Saidai-ji Eyo - lễ hội cởi trần lớn nhất Nhật Bản
Cùng tìm hiểu lễ hội truyền thống của người dân đất nước mặt trời mọc trong những ngày đầu năm mới.
Dù đây là lễ hội được tổ chức khắp nơi trên Nhật Bản vào đầu năm mới, nhưng Saidai-ji Eyo đặc sắc hơn cả phải kể đến lễ hội ở chùa Kannon-in, tỉnh Okayama. Được tổ chức vào thứ Bảy của tuần thứ 3 trong tháng Hai hàng năm giữa tiết trời buốt giá của mùa đông, lễ hội này có phần vừa giống sumo, vừa giống một cuộc đánh nhau, lại vừa giống một bữa tiệc náo nhiệt. Nhân vật chính của lễ hội là hàng nghìn người đàn ông chỉ mặc trên người một chiếc khố gắng sức tranh giành nhau để lấy được 2 chiếc gậy gỗ thiêng liêng (shingi) trong khi bị nước lạnh dội lên người tới tấp.
Tuy nghe có vẻ vui nhưng số người bị thương trong lễ hội này cũng không ít. Chỉ có 2 chiếc gậy dài 20cm nhưng có đến khoảng 10.000 người tham gia tranh cướp, không những vậy, mọi người còn tiếp thêm độ "hăng máu" cho mình bằng rượu. Vì vậy, không có gì lạ khi bị thương là điều không thể tránh khỏi. Vả lại, nếu tham gia lễ hội này mà bạn không uống một ngụm rượu nào thì cũng không đúng theo phong tục. Do nhiệt độ trung bình thấp nhất của tháng Hai tại nơi này là khoảng 1 độ C, nếu không uống rượu, có lẽ bạn sẽ không thể chịu nổi cái lạnh buốt của làn nước mùa đông.
Saidai-ji Eyo bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XVI trong các lễ hội mừng năm mới, khi mọi người tranh nhau giành lấy lá bùa giấy mà các nhà sư ném vào đám đông. Những lá bùa này tượng trưng cho những năm tháng tu luyện khổ hạnh của các nhà sư. Mọi người thường đồn rằng hễ ai có được lá bùa thì may mắn sẽ đến với người đó. Tuy nhiên, do lá bùa làm bằng giấy nên rất dễ bị rách, vì vậy, chúng đã được thay thế bằng 2 khúc gỗ như ngày nay.
Lễ hội được bắt đầu vào 6h chiều khi các bé trai học tiểu học tranh nhau bánh gạo ngọt và một vật hình trụ. Nhưng phải đến nửa đêm, khi tất cả đèn được tắt hết thì khúc gỗ may mắn mới được ném vào đám đông. Để tìm ra chúng không phải dễ vì có rất nhiều những cây gậy được ném xuống cùng lúc và chỉ có 2 trong số đó mới là chiếc gậy may mắn. Sau khi một người đã giành được chiến thắng, để tuyên bố điều này và đánh dấu một năm mới hạnh phúc, may mắn, 2 chiếc gậy phải được để lại tại cổng chùa.
Nếu có dịp đến đây và tham dự lễ hội này (chỉ nam giới mới được và có thể tham gia), bạn hãy chuẩn bị cho mình quần áo thật ấm và tìm một chỗ an toàn để quan sát. Nếu không đến đúng ngày hội, Okayama vẫn là nơi đáng để bạn đến thăm vì ở đây còn có vườn Koraku-en, một trong ba khu vườn đẹp nhất Nhật Bản.
Theo Ngọc Minh
Theo Depplus
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!