Sếp nữ xinh đẹp của Google: Làm quản lí là phải "gánh team", giỏi tất cả mọi thứ? Sao khổ thế, hãy tin tưởng nhân viên và giao quyền cho họ

17/04/2017 13:39 PM | Doanh nghiệp công nghệ

Bà Amber Yust - một quản lý kỹ thuật bảo mật tại Google sẽ giải thích cho bạn, làm thế nào để sếp không chỉ là một người giơ đầu chịu báng cho các thành viên trong nhóm của mình.

9 tháng trước, bà Amber Yust trở thành quản lý của một nhóm các kỹ sư bảo mật tại Google. Kể từ đó bà đã học được rất nhiều điều cần thiết để là một nhà quản lý. Dưới đây là những bài học lớn nhất mà sếp nữ này trực tiếp trải nghiệm.

Bạn không cần phải biết mọi thứ

Trước khi trở thành quản lý, tôi thấy khá tự tin vì biết rằng mình không nhất thiết phải biết mọi thứ. Tôi có lĩnh vực tập trung của riêng mình và có thể dựa vào người khác để giải quyết những vấn đề nằm ngoài chuyên môn. Nhưng khi trở thành quản lý, tôi bắt đầu lung lay. Liệu các báo cáo có kỳ vọng tôi phải biết mọi thứ hay không?

Rất may câu trả lời vẫn là không. Tôi bắt đầu có cái nhìn rộng hơn về những gì đang diễn ra trong tổ chức kỹ thuật của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi cần phải biết mọi thứ. Thay vào đó tôi tập trung vào việc hiểu được những người biết về những thứ khác.

Các thành viên trong nhóm biết rằng họ có thể đặt ra các câu hỏi với tôi, và tôi sẽ tìm cho họ câu trả lời hoặc chỉ cho họ người biết câu trả lời.

Đừng bao giờ ngại ngần khi phải dựa vào người khác

Là một thành viên trong nhóm thường có nghĩa là làm những việc cũ với quy mô tăng dần. Nhưng làm quản lý thì không phải như vậy. Dù ít dù nhiều bạn cũng như bị ném vào vũng nước sâu. Ngay lập tức, có rất nhiều thứ mới mẻ mà bạn chưa từng phải làm bao giờ. Nhưng tôi thấy các quản lý khác rất nhiệt tình giúp đỡ, miễn là tôi chịu ngỏ lời.

Là một phụ nữ trong một ngành do nam giới thống trị quả thực không dễ. Để đối phó với tình trạng ấy, tôi luôn phải tự nói với mình "hãy cứng rắn cho đến khi tới đích". Khi mới là quản lý, tôi không sẵn sàng áp dụng chiến lược đó. Nhưng mong muốn làm mọi việc thật tốt đã thúc đẩy tôi yêu cầu sự trợ giúp từ người khác. Và tôi rất mừng là mình đã làm vậy.

Lắng nghe nhiều hơn

Sau khi trở thành một nhân viên quản lý, bạn có thể trông chờ người khác phải lắng nghe mình nhiều hơn. Nhưng kinh nghiệm của tôi là kết quả tốt nhất thường xuất hiện khi làm ngược lại: dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe người khác. Và ngược lại, tôi cố gắng đưa ra những phản hồi và lời khuyên thật súc tích và ngắn gọn nhất có thể cho các thành viên trong nhóm.

Một điều nữa tôi học được từ các buổi tập huấn cho nhân viên quản lý là giúp người đưa ra câu hỏi tự tìm ra câu trả lời cho mình. Điều đó đòi hỏi bạn phải lắng nghe thật nhiều và nói thật ít. Tôi đã giỏi hơn trong việc kiềm chế bản thân khuyên họ phải làm gì, và điều đó về lâu về dài đã mang lại rất nhiều lợi ích khi giúp được người khác tự mài giũa tư duy và trở nên hiệu quả hơn.

Đừng chỉ là người đứng mũi chịu sào

Những quản lý giỏi nhất mà tôi làm việc cùng rất cừ trong việc bảo vệ tôi khỏi những điều phiền nhiễu gây mất tập trung. Nhưng điều thực sự khiến họ trở nên xuất sắc là họ không chỉ tạo ra một bức tường đá. Họ cố gắng đưa tôi vào những phần quan trọng của dự án mà chúng tôi đang làm cùng nhau, trong khi vẫn cố gắng loại bỏ những yếu tố cản trở.

Khi là quản lý, tôi cũng cố gắng làm điều tương tự. Lắng nghe các thành viên trong nhóm giúp tôi biết được họ muốn và không muốn tham gia vào những hoạt động nào. Nhờ thế tôi có thể bảo vệ họ mà không khiến họ cảm thấy bị cô lập.

Tìm kiếm những cách thú vị để giúp đỡ người khác, thậm chí trước khi họ mở lời

Thay vì chờ các thành viên trong đội đưa ra đòi hỏi, tôi cố gắng đoán xem họ muốn gì. Những nhu cầu này không nhất thiết phải liên quan đến công việc, đó cũng có thể là sự hỗ trợ tinh thần hay các vấn đề về cuộc sống.

Thậm chí những cử chỉ nhỏ nhặt, như hỏi các thành viên có yêu cầu gì về chế độ ăn trước khi tổ chức ăn trưa chung với nhau, cũng có thể tạo ra sự thoải mái về tâm lý cho họ.

Chính bản thân tôi nhận thấy rằng điều quan trọng là các quản lý mới cần phải liên tục học hỏi và trưởng thành. Khi bạn lãnh đạo một nhóm người, bạn chính là bộ máy thúc đẩy cả đội. Nếu bạn có thể làm cho bản thân mình tốt lên dù ở khía cạnh nào thì lợi ích tổng thể cho cả đội cũng sẽ tăng lên. Trách nhiệm đó có thể hơi đáng sợ một chút, nhưng được thấy cả đội thành công là một cảm giác rất viên mãn.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM