Sinh sống nhiều năm ở Nhật Bản, tôi nhận ra 5 bài học cực đơn giản mà người dân nước này áp dụng để tạo nên sự khác biệt và thành công

13/02/2019 10:17 AM | Sống

Không cần phải làm những điều to tát, chỉ cần chú ý hơn tới các chi tiết nhỏ, tắm để có giấc ngủ ngon hơn hay thường xuyên dọn dẹp nơi làm việc là bạn đã có thể tăng đáng kể năng suất làm việc của mình và đạt được kết quả tốt hơn trong công việc, cũng như cuộc sống.

24 năm qua, tôi thật may mắn và hạnh phúc khi gọi Nhật Bản là ngôi nhà của mình. Điều mà tôi đã học được qua ngần ấy năm là những thứ khác biệt ở nơi đây. Tôi đã làm việc với các ủy viên ban quản trị của những tập đoàn đa quốc gia như Panasonic, Komatsu, Takeda và nhận ra rằng phương pháp kinh doanh của họ có thể là điều phi trực quan với những người chưa bao giờ đến Nhật Bản.

Nói tới năng suất, hẳn nhiều người đã quen thuộc với những kỹ thuật như phương pháp Pomodoro (quản trị thời gian để nâng cao tối đa sự tập trung trong công việc) hay định luật Parkinson và những cuốn sách như "Getting Things Done" của David Allen. Thế nhưng, Nhật Bản lại dạy tôi xem xét và đánh giá điều này ở một mức độ sâu hơn.

Dưới đây chính là 5 cách tuyệt vời để tăng năng suất mà tôi đã học được sau một thời gian dài sống và làm việc với những con người ở đất nước này. Những điều đã học được ấy thực sự đã giúp thay đổi hoàn toàn cách tôi sống và điều hành công việc kinh doanh của mình.

1. Hiểu về "Kaizen"

"Kaizen" trong tiếng Nhật có nghĩa là "Sự cải tiến không ngừng", và cũng chính là lý do giúp các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản thống trị ngành công nghiệp trong nhiều năm qua.

"Kaizen" là hiệu ứng gộp trong hành động. Cải thiện 1% có thể không đáng kể nhưng theo thời gian sự thay đổi sẽ diễn ra vô cùng mạnh mẽ và sâu sắc. Triết lý này thấm nhuần và lan tỏa tới mọi tầng lớp nhân dân ở đây.

Jiro Ono, đầu bếp làm sushi bậc thầy chia sẻ: "Tôi làm đi làm lại cùng một việc, cải thiện từng chút một. Luôn luôn khao khát để có thể đạt được nhiều hơn nữa. Tôi sẽ tiếp tục trèo, cố gắng đạt tới đỉnh cao, nhưng không ai biết được đỉnh cao ấy nằm ở đâu".

2. Học được việc chú ý tới từng chi tiết

Khi đi du lịch vòng quanh xứ sở hoa anh đào, thật khó để bạn có thể làm ngơ trước mức độ quan tâm tới những chi tiết nhỏ của người Nhật. Bao bì tinh tế, sự gọn gàng, có tổ chức, thực phẩm, tất cả đều ở một cấp độ khác biệt.

 Sinh sống nhiều năm ở Nhật Bản, tôi nhận ra 5 bài học cực đơn giản mà người dân nước này áp dụng để tạo nên sự khác biệt và thành công  - Ảnh 1.

"Quan tâm" là cụm từ hay nhất mà tôi có thể sử dụng để miêu tả điều này. Người Nhật quan tâm tới những điều rất nhỏ bé. Tất cả các công việc làm thêm có thể lãng phí thời gian nhưng lợi ích mà nó mang lại lớn hơn cả số tiền được trả cho công việc đó theo thời gian. "Việc đó không quan trọng" không phải là thái độ của người Nhật đối với công việc kinh doanh của họ bởi với họ, mọi thứ đều quan trọng và đều cần lưu tâm.

3. Coi đồ ăn là nguồn cung cấp năng lượng

Những vị khách tới thăm các gia đình người Nhật thường luôn ngạc nhiên khi phát hiện rằng có 5 hoặc 6 món ăn trên bàn vào bữa tối. Trong số đó có súp Miso và cơm, tiếp đó là 2 hoặc 3 loại rau khác nhau được đặt ở bên cạnh rồi thêm cá và thịt. Mặc dù có nhiều món ăn khác nhau như vậy nhưng bạn lại hiếm khi cảm thấy đầy bụng khi rời khỏi bàn ăn.

