Vì sao người Nhật sống lâu?
Thời trẻ thì ăn nhiều đồ thanh nhẹ, về già thì không phải gánh lo âu.
Alexander Imich, người đàn ông thọ nhất thế giới sinh năm 1903 vừa mới yên nghỉ ở tuổi 111 cách đây không lâu tại New York. Danh hiệu tương tự cũng có thể trao cho ông Sakari Momoi, sinh năm 1903, đến từ một đất nước có dân số già: Nhật Bản.
Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên bởi xứ Phù Tang vốn có tuổi thọ cao nhất trong số các nước lớn.
Tại đây, tuổi thọ trung bình của nữ giới là 87, nam giới là 80 (trong khi đó, ở Mỹ là 81 và 76). Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO cho biết, người Nhật có thể sống 75 năm tuổi trong thể trạng khỏe mạnh và không mắc khuyết tật.
Nhật Bản của thời hiện đại phải nói là một nơi vô cùng căng thẳng. Người dân ở những siêu đô thị phải làm việc trong thời gian rất dài. Trong năm 2012, trung bình một người lao động làm việc 1745 tiếng đồng hồ. Ngày nào họ cũng phải đi lại xa xôi và vất vả, một phút đi muộn cuộc họp với sếp tại tàu điện ngầm thôi cũng đủ khiến họ rơi vào căng thẳng. Áp lực công việc vô cùng lớn, và thất bại là điều không thể chấp nhận.
Vậy tại sao người Nhật lại sống thọ đến thế?
Trong nhiều thập kỷ ở Mỹ, làn sóng nghiên cứu ẩm thực Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, kết quả điển hình là những cuốn sách bàn về chế độ ăn Okinawa cùng những nghiên cứu tự cho rằng đã khám phá và giác ngộ được những điều huyền diệu ở phương Đông.
Trong cuốn sách mang tên "Tuổi xuân, vóc dáng phụ nữ Nhật luôn trường tồn: Bí mật từ căn bếp ở Tokyo của mẹ tôi" (Tạm dịch từ: "Japanese Women Don't Get Old or Fat: Secrets of My Mother's Tokyo Kitchen."), tác giả Misao Okawa, người phụ nữ thọ nhất thế giới vừa mới thổi nến sinh nhật lần thứ 116 tại Osaka, khẳng định, những món ăn thanh nhẹ, ít ca-lo như rau, cá chính là yếu tố giúp người Nhật trường thọ và mạnh khỏe.
Bà còn ví von: "Chế độ ăn Nhật Bản giống như "cái iPod" trong ăn uống vậy. Nó đem chứa tất cả những năng lượng thiết yếu nhất của thức ăn vào một phần ăn tuy nhỏ nhưng đầy đủ".
Ngoài ra, đất nước này còn nổi tiếng với bài ăn kiêng Okinawa. Một số bác sĩ chỉ ra rằng bí quyết của việc kéo dài tuổi thọ là thường xuyên ăn những món ít nguy cơ gây ung thư dạ dày hay xơ cứng động mạch, ví dụ như đậu phụ, rong biển, mực và bạch tuộc.
Nhưng ăn uống không phải là đáp án duy nhất, nhất là khi các món ăn Nhật Bản cũng có nhược điểm riêng như là hàm lượng muối cao hoặc chưa được nấu chín. Món sushi quả thật rất hấp dẫn nhưng lại tiềm ẩn trùng H. Pylori gây loét dạ dày.
Yếu tố còn lại là một cuộc sống hạnh phúc, không có căng thẳng của người cao tuổi Nhật Bản. Họ có thể an hưởng tuổi già mà không cần lo lắng về mức hóa đơn y tế nặng nề vì có con cái đỡ đần, cũng chẳng phải sợ việc sức khỏe ngày một hao mòn trong bệnh viện, đổ một đống tiền vào chỉ để tăng thời gian sống chứ chẳng hề nâng cao chất lượng sống.
Truyền thống sống dựa vào con dâu của các cặp vợ chồng già nay đã bớt nặng nề hơn xưa nhờ ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.
Cho dù là vì lý do gì đi chăng nữa, hễ nhắc đến "cuộc sống tuổi già" thì quả thật người Nhật Bản vẫn là nhất.
>> Phong cách làm việc của người Nhật Bản
Thùy An