Dầu thô thất thế, du lịch lên ngôi, Việt Nam sẽ bền vững hơn khi đón 1 triệu du khách thay vì cố gắng đào 1 triệu tấn dầu
Khi một cánh cửa này đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra. Việt Nam sẽ dễ dàng và bền vững hơn khi đón tiếp hơn 1 triệu du khách thay vì cố gắng tìm 1 triệu tấn dầu thô, theo HSBC.
Dầu thô thất thế, du lịch lên ngôi
“Dầu thô thất thế, du lịch lên ngôi” là tựa bài trong Thông cáo mới ra của Ngân hàng HSBC về triển vọng thị trường Việt Nam.
Sản xuất dầu mỏ của Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2000 và tiếp tục là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng từ năm 2000 đến năm 2010 (cùng với sản xuất dệt may, giày dép và nông nghiệp). Tuy nhiên, sản xuất các nhiên liệu hóa thạch đã sụt giảm vài năm gần đây và các quan chức Chính phủ đã báo hiệu rằng đây có thể là một tiêu chuẩn mới.
May mắn là “đóng một cánh cửa này sẽ mở ra một cánh cửa khác”, HSBC nhận định. Việt Nam chuyển hướng sang các mặt hàng điện tử khá thuận lợi và trở thành một nhân tố đáng tin cậy cho tăng trưởng trong vài năm gần đây.
Du lịch cũng đã đóng góp lợi ích cho ngành dịch vụ và với sự phát triển liên tục đã góp phần giúp Việt Nam có nhiều nguồn lực tăng trưởng đa dạng hơn.
Cuối tháng trước, Phó Thủ tương Vương Đình Huệ đã phát biểu tại cuộc họp với những nhà lập pháp rằng sản lượng dầu mỏ trong năm 2017 sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn, tương đương với với mức giảm 0,25% GDP.
Tuy nhiên, ông Huệ cũng lưu ý rằng ngành du lịch và những ngành dịch vụ liên quan có thể bù đắp cho sự sụt giảm của sản lượng dầu thô nhờ sự tăng trưởng của ngành du lịch trong nền kinh tế.
HSBC cho rằng đây chính là một chính sách bền vững cho Chính phủ Việt Nam khi sản lượng năng lượng hóa thạch của đất nước đang ngày càng co hẹp và ngành công nghiệp dịch vụ đang ngày càng phát triển.
Vì sao du lịch lên ngôi?
Theo HSBC, Chính phủ trong năm vừa qua đã ban hành chương trình miễn thị thực để thu hút nhiều khách du lịch tới Việt Nam hơn và điều này có vẻ như đã có hiệu quả.
Năm 2016, Chính phủ giới thiệu chương trình miễn thị thực cho năm quốc gia ở châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh) thu hút lượng du khách từ châu Âu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng 21% so với năm trước.
Chương trình này cũng đã được gia hạn đến năm 2018 thu hút lượng khách rất lớn du lịch tới Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, gần 70% lượng khách du lịch đến Việt Nam là từ các quốc gia châu Á khác, đứng đầu là Trung Quốc và Hàn Quốc. Con số này đã tăng đáng kể trong vài năm gần đây.
Từ hồi đầu năm, Việt Nam đã áp dụng quy trình cấp visa đơn giản cho công dân Trung Quốc bao gồm thủ tục xin thị thực trực tuyến cho du khách Trung Quốc du lịch ngắn ngày và ba ngày miễn thị thực cho du khách Trung Quốc nhập cảnh từ cửa khẩu Quảng Ninh. Kết quả là Việt Nam đã chào đón lượng du khách kỷ lục hơn 10 triệu người trong năm 2016 và con số này sẽ dễ dàng được vượt qua trong năm 2017.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, doanh thu ngành du lịch đạt được gần 16,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 26,5% so với năm 2016. Các ngành dịch vụ của Việt Nam cũng đã đã hưởng lợi với tăng trưởng đạt mức nhanh nhất kể từ năm 2013. Đặc biệt ngành du lịch đã hỗ trợ cho các ngành vận tải và nhà ở khi ngành vận tải có mức tăng trưởng nhanh nhất trong 4 năm qua.
Tăng trưởng ngành dịch vụ cũng đã hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam vốn đã có thâm hụt tăng lên trong thương mại dịch vụ nhiều năm. Điều này rất quan trọng khi áp lực tài khoản vãng lai ngày càng giảm do nhập khẩu hàng hóa ngày càng nhiều cho các mặt hàng dầu thô, thiết bị điện tử và máy móc.
Có lẽ quan trọng hơn nữa là ngành du lịch Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy nhờ vào hoạt đồng đầu tư. Hàn Quốc là quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn nhất đổ vào Việt Nam, chủ yếu là ở ngành sản xuất, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc lại quan tâm đến lĩnh vực bất động sản sau khi Việt Nam đã nới lỏng quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài hồi năm 2015.
Trong một báo cáo gần đây, nhóm nghiên cứu về tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu của HSBC đã dự báo lượng khách du lịch của Trung Quốc đến Việt Nam tiếp tục tăng và tới năm 2018 sẽ vượt qua con số 9 triệu du khách. Điều này có nghĩa là ngành du lịch không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây mà còn góp phần hỗ trợ quan trọng cho sản lượng tương lai.
“Đánh giá hết những yếu tố này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là Việt Nam sẽ dễ dàng và bền vững hơn khi đón tiếp hơn 1 triệu du khách thay vì cố gắng tìm 1 triệu tấn dầu thô, và học tập nước láng giềng Thái Lan đã đón trung bình khoảng 25 triệu du khách mỗi năm kể từ năm 2010.
Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong vài năm tới nếu như chương trình miễn thị thực còn tiếp tục, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và môi trường kinh tế và chính trị tại các nước khác thuận lợi”, báo cáo của HSBC cho biết.