Thị trường phân bón: “Mạnh ai nấy làm”

28/09/2016 22:00 PM | Kinh doanh

Tại Việt Nam, việc quản lý thị trường phân bón đang hết sức chồng chéo, bất cập.

“Ù tai, chóng mặt” không phân biệt nổi 7.000 loại phân bón

Tại Việt Nam, việc quản lý thị trường phân bón đang hết sức chồng chéo, bất cập. Cụ thể, Bộ NNPTNT đang quản lý khoảng 5.300 chủng loại phân bón đã có trong danh mục chính thức. Bộ Công Thương đã cấp xong giấy hợp chuẩn, hợp quy cho các DN với số lượng xấp xỉ 1.000 loại. Những loại phân bón truyền thống và nằm ngoài danh mục ước tính cũng xấp xỉ 1.000 loại nữa. Như vậy, thị trường phân bón tại Việt Nam, tính đến tháng 9.2016, dự tính đang tồn tại khoảng gần 7.000 các chủng loại phân bón. Đây là một tồn tại vô cùng lớn trong thị trường phân bón ở Việt Nam hiện nay.

Chính vì vậy, thị trường phân bón Việt Nam luôn tồn tại và “phát triển” những loại phân bón giả, phân bón nhái, phân giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu của những loại phân khác. Phổ biến là những loại phân kém chất lượng tới mức chỉ còn 10-30% hàm lượng theo đăng ký và công bố TCCS.

Các quốc gia có tỉ trọng nông nghiệp khá lớn và những quốc gia phát triển cũng chỉ tồn tại và sử dụng từ 20-30 loại phân bón, Thái Lan chỉ có hơn 100 chủng loại phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng “không hiểu vì sao” Việt Nam lại sản xuất, kinh doanh và sử dụng tới 7.000 loại phân bón? Phải chăng do nguồn lợi nhuận từ sản xuất phân bón quá lớn và sự quản lý còn nhiều bất cập đã khiến cho các doanh nghiệp dễ dàng đầu từ vào lĩnh vực này?

Phân bón giả phá hoại ngành trồng trọt

Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT) và Bộ Khoa học - Công nghệ năm 2016 đã có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, phát hiện có đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng thì mỗi năm Việt Nam sẽ mất đi từ 2,0-2,5 tỉ USD do phân bón giả và phân kém chất lượng. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân.

Ngoài ra phải kể đến những thiệt hại và hậu quả chưa đo đếm được như: Phân bón giả, kém chất lượng làm cho suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt” dẫn đến cây trồng không đạt năng suất, cây yếu ớt sẽ bị sâu bệnh hại tấn công nhiều hơn khiến cho việc tăng thêm lượng kinh phí cho việc phòng và trị sâu bệnh hại. Cuối cùng phần chi phí thì tăng thêm mà thu nhập thì thấp đi khiến cho lợi nhuận của vụ mùa giảm sút. Ngoài ra, để làm phân giả và phân kém chất lượng thì phải có những hóa chất và nguyên liệu không phải là chất dinh dưỡng.

Do vậy sẽ đưa vào đất những chất độc hại làm thoái hóa đất, làm ảnh hưởng tới chất lượng nông sản và kéo theo mất an toàn về vệ sinh thực phẩm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Nếu là nông sản xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam. Mặt khác, với hiện tượng rửa trôi và xói mòn do cường độ mưa sẽ kéo những chất độc từ phân bón giả ra ngoài kênh mương hoặc trực di xuống tầng nước ngầm sẽ làm ảnh hưởng tới động vật thủy sinh, tôm cá và sức khỏe con người, có thể dẫn đến ung thư nếu người dân sử dụng nước ngầm có nhiễm kim loại nặng và hàm lượng Nitrate-N03- cao.

Như vậy, nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng không chỉ làm thiệt hại về kinh tế mà nó còn kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Nguyên nhân phải kể đến trước tiên là công tác quản lý vô cùng bất cập. Hiện tại, việc quản lý phân bón đang do 2 Bộ cùng quản lý: Bộ Công Thương quản lý những loại phân hóa học (phân bón vô cơ); Bộ NNPTNT quản lý những loại phân bón hữu cơ, phân bón lá và những loại phân khác. Mặc dù đã có Nghị định 202/2013/NĐ-CP và hàng loạt các văn bản hướng dẫn nhưng những văn bản này quá chồng chéo và “hành” DN. Vì vậy, cần nhanh chóng phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của 2 bộ đang tham gia quản lý ngành hàng phân bón.

Thứ nhất, giao Bộ Công thương chịu trách nhiệm trong lĩnh vực XNK nguyên vật liệu và các chủng loại phân bón nhập khẩu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm cấp phép cho việc sản xuất phân bón (kiểm tra giám sát các điều kiện cần và đủ cho một nhà máy sản xuất phân bón như: Qui mô nhà xưởng, hệ thống máy móc, phòng phân tích và kiểm tra chất lượng sản phẩm, qui trình công nghệ, yếu tố nhân sự và các điều kiện về an toàn, môi trường…). Bộ Công Thương xây dựng quy chuẩn quốc gia về phân bón và các chỉ tiêu để xây dựng “hàng rào kỹ thuật” nhằm ngăn chặn những loại nguyên liệu và phân bón có nguy cơ gây hại cho môi trường đất nông nghiệp và chất lượng nông sản VN. Bộ Công Thương không quản lý cấp phép tên, danh mục, thành phần, chất lượng và hướng dẫn sử dụng phân bón nữa.

Thứ hai, giao Bộ NNPTNT soạn thảo và chuẩn hóa 100 loại phân bón chuyên và đa dụng phục vụ cho các quy trình kỹ thuật bón phân cho các loại cây trồng chính của VN. Soạn thảo qui trình kỹ thuật hướng dẫn sử dụng những loại phân bón trên.

Như vậy, các DN sản xuất và kinh doanh phân bón (sau khi đã được cấp phép đủ điều kiện sản xuất) chỉ được phép hoạt động sản xuất và kinh doanh trong giới hạn của 100 loại phân bón đã được chuẩn hóa quốc gia, các DN sẽ cạnh tranh nhau một cách lành mạnh bằng chất lượng, mẫu mã bao bì, chính sách thương mại và sự chăm sóc khách hàng; cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, kho bãi và tính logic khi vận chuyển. Nếu làm được điều này chắc chắn người hưởng lợi nhiều nhất sẽ là người nông dân, sau đó là người tiêu dùng và thương hiệu cho nông sản. Thứ ba, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chỉnh sửa và hoàn chỉnh NĐ202 về quản lý phân bón vì tồn tại rất nhiều bất cập. Chỉnh sửa Luật 71 VAT vì sau khi ban hành thực sự chưa có lợi cho nông dân và DN sản xuất chân chính.

Theo TS NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA

Cùng chuyên mục
XEM