Hạnh phúc không có nghĩa là sống lâu
Các nhà khoa học kết luận: “Hạnh phúc và các thước đo liên quan khác không có tác động trực tiếp nào đến tỷ lệ tử vong”.
Theo nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí The Lancet, quan điểm “hạnh phúc giúp tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ” là vô căn cứ. Nghiên cứu được tiến hành trên một triệu phụ nữ trung niên Anh, kéo dài trong 10 năm.
Các nhà khoa học kết luận: “Hạnh phúc và các thước đo liên quan khác không có tác động trực tiếp nào đến tỷ lệ tử vong”.
Giáo sư Đại học Oxford khoa Thống kê y tế và Dịch tễ, Richard Peto, tác giả cuộc nghiên cứu, cho biết, có thể hiểu đây là “Tin tốt cho những kẻ hay cau có”.
Ông cùng các đồng nghiệp quyết định tìm hiểu đề tài này vì có nhiều người tin rằng, tình trạng stress và buồn phiền sẽ dẫn đến bệnh tật. Quan điểm đó có thể tạo ra khuynh hướng đổ lỗi cho sự buồn phiền khi ốm đau, cảnh báo mọi người phải vui vẻ lên.
“Tin vào những thứ sai sự thật không phải là điều tốt. Đã có quá đủ những câu chuyện đáng sợ về sức khỏe rồi”, giáo sư Peto phát biểu.
Nghiên cứu mới chỉ ra, những công trình trước đây đã lẫn lộn nguyên nhân và ảnh hưởng khi cho rằng nỗi buồn khiến người ta ốm, nhưng đáng ra phải ngược lại.
Các kết quả được tổng hợp từ cuộc nghiên cứu sức khỏe quy mô lớn Million Women Study, tiến hành trên 1,3 triệu phụ nữ Anh trong độ tuổi 50 – 69, từ năm 1996 – 2001. Các nhà khoa học theo dõi bộ câu hỏi cung cấp cho những người tham gia và xem các ghi chép chính thức về tỷ lệ tử vong cũng như số lần nhập viện.
Bộ câu hỏi thăm dò xem mức độ thường xuyên những phụ nữ này thấy hạnh phúc, thư giãn hay stress là bao nhiêu, hướng dẫn họ đánh giá sức khỏe và liệt kê bệnh của mình, chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường, hen suyễn, viêm khớp, lo lắng hoặc trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu đưa vào những câu hỏi về hạnh phúc, vì theo giáo sư Peto, điều đó được rất nhiều người quan tâm.
Sau khi phân tích và thống kê câu trả lời, nhóm nhà khoa học nhận thấy, sự phiền muộn và stress không liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, hiện chưa rõ kết quả này có đúng với nam giới hay không.
Giáo sư Peto cho biết, những dữ liệu đặc biệt quan trọng được lấy từ bản khảo sát của 500.000 phụ nữ nói rằng họ ở trong tình trạng sức khỏe tốt, không có tiền sử bệnh tim, ung thư, đột quỵ hay tràn khí.
Chỉ một số rất nhỏ những phụ nữ khỏe mạnh này nói mình bị stress hoặc buồn phiền, nhưng 10 năm tới, nguy cơ tử vong của họ cũng không cao hơn những người thường xuyên hạnh phúc.
“Kết quả này bác bỏ quan điểm cho rằng nỗi buồn và sự căng thẳng ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ mà nhiều người tin tưởng”, giáo sư Peto nhận định.
Ông cũng cảnh báo, sự buồn phiền có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhưng sẽ gây hại theo những cách khác, ví dụ như khiến mọi người tự tử, uống rượu hoặc thực hiện các hành vi nguy hiểm.
Kiểu nghiên cứu này phụ thuộc vào sự tự đánh giá của người tham gia, nên bị coi là không đáng tin bằng thử nghiệm thiết kế nghiêm ngặt, đối tượng được lựa chọn ngẫu nhiên và giao cho một nhóm kiểm soát. Nhưng lượng người tham gia đông đảo lại tạo nên sức mạnh cho cuộc nghiên cứu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý, đo lường cảm xúc phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ nói miệng là mình vui vẻ hay buồn bã.
“Tôi muốn biết thêm nhiều ý kiến về cách mọi người chuyển những cảm xúc phức tạp này thành bản tự báo cáo mức độ hạnh phúc”, Baruch Fischhoff, nhà tâm lý học đến từ Đại học Carnegie Mellon chia sẻ, “Nghĩ về tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống và nói với tôi, bạn hạnh phúc như thế nào”.
Theo tiến sĩ Fischhoff, kết quả từ những nghiên cứu trước đã lẫn lộn, một số cho thấy nỗi buồn dẫn đến bệnh tật, trong khi số khác lại chỉ ra giữa chúng chẳng có liên hệ gì.
Ông nói: “Tôi thấy hình như mọi người đã thu thập rất nhiều dữ liệu mà không tìm được dấu hiệu rõ ràng nào. Vì thế, nếu có sự liên hệ giữa nỗi buồn và tuổi thọ, hẳn nó cũng không quá lớn”.
Một bài xã luận đăng trên tạp chí The Lancet lưu ý, nghiên cứu này có “lượng người tham gia lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực sức khỏe”, và ca tụng phương pháp thống kê mà các nhà nghiên cứu áp dụng. Nhưng bài viết cũng cho biết, vấn đề này còn cần nghiên cứu sâu hơn.
Giáo sư Peto không chắc phát hiện mới sẽ thay đổi được nhiều, vì quan điểm nỗi buồn gây ra bệnh tật đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người. “Mọi người sẽ vẫn tin rằng stress gây ra đau tim”, ông nói.