Giáo sư Harvard lý giải vì sao bộ não chúng ta luôn 'yêu thích' sự... trì hoãn

25/11/2015 08:31 AM | Sống

Chúng ta có khuynh hướng quan tâm nhiều tới hiện tại thay vì tương lai. Con người luôn muốn hưởng thụ những lợi ích ngay tức thì, đặc biệt là nếu chi phí của sự lựa chọn không rõ ràng trong tương lai.

Khoảng năm 2006, 2 giáo sư Harvard bắt đầu nghiên cứu lý do tại sao con người thường chần chừ và lười ra quyết định? Tại sao con người lại luôn tránh làm những thứ mình biết là nên làm, ngay cả khi nó rõ ràng tốt cho chúng ta?

Để trả lời câu hỏi này, 2 giáo sư trường Harvard là Todd Rogers và Max Bazerman đã thực hiện một nghiên cứu. Theo đó, những người tham gia sẽ được hỏi liệu họ có đồng ý tham gia vào kế hoạch tiết kiệm bằng cách tự động trừ 2% tài khoản của họ mỗi tháng và chuyển sang một tài khoản tiết kiệm hay không?

Đa phần những người tham gia đều nói rằng tiết kiệm tiền là một ý tưởng tốt nhưng thói quen lại khiến họ đưa ra phản ứng ngược lại:

- Trong phiên bản câu hỏi đầu tiên, các nhà nghiên cứu yêu cầu mọi người tham gia vào kế hoạch tiết kiệm sớm nhất có thể. Trong trường hợp này, chỉ 30% số người nói đồng ý tham gia.

- Trong một phiên bản khác, mọi người được yêu cầu đồng ý tham gia vào kế hoạch tiết kiệm vào một khoảng thời gian nào đó trong tương lai (khoảng 1 năm nữa). Trong trường hợp này, có tới 77% số người được hỏi nói họ sẽ tham gia ngay vào kế hoạch.

Vậy tại sao lại có phản ứng khác nhau nhiều tới vậy? Hóa ra, kết quả khảo sát này có thể lý giải phần nào nguyên nhân con người luôn chần chừ ra quyết định ngay cả khi biết đó là việc nên làm.

Bạn của Hiện tại và Bạn của Tương lai

Chúng ta có khuynh hướng quan tâm nhiều tới hiện tại thay vì tương lai. Con người luôn muốn hưởng thụ những lợi ích ngay tức thì, đặc biệt là nếu chi phí của sự lựa chọn không rõ ràng trong tương lai.

Ví dụ:

- Kết quả của việc ăn một chiếc bánh ngọt: Ngay lập tức, bạn sẽ được thưởng thức vị đường ngọt ngào. Tuy nhiên, hậu quả của việc ngừng tập thể dục sẽ không hiện hữu ngay cho tới vài tháng sau đó.

- Kết quả của việc tiêu tiền ngày hôm nay, có thể là 1 chiếc iPhone mới. Tuy nhiên, hậu quả của việc chi tiêu quá đà sẽ không thể thấy luôn cho tới khi bạn già.

Tuy nhiên, khi cân nhắc những vấn đề này trong tương lai, lựa chọn của con người thường sẽ thay đổi. Trong 1 năm, liệu bạn thích béo và ăn bánh ngọt thoải mái hay khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên? Trong dài hạn, lựa chọn thường dễ dàng, nhưng khi phải đưa ra quyết định ngay tức thì, chúng ta lại có xu hướng đánh giá quá cao của những lợi ích ngắn hạn.

Các chuyên gia kinh tế liên hệ vấn đề này tới khái niệm “mâu thuẫn thời gian”. Bởi khi con người nghĩ về tương lai, chúng ta muốn những lựa chọn có thể tạo ra lợi ích dài hạn. Tuy nhiên, khi nghĩ về hiện tại, chúng ta lại muốn những lựa chọn có thể tạo ra lợi ích ngắn hạn.

Tác giả James Clear gọi đây là vấn đề “Bạn của hiện tại và Bạn của tương lai”. Bạn của tương lai biết mình nên làm những việc này bởi nó có thể mang lại lợi ích cao hơn trong dài hạn nhưng Bạn của hiện tại lại có xu hướng đánh giá quá cao những thứ tạo ra lợi ích ngay tức thì.

Vậy chúng ta phải làm gì? Bạn có 3 lựa chọn ưu tiên như sau:

Khiến những lợi ích trong dài hạn hiện hữu tức thì.

Lý do chúng ta chần chừ là bởi bộ não muốn đạt được những lợi ích ngay tức thì. Nếu bạn có thể tìm ra cách khiến lợi ích của những lựa chọn dài hạn hiện hữu ngay lập tức thì chắc chắn bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc ra quyết định.

Một cách hiệu quả để làm được việc này là tự tưởng tượng ra lợi ích trong tương lai có thể mang lại. Hãy thử hình dung tương lai của bạn sẽ như thế nào nếu giảm cân hay nghĩ đến việc tại sao tiết kiệm bây giờ lại quan trọng với tương lai. Nói chung, hãy để những lợi ích trong tương lai hiện hữu về ngay trong hiện tại, dù chỉ là trong trí tưởng tượng.

Khiến chi phí của sự trì hoãn hiện hữu ngay lập tức.

Có rất nhiều cách để buộc bạn phải chứng kiến và trả giá sớm cho việc trì hoãn. Ví dụ, nếu tập thể dục 1 mình, việc nghỉ tập vào tuần tới sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống của bạn cả. Sức khỏe cũng sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức.

Chi phí của sự trì hoãn luyện tập chỉ hiện hữu sau vài tuần hay vài tháng lười biếng. Tuy nhiên, nếu có lịch hẹn tập với một người bạn vào 7h thứ 2 tới, rõ ràng bạn sẽ ngay lập tức thấy hậu quả của việc bỏ tập.

Loại bỏ những tác động gây nên sự trì hoãn trong môi trường của bạn.

Cách tốt nhất để thay đổi thói quen là thay đổi môi trường. Trong một tình huống thông thường, bạn có thể chọn ăn bánh thay vì rau. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu không có bánh ở đó? Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để đưa ra lựa chọn chính xác nếu xung quanh có những lựa chọn tốt hơn.

Hãy loại bỏ những thứ khiến bạn xao lãng trong môi trường thông thường và tạo không gian cho những lựa chọn tốt hơn.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM