết năm nay trong chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản là vải tươi cho nông dân hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước đã lên kế hoạch đưa trái vải tươi vào hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, sức tiêu thụ trái vải tươi hiện khoảng 10 - 15 tấn/ngày và dự ước khi vào chính vụ, mức tiêu thụ này có khả năng tăng gấp đôi.
Kế hoạch của Saigon Co.op là sẽ hỗ trợ tiêu thụ một lượng trái vải gấp đôi so với năm 2014, tổng lượng dự kiến tiêu thụ từ đầu tháng 6 đến trung tuần tháng 7-2015 sẽ hơn 800 tấn. Saigon Co.op cũng cam kết không tính thêm bất cứ khoản chiết khấu nào để giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng là giá tốt nhất so với hàng cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, Co.opmart sẽ đầu tư ngân sách giảm giá thêm 20% cho mặt hàng này từ ngày 6-6 đến 25-6-2015 trong “Tháng tiêu dùng xanh” để đẩy mạnh sức mua.