Startup Nhật nuôi loài ruồi có thể biến phân động vật thành phân bón và thức ăn cho cá, cứu cánh cho tình trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới
Ruồi do Musca lai tạo có khả năng biến đổi phân của động vật thành phân bón trong vòng 1 tuần so với 3 tuần như ruồi ngoài tự nhiên
Ruồi chính là chìa khóa được Musca, một startup đến từ Nhật Bản sử dụng để giúp giải quyết các vấn đề nông nghiệp cấp bách nhất trên thế giới hiện nay: Thức ăn và chất thải động vật cũng như nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi đang dần cạn kiệt.
Nghe có vẻ xa vời nhưng kế hoạch khai thác loài ruồi để tái chế chất thải và tạo ra phân bón tự nhiên và thức ăn cho cá đã có những bước phát triển trong vài năm trở lại đây, thu hút sự quan tâm của các gã khổng lồ sản xuất đang tìm kiếm nguồn protein thay thế.
Ông lớn trong ngành thức ăn nhanh McDonald’s đang ủng hộ các nghiên cứu sử dụng côn trùng và tảo làm thức ăn cho gà để giảm sự phụ thuộc vào đậu nành và ngăn chặn nạn phá rừng.
Ayano Ryugo, Giám đốc điều hành tạm thời của Musca cho biết: "Chúng tôi sở hữu những con ruồi là kết quả của nuôi chọn lọc 1.100 thế hệ. Công nghệ của Musca dựa trên nghiên cứu mà một người đàn ông Nhật mua lại của Liên Xô. Theo đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu tính khả thi của việc đưa ruồi lên sao Hỏa cùng con người.
Ý tưởng là để trứng ruồi nở và chúng sẽ ăn phân của phi hành gia. Phân của chúng sau đó sẽ được dùng làm phân bón. Nghiên cứu liên quan đến việc nhân giống chọn lọc để tạo ra những con ruồi có khả năng kháng stress và sinh sản cũng như tồn tại nhiều năm trên tàu vũ trụ.
Loài ruồi đặc biệt của Musca.
Kobayashi, người sáng lập một công ty thương mại nhỏ chuyên về công nghệ và sản phẩm khoa học Nga đã phổ biến kiến thức cho quận Miyazaki của Nhật và tiếp tục nhân giống côn trùng với hy vọng chúng có thể được sử dụng để giúp con người đạt được nền nông nghiệp bền vững.
Tham vọng của ông đã được chuyển giao cho một trong những nhân viên của mình, Mitsutaka Kushima, người đã mở công ty riêng năm 2006 và sau đó thành lập Musca năm 2016 bằng tiền đầu tư từ công ty Bases Inc.
Kế hoạch của Musca là xây dựng nhà máy có khả năng xử lý 100 tấn phân động vật và nước tiểu hàng ngày. Mục tiêu xa hơn là tiến ra thị trường toàn cầu với kế hoạch nhượng quyền các nhà máy chế biến hoàn toàn tự động cho những bên quan tâm.
Đến nay, startup này đã huy động được 1,6 triệu USD và đặt mục tiêu gọi vốn thêm hàng chục triệu USD. Theo nghiên cứu thị trường của Allied, quy mô của thị trường xử lý chất thải toàn cầu được định giá 285 tỷ USD năm 2016 và dự kiến sẽ đạt mức 435 tỷ USD vào năm 2023.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Technavio có trụ sở tại London dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi trên toàn thế giới sẽ đạt doanh thu hơn 527 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến thị trường phân bón toàn cầu sẽ đạt hơn 245 tỷ USD vào năm 2020.
Ayano Ryugo cho biết ngay cả ở Nhật Bản, nhu cầu về mảng này cũng rất lớn. Có khoảng 80 triệu tấn chất thải gia súc được xử lý tại Nhật hàng năm và nếu Musca đảm đương tất cả, họ sẽ xây dựng 3.000 nhà máy công suất 100 tấn. Lượng chất thải thực phẩm được xử lý thậm chí còn lớn hơn nhiều, ở mức 360 triệu tấn mỗi năm.
Theo Ryogo, ruồi do Musca lai tạo có khả năng biến đổi phân của động vật thành phân bón trong vòng 1 tuần so với 3 tuần như ruồi ngoài tự nhiên. Trứng ruồi Musca được gieo trong các khay phân gia súc. Trong khoảng 8 giờ hoặc lâu hơn, trứng nở thành ấu trùng trắng không chân và chúng sẽ bắt đầu xử lý chất thải.
Những con giòi làm nhiệm vụ ăn chất thải động vật.
Trong 1 tuần, những con giòi trở nên đông đúc, phân còn sót lại của chúng được thu thập để làm phân bón chất lượng cao trong khi bản thân những con giòi được dùng làm thức ăn dinh dưỡng.
Khoảng 300 gram trứng ruồi có thể nở ra 150 kg giòi và biến 1 tấn phân động vật thành 300 kg phân bón. Ryugo cho biết Musca có thể cung cấp 1 kg giòi với giá 0,94 USD, rẻ hơn so với mức trung bình 1,4 USD cho 1 kg thức ăn cho cá. Hơn nữa, nguồn cung của loại thực phẩm này đang giảm dần dù nhu cầu ngày càng tăng.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Ehime và Đại học Miyazaki chỉ ra rằng cá ăn thức ăn trộn với sản phẩm của Musca có kích thước lớn hơn và khả năng kháng bệnh tốt hơn. Kết quả tương tự cũng được thu thập từ các loại rau trồng bằng phân bón của công ty. Một điều quan trọng không kém là những người xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng bởi mùi hôi của các loại phân bón.
Tiêu thụ và sản xuất thịt toàn cầu đã nhanh chóng tăng lên trong những thập kỷ gần đây và xu hướng này đang gây ra tác động có hại cho môi trường, khí hậu và sức khỏe con người. Worldwatch cho biết phân động vật thải ra khí mêtan và nitơ oxit, 2 khí nhà kính lần lượt mạnh gấp 25 lần và 300 lần so với các-bon dioxit.
Trong khi đó, Ryugo nói rằng công nghệ của Musca sẽ cắt giảm khoảng 99% lượng khí thải nhà kính và ngăn phân động vật làm ô nhiễm nước ngầm.
Sự gia tăng dân số ổn định dự kiến sẽ làm tăng sản lượng lương thực và thức ăn từ các nguồn lực sẵn có, dẫn đến áp lực lớn với môi trường tự nhiên. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Mỹ cho biết khan hiếm có thể xảy ra với đất nông nghiệp, nước, rừng, thủy sản, đa dạng sinh học cũng như các chất dinh dưỡng và năng lượng không thể tái tạo. Chính vì thế, những startup như Musca sẽ góp phần giúp giải quyết tình trạng trên theo cách xanh và hiệu quả.