Người Nhật có một câu ngạn ngữ: "Người mà chỉ bị đầy bụng 80% sẽ không cần tới bác sĩ". Câu nói này đã thể hiện rõ môt quan điểm rằng chúng ta ăn để thấy hài lòng và thỏa mãn, không phải ăn để no. Thêm vào đó, bằng cách hạn chế lượng Calo lấy vào như vậy, chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ của bản thân.

Cá nhân tôi thấy rằng chế độ ăn uống của người Nhật đã ảnh hưởng sâu sắc tới sức khỏe của tôi. Tôi dường như không bao giờ bị cảm nữa, đồng thời còn có nhiều năng lượng hơn so với những năm tuổi 20.

4. Tắm để cải thiện giấc ngủ của mình

Chúng ta không nên bỏ qua yếu tố sức khỏe khi nói tới vấn đề năng suất. Cố vấn của tôi, Jim Rohn từng nói: "Một số người không hoàn thành tốt công việc bởi họ cảm thấy không khỏe".

Viện nghiên cứu rối loạn thần kinh và đột quỵ quốc gia cũng cho hay: "Nghiên cứu chỉ ra rằng việc thiếu ngủ kinh niên hoặc có những giấc ngủ kém chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn trong cơ thể như huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường, trầm cảm và béo phì".

Giống như nhiều người Mỹ, tôi thường đi tắm trước khi làm việc nhưng ở Nhật, gần như tất cả mọi người đều tắm trước khi đi ngủ. Tôi đã từng không thích việc này nhưng sau đó lại nhận ra nó thật hữu ích.

 Sinh sống nhiều năm ở Nhật Bản, tôi nhận ra 5 bài học cực đơn giản mà người dân nước này áp dụng để tạo nên sự khác biệt và thành công  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tôi dành 5 phút trong bồn tắm để giúp bản thân tỉnh táo và việc này đã trở thành một thói quen hàng ngày. Tôi tắm qua rồi sau đó sẽ ngâm mình trong bồn tắm ở một nhiệt độ đã được đặt sẵn tối thiểu 15 phút. Nhờ đó, căng thẳng, áp lực trong cuộc sống và công việc đều tan biến.

Thư giãn trong bồn tắm ấm áp là một cách tuyệt vời để kết thúc một ngày. Sau khi thực hiện việc này, tôi có được những giấc ngủ bình yên và trọn vẹn hơn.

5. Việc dọn dẹp không chỉ dành cho Marie Kondo

Ở Tokyo và Osaka, không có gì lạ khi mọi người sở hữu những căn hộ khoảng 20 mét vuông hoặc nhỏ hơn. Chính vì không gian nhỏ, có giới hạn như vậy nên mọi người cần phải suy nghĩ kỹ càng hơn khi mua đồ.

Gần đây, Marie Kondo trở thành một hiện tượng văn hóa với cuốn sách bán chạy nhất của mình "The Life-Changing Magic of Tidying Up" (Phép thuật thay đổi cuộc sống của việc dọn dẹp). Tuy nhiên, điều này không chỉ áp dụng ở mức độ cá nhân bởi các công ty cũng nổi tiếng với việc giữ nhiều đồ không cần thiết. Tài liệu đào tạo đã lỗi thời, cũng như các dữ liệu về khách hàng từ nhiều năm trước chất đống ở nhiều văn phòng.

Áp dụng triết lý của Kondo, một số khách hàng của tôi đã vứt bỏ hoặc số hóa tài liệu để mở rộng không gian làm việc. Mở rộng không gian chính là mang lại sự tự do, và sẽ giúp tăng đáng kể năng suất công việc một khi được thực hiện thường xuyên và đúng cách.

*Bài viết được thực hiện bởi tác giả Adrian Shepherd - một nhà tư vấn về năng suất người Anh đã sống và làm việc tại Nhật Bản trong 24 năm qua.

Theo Đinh Kim

Cùng chuyên mục
XEM