Startup được "ông chú" rapper Snoop Dogg hậu thuẫn trở thành công ty fintech có giá trị nhất châu Âu, tham vọng đánh bại PayPal ở Mỹ

08/08/2019 16:36 PM | Kinh doanh

Sau khi trở thành công ty fintech (công nghệ tài chính) đắt giá nhất châu Âu, mục tiêu của Klarna là cạnh tranh với ông lớn PayPal tại thị trường Mỹ.

Klarna là startup có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển ra đời với mục đích đơn giản hóa giao dịch thanh toán. Theo đó, khách hàng của Klarna không cần đăng ký mà vẫn có thể đặt lệnh chỉ đơn giản bằng cách nhập email và mã vùng. Khi nhận sản phẩm, người dùng có thể chọn thời điểm thanh toán trong vòng 2 tuần.

Tính năng "Mua ngay, trả tiền sau" của Klarna cho phép người dùng đặt hàng nhưng chỉ thanh toán sau khi nhận và quyết định mua sản phẩm. Chính cách tiếp cận khác biệt so với nhiều đối thủ cùng ngành đã góp phần tạo nên thành công cho công ty.

Bất cứ ai ở châu Âu từng mua hàng trực tuyến tên IKEA hay H&M đều quen thuộc với logo màu hồng của Klara, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hàng đầu của Thụy Điển. Bên cạnh các hệ thống khác như PayPal, thẻ Visa và Mastercard, Klarna đã khẳng định vị thế vững chắc của mình kể từ khi thành lập năm 2005 trong lĩnh vực thương mại điện tử châu Âu.

Startup được ông chú rapper Snoop Dogg hậu thuẫn trở thành công ty fintech có giá trị nhất châu Âu, tham vọng đánh bại PayPal ở Mỹ - Ảnh 1.

Giao diện ứng dụng của Klarna.

Ngày 6/8 vừa qua, Klarna cho biết họ đã huy động thành công 460 triệu USD trong vòng tài trợ mới nhất và nhờ đó nâng mức định giá của công ty lên mức 5,5 tỷ USD.

Khoản vốn mới đến từ tập đoàn đầu tư Dragoneer, Commonwealth Bank of Australia và HMI Capital. Được biết, công ty sẽ sử dụng số tiền này để tập trung phát triển tại Mỹ, thị trường mang lại cho họ khoảng 6 triệu khách hàng mới mỗi năm. Đây cũng là nơi Klarna đang hợp tác với 3.000 doanh nghiệp lớn nhỏ.

Mức định giá mới giúp Klarna "vượt mặt" các doanh nghiệp fintech ở châu Âu đang phát triển nhanh và có giá trị cao như TransferWise và ngân hàng trực tuyến N26. Cả hai đơn vị này đều trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.

Sử dụng công nghệ thông minh, Klarna đang hướng tới việc trở thành một giải pháp thay thế tiện lợi hơn so với thẻ tín dụng. Hơn nữa, đối với các nhà bán lẻ, công ty có thể giúp họ tăng doanh số. Hiện Klarna đang liên kết với 130.000 thương nhân trên toàn cầu và doanh số của công ty đã tăng 36% lên 26 tỷ USD vào năm ngoái. Mỗi ngày, việc sử dụng Klarna trên toàn cầu tạo ra hơn 1 triệu giao dịch mua bán. Ước tính, Klarna đang có 60 triệu người dùng và doanh thu hàng năm gần 1 tỷ USD.

Tính đến thời điểm hiện tại, Klarna đã huy động được hơn 1 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng. Việc kinh doanh của công ty đã thu hút nhiều cá nhân và đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như nhà bán lẻ thời trang H&M, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock và cả rapper nổi tiếng Snoop Dogg.

Startup được ông chú rapper Snoop Dogg hậu thuẫn trở thành công ty fintech có giá trị nhất châu Âu, tham vọng đánh bại PayPal ở Mỹ - Ảnh 2.

Rapper Snoop Dogg và CEO của Klarna, Sebastian Siemiatkowski.

.Đầu năm nay, Snoop Dogg đã trở thành cổ đông của Klarna. Anh thậm chí còn xuất hiện trong một chiến dịch quảng cáo cho startup này, trong đó, Snoop Dogg đổi tên thành "Smooth Dogg", ngụ ý việc thanh toán thông qua Klarna của người dùng sẽ trơn tru và mềm mượt như bộ lông của những chú chó xuất hiện trong quảng cáo.

Startup được ông chú rapper Snoop Dogg hậu thuẫn trở thành công ty fintech có giá trị nhất châu Âu, tham vọng đánh bại PayPal ở Mỹ - Ảnh 3.

Nghệ danh của Snoop Dogg trong chiến dịch quảng cáo của Klarna là Smooth Dog.

Đồng sáng lập và CEO của Klarna, Sebastian Siemiatkowski chia sẻ: "Chúng tôi muốn tạo ra một chiến dịch marketing có tính viral cao. Và chúng tôi nghĩ ngay đến Snoop Dogg. Sau khi 2 bên gặp nhau để bàn chuyện hợp tác, anh ấy tỏ ra rất hứng thú với fintech. Và cuối cùng, Snoop Dogg đã đầu tư vào Klarna".

Trong một tuyên bố mới đây, Sebastian cho biết: "Đây là thời điểm quan trọng trong lịch sử ngân hàng bán lẻ. Hàng nghìn nhân viên Klarna cảm thấy rất vinh dự khi góp phần cải tiến một ngành công nghiệp vì lợi ích của người tiêu dùng trên khắp thế giới".

Duni

Cùng chuyên mục
XEM