Tiền có thực sự mua được hạnh phúc?

03/11/2015 08:58 AM |

Một nghiên cứu mới được công bố chỉ ra rằng tiền có thể mua được hạnh phúc - nhưng những người khác phải trả giá cho điều này.

“Khi bạn mở cửa sẽ có cả ruồi bay vào cùng với bầu không khí trong lành”, đó là cách ví von của cựu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông nói về hai mặt của việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc.

Hầu hết mọi người sẽ nhìn thấy tăng trưởng kinh tế và thu nhập cũng tăng lên như mong muốn, nhưng họ cũng phải chấp nhận một số sự thật có phần phũ phàng. Gia đình bị xé nhỏ vì người trẻ tuổi sẽ chuyển tới thành phố sinh sống. Việc làm cũng bị mất đi nếu thị trường lao động mở cửa hoàn toàn. Chênh lệch giàu nghèo tăng lên có thể làm buồn lòng cả những người đang giàu lên. Sự hài lòng của người dân Trung Quốc đã suy giảm khi nền kinh tế bắt đầu bùng nổ nhờ cải cách của ông Đặng và chỉ tăng trở lại khi nền kinh tế tăng tốc.

Năm 1974, giáo sư Richard Easterlin đến từ ĐH Nam California đã công bố một báo cáo gây tiếng vang lớn. Trong báo cáo này ông cho rằng thu nhập tăng lên không hề khiến người ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Kể từ đó đến nay, các nhà kinh tế học vẫn say mê tranh luận con người có hạnh phúc hơn khi thu nhập của họ tăng lên.

Easterlin vẫn tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này và đến nay nghiên cứu mà Richard Easterlin cùng các đồng nghiệp của ông ở ĐH Nam California công bố năm 2012 vẫn được cho là công trình kỳ công nhất nghiên cứu về mối liên hệ giữa thu nhập và mức độ hài lòng với cuộc sống.

Tuy vậy, dù tổng hợp các số liệu ở nhiều nước khác nhau trong nhiều thời kỳ khác nhau, nghiên cứu này vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi liệu tiền có dẫn đến hạnh phúc hay hạnh phúc có giúp người ta có nhiều tiền hơn hay không.

Andrew Oswald, Eugenio Proto và Daniel Sgroi đến từ ĐH Warwick cho là hạnh phúc sẽ đem đến tiền bạc. Tâm trạng buồn phiền sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và cuối cùng sẽ làm giảm thu nhập. Thêm vào đó, thu nhập cao và tâm trạng hạnh phúc có thể có cùng một nguyên nhân. Những người có nhiều bạn bè sẽ có cả hai thứ: hài lòng hơn với cuộc sống và tìm được những công việc lương cao.

Có một cách để trả lời những câu hỏi về quan hệ nhân quả giữa tiền và hạnh phúc: tìm kiếm bằng chứng từ những trường hợp ngẫu nhiên. Xổ số sẽ phân phối thu nhập một cách ngẫu nhiên và do đó có thể được sử dụng làm mẫu nghiên cứu. Tuy nhiên, ở hầu hết các nước, chỉ có một bộ phận nhỏ mua vé số chứ không phải ai cũng mua. Hành vi của những người này không phổ biến, do đó sẽ khiến kết quả bị sai lệch.

Trung tâm nghiên cứu kinh tế học hành vi Busara ở Nairobi (Kenya) đã tiến hành thử nghiệm với những người tham dự đến từ các khu ổ chuột và vùng nông thôn. 503 hộ gia đình đến từ 120 ngôi làng đã được chọn ngẫu nhiên để nhận các khoản tiền mặt có giá trị trung bình là 357 USD – đủ để khiến một dân làng bình thường giàu gấp đôi. Khoản cao nhất lên tới 1.525 USD.

Các nhà nghiên cứu đo lường mức độ hạnh phúc của những người tham gia khảo sát trước và sau khi họ nhận được số tiền. Có rất nhiều phương pháp được sử dụng như bảng câu hỏi về mức độ hài lòng với cuộc sống hay kiểm tra nước bọt để phát hiện cortisol (một loại hormone có liên quan đến tâm lý căng thẳng).

Vì không phải tất cả dân làng đều nhận được tiền, thử nghiệm này không thể kiếm tra điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả mọi người đều giàu lên như nhau. Tuy nhiên, tác động của tăng trưởng kinh tế cũng giống như vậy vì rõ ràng không phải ai cũng được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.

Đúng như dự đoán, những người nhận được tiền sẽ cảm thấy hài lòng hơn. Lượng cortisol và tâm trạng buồn bã cũng giảm xuống. Mức độ hài lòng với cuộc sống của những người không nhận được bất kỳ thứ gì giảm xuống nhanh chóng sau khi tài sản của những người hàng xóm tăng lên. Mức giảm khi nhìn thấy người khác nhận được 100 USD lớn hơn mức tăng khi chính họ nhận được số tiền tương tự. Số tiền càng lớn thì những người không nhận được càng không hài lòng.

Sự thay đổi trong tâm trạng sẽ giảm xuống khi người ta đã quen với sự thay đổi. Sau khoảng 1 năm, mức độ hạnh phúc của cả người nhận được tiền và không nhận được đều trở về mốc ban đầu. Hiện tượng này được các nhà nghiên cứu kinh tế gọi là “sự thích nghi hưởng thụ”.

Bên cạnh đó, điều khiến những người không may mắn cảm thấy phiền lòng không phải là do sự bất công hay mức độ giàu có của họ giảm xuống so với mức trung bình. Những người tham gia thử nghiệm không bị tác động bởi sự thay đổi trong hệ số Gini (đo lường mức độ chênh lệch giàu nghèo). Ví dụ, nếu trong ngôi làng có một người giàu lên và người khác nghèo đi, chênh lệch giàu nghèo tăng lên nhưng thu nhập trung bình của cả làng không thay đổi.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Ada Ferrer-i-Carbonell dựa trên các số liệu về mức độ hài lòng với cuộc sống của người dân Đức có thể giúp giải thích điều này. Bà đưa ra kết luận rằng mọi người có xu hướng thiên lệch khi so sánh bản thân với người khác. Khi người khác giàu lên, chúng ta dễ dàng phản ứng một cách tiêu cực. Tuy nhiên, khi tình hình tài chính của bản thân cải thiện, chúng ta lại chuyển sang ghen tị với những người giàu có hơn nữa. Nói cách khác, chúng ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM