Sếp Coca-Cola bóp nát chai nhựa, thể hiện nỗ lực bảo vệ môi trường Việt Nam

24/01/2018 17:01 PM | Kinh doanh

Giám đốc Chuỗi cung ứng toàn cầu Coca-Cola Việt Nam vừa bóp chai nước vừa khẳng định một chai nhựa của Coca-Cola trông thì cứng cáp, nhưng khi bóp lại sẽ thấy chai đó thực ra cực kỳ mỏng. Nguyên liệu nhựa đã được giảm thiểu tối đa trong quá trình sản xuất của Coca-Cola.

"Chai nước Dasani loại 500ml do Coca-Cola sản xuất khi mới vào Việt Nam có trọng lượng 14,5g, nay chỉ còn 12,15g", ông Đặng Duy Tùng – Giám đốc Chuỗi cung ứng toàn cầu Coca-Cola Việt Nam – chia sẻ về biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường của đơn vị này.

Nhãn hàng Dasani mới được hãng này đưa vào Việt Nam khoảng 5 năm. Việc giảm khoảng 16% nguyên liệu nhựa trong quá trình sản xuất chai Dasani được áp dụng với tất cả sản phẩm khác của Coca-Cola như các loại nước giải khát, nước trái cây…

"Và để chứng minh cho việc này, tôi sẽ cho các bạn thấy một cái chai nhìn rất cứng cáp, nhưng khi tôi bóp lại thì nó rất mỏng, cực kỳ mỏng", ông Tùng vừa nói vừa bóp chai nhựa Dasani trước mặt.

Các bao bì khác ngoài nhựa như lon hay chai thủy tinh đều là những sản phẩm tái chế được. Thậm chí, chai thủy là chai mà Coca-Cola có thể đưa về nhà máy, làm sạch và sử dụng lại.

"Những biện pháp đó giúp giảm thiểu môi trường tối đa có thể", ông Tùng chia sẻ.

Sếp Coca-Cola bóp nát chai nhựa Dasani, khẳng định nguyên liệu nhựa dùng sản xuất chai này đã giảm từ 14,5g xuống còn 12,15g.

Coca-Cola cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ thu gom và tái chế tất cả chai nhựa Coca-Cola đã bán ra thị trường đến năm 2030.

Động thái này là một phần trong các hoạt động triển khai sáng kiến "Zero Waste to Nature" (tạm dịch: Không xả thải vào thiên nhiên) mới được ký kết giữa Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với 3 công ty FDI gồm Công ty TNHH Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam.

Sáng kiến "Không xả thải vào thiên nhiên" hướng đến 4 mục tiêu: Giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; Xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; Phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như Kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ngành được VBCSD nhắm tới đầu tiên là ngành nhựa, hướng tới mục tiêu hình thành thị trường nguyên liệu nhựa thứ cấp, sao cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể trao đổi, kinh doanh nguyên vật liệu thứ cấp, tạo điều kiện triển khai nguồn nguyên liệu thứ cấp hơn nữa.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD chia sẻ: Mỗi năm, cơ hội về phát triển bền vững mở ra khoảng 12.000 tỷ USD trên thế giới, tạo ra gần 300 triệu công ăn việc làm mới cho các doanh nghiệp.

Hơn 90% cơ hội đó ở khu vực Châu Á. Trong lĩnh vực nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy), cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp khoảng 4,5 nghìn tỷ USD trong các ngành.

"Rất nhiều nhà môi trường kêu gọi: Việc không xử lý nhựa sau khi uống xong để tiếp tục sản xuất ra sản phẩm tiếp theo có nhiều giá trị cao hơn nữa, thì một ngày nào đó, nhựa, sắt, thép… - chất thải ngoài đại dương sẽ nhiều hơn cá đang bơi", ông Vinh nhắn nhủ.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM