Thế Giới Di Động đang di chuyển rất nhanh từ mảng bán điện thoại sang lĩnh vực khác để tránh “ngàn vết xước”

25/05/2016 09:18 AM | Kinh doanh

Khi mảng bán điện thoại di động ngày càng bão hòa, Thế Giới Di Động (TGDĐ) đang chuyển đổi rất nhanh sang các mô hình bán lẻ khác, bao gồm bán lẻ điện máy và bách hóa Xanh.

Cách đây 2 tháng, khi có nhận định cho rằng mảng bán lẻ di động đang bão hòa và TGDĐ chắc chắn sẽ hoạt động ngày một khó khăn hơn, nhà sáng lập Nguyễn Đức Tài đã lên tiếng “trấn an” nhà đầu tư rằng thị trường bán lẻ di động vẫn còn đầy tiềm năng, và nếu TGDĐ có thất bại, thì đây là lỗi của bản thân doanh nghiệp, chứ không phải tại thị trường.

Tuy nhiên, những động thái của Thế giới di động từ đầu năm đến nay lại cho thấy họ đang làm ngược lại. Cụ thể, TGDĐ đang dần không tập trung vào lĩnh vực di động nữa, mà thay vào đó là chuyển sang những ngành khác mang lại ưu thế cạnh tranh tốt hơn.

Chẳng hạn như điện máy. Báo cáo cho thấy, trong vòng 5 tháng qua, Điện máy Xanh đã mở ra thêm tới 32 điểm bán. Con số này đã hơn tổng số trung tâm bán điện máy của DN đứng đầu thị trường hiện nay là Nguyễn Kim (tất nhiên là diện tích 1 cửa hàng điện máy Xanh nhỏ hơn khá nhiều).

Nếu như năm 2012 doanh thu trung bình tháng của Điện máy Xanh chỉ là 98 tỷ/tháng thì trung bình 4 tháng năm 2016, doanh thu của Điện máy Xanh đạt con số 850 tỷ/tháng, tương đương khoảng 10,6% thị phần.

Ước tính đến cuối năm nay, mảng bán lẻ điện máy có thể đóng góp hơn 8.000 tỉ đồng doanh thu cho tập đoàn này.

“Dự kiến năm 2017, doanh thu trung bình tháng của Điện máy Xanh sẽ đạt tới con số 2000 tỷ”, đại diện của Điện máy Xanh cho biết.

Ngoài ra, mảng bách hóa Xanh cũng sẽ được từng bước phát triển trong năm nay.

Cơ cấu doanh thu của Thế giới di động đã có những sự thay đổi rõ ràng. Trong đó, mảng bán lẻ điện máy ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tổng doanh thu. Nếu nhìn vào biểu đồ cơ cấu doanh thu ước tính của Thế giới di động trong năm nay, có thể thấy tỉ trọng của mảng bán lẻ điện máy ngày càng lớn, trong khi mảng bán lẻ di động đã chững lại.

Việc dịch chuyển sang bán lẻ điện máy có thể coi là bước đi phù hợp của Thế giới di động, bởi đây là thị trường còn nhiều tiềm năng. So với bán lẻ di động, bán lẻ điện máy có những lợi điểm rõ ràng và không dễ bị thay thế, điều này giúp Điện máy Xanh tạo lập được những ưu thế cạnh tranh bền vững.

Ngoài ra, những doanh nghiệp lớn nhất thị trường điện máy Việt Nam hiện vẫn đang loay hoay chưa tìm ra phương hướng phát triển rõ ràng.

Nguyễn Kim, sau khi về tay Power Buy của Central Group, vẫn chưa mở ra thêm một trung tâm nào mới, và dường như đang có dấu hiệu dịch chuyển sang bán lẻ đa ngành thay vì điện máy nói riêng.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM